share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Huyền bí hang động Ngườm Ngao vùng biên ải


ADVERTISEMENT

Tiếng suối róc rách như ở tận cùng trong lòng đất, tiếng đàn đá càng thánh thót vang vọng hơn trong không gian kín và hơn hết, trong “thế giới ngầm” này, mọi hình ảnh đều đưa trí tưởng tượng của con người đến giới hạn cực điểm. Đó chính là sự huyền bí, hùng vĩ của báu vật nơi vùng biên ải – động Ngườm Ngao!

Quanh co núi, quanh co với cả mây trời hơn 100km đường đèo từ Bắc Kạn, tôi cũng đã đến với vùng đất Cao Bằng, nơi núi non giăng mắc trùng điệp. Từ thành phố Cao Bằng, tôi tiếp tục hành trình gần 100km tiếp theo để đến với hang động Ngườm Ngao huyền bí ở vùng biên ải thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Tôi lại tiếp tục vượt đèo với con đường như một tấm lụa xám uốn theo từng sóng núi. Cung đường quá đẹp, đến nỗi dù khá mệt vì chặng đường dài, tôi cũng không muốn nhắm mắt ngơi nghỉ một phút nào. Tôi không muốn bỏ lỡ khung cảnh ở hai bên đường. Những ngọn núi đá xám tưởng xù xì vô tri lại trở nên thơ mộng với những mảng màu xanh thẫm của cây rừng. Điểm tô trong màu sắc ấy là những cây mận đang mùa nở hoa trắng xóa. Cảnh sắc hai bên đường, dưới chân những ngọn núi, cũng khiến lòng người say đắm. Những ngôi nhà làm bằng đá của người dân tộc, nhưng ruộng cải trắng cải vàng trổ bông li ti thơ mộng, những ruộng rau xanh mướt, thỉnh thoảng vài ba chú ngựa thong dong gặm cỏ… tất cả tạo nên một bức tranh bình yên đến vô cùng.

Có lẽ vì đang quá ngất ngây với cung đường, nên khi vào đến khu vực động Ngườm Ngao tôi lại có chút thất vọng. Con đường nhỏ xẻ núi dẫn vào động đang trong quá trình thi công, đất đá lởm chởm. Dù biết việc này càng thuận tiện hơn cho du khách khi đến tham quan, nhưng tôi cũng có chút tiếc nuối rằng nếu leo núi, băng rừng thì cảm giác sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều.

Bỏ qua những định kiến ban đầu, tôi bắt đầu vượt đoạn đường đá gần 1km để vào chân núi đá vôi ở bản Gun. Và chẳng mấy chốc cái tên Ngườm Ngao tựa vào vách đá đã hiện ra trước mắt tôi. Theo chân một chàng trai người Tày, chuyên chụp ảnh cho khách ở trong động, tôi cúi người chui vào cửa Ngườm Lồm, một trong ba cửa của hang Ngườm Ngao, nhỏ xíu chỉ một người lọt. Bắt đầu từ đây, tôi biết mình đang khám phá một báu vật của vùng biên ải xa xôi.

Ngay khi bước vào hang, trước cả khi nhìn thấy thạch nhũ, tôi đã nghe tiếng nước chảy róc rách. Tiếng nước như tiếng đàn theo bước chân khiến tôi tò mò muốn tìm dòng suối. Tuy vậy, tôi chẳng thể nhìn thấy gì vì dưới lòng đất rất tối và tôi thì không muốn quá mạo hiểm. Anh bạn người Tày kể, theo tiếng Tày, “Ngườm Ngao” có nghĩa là Động Hổ. Tương truyền, xưa kia trong động có nhiều hổ dữ sinh sống nên người dân Tày mới đặt tên động là Ngườm Ngao. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, những tiếng gầm rú phát ra từ trong động là tiếng suối chảy vang dội khi đến mùa mưa lũ giống tiếng hổ gầm nên động mới có tên như vậy. Dù thời điểm này, dòng nước chảy êm như tiếng gảy đàn, thì tôi vẫn nghiêng về giả thiết thứ hai hơn.

Bước tiếp vào bên trong, tôi bắt đầu choáng ngợp trước muôn hình vạn trạng của thạch nhũ. Bắt đầu từ cột chống trời to hai, ba người ôm vững trãi dựng từ dưới mặt đất lên vòm động. Tiếp đó là những dải thạch nhũ đủ mọi hình thù từ dưới đất mọc lên, từ trên vòm động thả xuống, khiến cho trí tưởng tượng của tôi được dịp thoải mái bay bổng đến vô tận. Nào là cột đá cô đơn, cây san hô khổng lồ, bầu sữa mẹ, bàn tay Phật, nàng tiên chải tóc, nào là đài sen đá ngược khổng lồ, cây rừng…

Thiên nhiên còn khéo léo tạo cho “thế giới ngầm” này thêm sinh động với những “trướng rủ màn che”, cây đàn đá khổng lồ gõ vào lại tạo âm thanh hay tuyệt vời, những thác vàng rực rỡ, thác bạc lấp lánh. Đặc biệt hơn cả là ở giữa lòng hang rộng mênh mông, qua hàng triệu năm kiến tạo của thiên nhiên, nơi này còn có cả những dãy đá như Vạn Lý Trường Thành, những thửa ruộng bậc thang cũng độc đáo chẳng kém gì.

Lại thêm một điều đặc biệt nữa trong động Ngườm Ngao, đó là trong vòm động có 3 lỗ thông lên trời. Anh bạn người Tày bảo với tôi rằng vào đúng 14 giờ chiều ngày 22 tháng 4 hàng năm, 3 luồng ánh sáng từ 3 lỗ thông này sẽ gặp nhau tạo nên khoảng không rực sáng như ban ngày trong vài phút ở trong lòng động. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng tôi nghĩ đây là một điều khá thú vị.

Tôi cứ mải miết trầm trồ hết hình dáng này đến hình ảnh khác trong cái hang động dài gần 2km ấy cho đến khi thấy cửa hang Ngườm Ngao ở ngay trước mặt rồi cũng không muốn bước ra. Tôi lại đi thêm một vòng nữa để chụp những tấm ảnh kỷ niệm mà ở lúc đầu tôi mải miết ngắm nhìn nên chẳng đưa máy lên. Tất nhiên, những bức ảnh thì không thể thu hết được cảnh sắc lung linh, kỳ ảo mà tạo hóa ban tặng cho nơi này. Vậy nên tôi càng phải ngắm, phải nhìn thật lâu. Tôi để cho trí tưởng tượng của mình thỏa sức bay xa với những khối thạch nhũ và măng đá trong động.

Rồi tôi cũng như những vị khách đến khám phá cái hang huyền bí này, cũng kiên nhẫn đứng hứng lấy vài giọt nước ở chỗ thạch nhũ bàn tay Phật để xoa lên mặt, hòng mong điều may mắn sẽ đến với mình. Tôi cũng đứng ở đài sen ngược, ngay bên cạnh thạch nhũ Đức Phật, cầu cho tâm mãi an nhiên và để anh bạn người Tày chụp một tấm ảnh kỷ niệm thật đẹp. Và tất nhiên, nếu có dịp quay lại Cao Bằng, tôi sẽ cố gắng chọn thời điểm 14 giờ chiều ngày 22 tháng 4 để hy vọng được trông thấy khoảnh khắc ánh sáng chan hòa ấy trong động Ngườm Ngao. Tôi tin như thế, vì điều kỳ diệu vẫn luôn xảy ra!


ADVERTISEMENT