Jet Set Style: “Giai thoại” gắn liền với hành trình phát triển của thời trang sân bay
“Jet Set” là cả một nghệ thuật xa hoa. Những Jet-setters không chỉ là người khởi xướng cho một phong cách thời trang du lịch xa xỉ mà còn tạo sức ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp thời trang.
Khởi nguồn của phong cách Jet Set
Xuất hiện vào những năm 1950-1960 dưới sự bùng nổ của ngành du lịch hàng không, “Jet Set” vốn là thuật ngữ dùng để nhắc đến tầng lớp thượng lưu với sở thích di chuyển bằng máy bay đến các địa điểm nghỉ dưỡng xa hoa trên thế giới. (Được biết, một thuật ngữ khác cũng dùng để đề cập phong cách ăn mặc tại sân bay là Aerolook)
Với thú vui xê dịch, thói quen tiêu tiền và lối sống xa xỉ, các quý ông và quý bà đầu tư cho tất cả mọi thứ: Từ chiếc vé máy bay đắt đỏ, khu nghỉ dưỡng sang trọng và cả những trang phục diện trên người. Tất cả cộng hưởng khiến cho những điểm mà “Jet-setter” đặt chân đến đều trở thành ‘sàn diễn thời trang’. Và “Jet Set Style” đời đầu được mô tả là phong cách thời trang xa hoa, dát đầy hàng hiệu và sành điệu.
Marilyn Monroe trên máy bay phản lực của Không quân đến Hàn Quốc 1954. Ảnh: Global Fashion Report
Những biểu tượng đầu tiên của phong cách Jet Set trong thời kỳ rực rỡ này có thể kể đến Audrey Hepburn, Rita Hayworth, Ava Gardner và nhiều ngôi sao khác. Đối với những mỹ nhân này, sải bước trên đường băng khi rời khỏi máy bay riêng chẳng khác gì một khoảnh khắc trình diễn thời trang.
Cơn khát “săn ảnh” của cánh nhà báo và nhiếp ảnh gia thời bấy giờ đã góp phần đưa phong cách này nổi tiếng hơn trước công chúng. Họ theo chân các quý cô, quý ông đến sân bay hay các khu nghỉ dưỡng và lưu lại hành trình lịch sử và phát triển của Jet Set đến tận bây giờ.
Ava Gardner và khoảng khắc bước ra khỏi sân bay. Ảnh: Getty Image
Những cột mốc dấu ấn của Jet Set Style
Sự xuất hiện của máy bay vào những năm 1950 và 1960 đã định hình nên đặc trưng của phong cách Set Jet ban đầu. Thời điểm đó, việc di chuyển bằng máy bay chỉ dành cho giới thương nhân & nghệ sĩ. Thời trang sân bay của các hành khách khoang thương gia này luôn là những mẫu thiết kế mới nhất, độc quyền từ các nhà mốt nổi tiếng như Andre Courrèges, Hermès, Pierre Cardin, Pierre Balmain, Chanel,…Họ đã tạo lập xu hướng (Trendsetter) và biến du lịch xuyên lục địa tận hưởng cuộc sống trở thành nhu cầu thiết yếu.
Rita Hayworth tại London, diện đầm cape vào 1956. Ảnh: Global Fashion Report
Nữ diễn viên Marilyn Monroe và chồng - nhà viết kịch Arthur Miller đến sân bay quốc tế New York. Ảnh: Global Fashion Report
Vào khoảng tháng 10 năm 1958, Pan American World Airways đưa chiếc Boeing 707 vào hoạt động để phục vụ cho những chuyến bay đường dài từ New York đến Paris. Châu Âu nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch cuối tuần cho giới thượng lưu Mỹ, đánh dấu sự bắt đầu của thời đại Jet Age (thời đại của máy bay phản lực) và phong trào Jet-Set.
Những thành phố du lịch như Rome cổ kính, Cannes hay Vienna lãng mạn, Mykonos yên bình trở thành địa danh yêu thích của giới thượng lưu dưới thời kỳ hoàng kim của phong cách Set Jet.
Ảnh: Per Palmkvist Knudsen
Hiện tượng paparazzi cũng nổi lên mạnh mẽ trong thời kỳ này, các nhiếp ảnh gia theo sát các quý cô từ sân bay đến những khu nghỉ dưỡng độc quyền. Còn mắt kính râm được ưu ái để che chắn đèn flash của cánh paparazzi.
Bước sang thập niên 70, thời kỳ hoàng kim của Jet Set suy giảm do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu khiến việc đi lại bằng đường hàng không trở nên ít phổ biến hơn. Các ngôi sao lựa chọn trang phục thoải mái với họa tiết nổi bật, phản ánh tinh thần phóng khoáng của thập niên này.
Đến những năm 1980 và 1990, Calvin Klein và Donna Karan góp phần đẩy làn sóng thời trang ứng dụng (ready-to-wear) trở nên phổ biến. Kéo theo đó là sự thay đổi trong phong cách du lịch rõ rệt, những bộ váy dạ hội lộng lẫy và găng tay opera cầu kỳ nhường chỗ cho trang phục thực tế hơn. Tuy nhiên, các Jet-setters vẫn biết cách tạo “hào quang” nhờ vào những món phụ kiện xa xỉ. Chiếc vali và túi xách cao cấp trở thành “trợ thủ đắc lực” khi vừa đáp ứng quy định về hành lý của các hãng hàng không vừa nâng tầm phong cách cho những Jet-setters. Các thương hiệu huyền thoại chuyên về phụ trang du lịch (dần về sau phát triển thành thương hiệu thời trang) nắm bắt nhu cầu thời đại và ra đời.
Naomi Campbell tại Paris, 1994, diện áo khoác trắng, áo đen, quần trắng, kính râm và xách túi Louis Vuitton. Ảnh: Who What Where
Đại dịch đã “hạ nhiệt” các chuyến du lịch quốc tế và những khoảnh khắc thời trang đính kèm, xu hướng thời trang cũng ngày càng chú trọng tính thoải mái và linh hoạt. Những bộ đồ len co giãn, outfit đồng bộ và blazer hay áo khoác dáng rộng bắt đầu trở thành xu thế. Cứ như thế, phong cách Jet Set hiện đại phần lớn vẫn thừa kế tinh thần thoải mái và tiện lợi như hai thập kỷ trước.
Những thương hiệu & “giai thoại” gắn liền với Jet Set Style
Christian Dior
Những năm 1950, Christian Dior ra mắt công chúng thiết kế New Look với nguồn cảm hứng bắt nguồn từ phong cách Jet Set. Đó là một trong những bằng chứng đầu chứng minh sức ảnh hưởng sâu rộng của trào lưu Jet Set và cũng góp phần lăng xê xu hướng này trở nên phổ biến hơn trước công chúng.
Áo khoác dáng dài lấy cảm hứng từ Dior hay các bộ linen thanh lịch cũng là những món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của những tín đồ Jet Set thời kỳ này.
Ảnh: The Wandering Antiquarian
Louis Vuitton
Không có bộ sưu tập nào dành riêng cho Jet Set nhưng Louis Vuitton chính là “huyền thoại” số 1 gắn liền với phong cách này. Louis Vuitton đã xây dựng nên thương hiệu danh tiếng hàng đầu của làng công nghiệp thời trang và mang đến những món phụ kiện da thuộc cao cấp bằng tay nghề thủ công siêu hạng cho giới thượng lưu châu Âu: rương du hành, túi trang điểm, hộp đựng xì gà, tủ chứa rượu, hộp đồng hồ, v.v.
Những chiếc vali Louis Vuitton và kính râm hàng hiệu là những biểu tượng không thể thiếu của giới Jet Set. Ảnh: Mia Mia Mine
Chính bậc thầy chế tác Louis Vuitton và con trai đã nghiên cứu và phát minh ra hệ thống khóa đơn cho những chiếc rương du lịch. Có thể nói, Louis Vuitton vốn sinh ra với sứ mệnh để thỏa mãn các thượng khách “Jet-setters”. Thương hiệu cũng liên tục tạo ra các chiến dịch quảng cáo mang chủ đề Viễn du. Tất cả nhằm gợi nhớ khách hàng tinh thần bất diệt của thương hiệu: Thế giới của Louis Vuitton luôn là những chuyến du hành & sự thanh lịch tối cao!
Hermès
Một thương hiệu huyền thoại khác cũng gắn liền với những chuyến đi của giới thượng lưu là Hermès. Hình ảnh công nương Grace Kelly sang trọng, đầy thanh lịch với chiếc khăn lụa Hermès và túi Kelly bước xuống từ chiếc phi cơ riêng đã trở thành biểu tượng thời trang của thế giới, đồng thời cũng là hình ảnh mà những Jet-setters ngày nay muốn vươn tới.
Ảnh: Madison Avenue Couture
Burberry
Danh sách bạn đồng hành của những chuyến đi không thể không kể đến thương hiệu Anh quốc – Burberry. Chất liệu canvas họa tiết ô vuông (tartan) là hình ảnh đầu tiên bạn thường liên tưởng khi nghe tới thương hiệu mang đậm phong cách Ăng-lê này.
Burberry còn tung ra một chiến dịch kỹ thuật số mang tên Travel Tailoring với dòng thời trang dành cho nam giới. Đó là những bộ suit dành cho quý ông hay di chuyển, được thiết kế trên chất liệu vải nhẹ tênh nhưng vẫn lên phom dáng chuẩn, làm bằng sợi dẻo tự nhiên và không bị nhăn khi xếp vào va li du lịch.
Ảnh: Burberry
Chanel
Giáng Sinh và Năm mới là những mùa lễ hội lớn kéo theo hàng loạt ngày nghỉ dài ở châu Mỹ và châu Âu. Đó cũng chính là lúc giới nhà giàu tranh thủ thu xếp vali để đi trú Đông ở những vùng biển ấm. Nhu cầu tìm kiếm cho mình những bộ trang phục “trái mùa” bắt đầu xuất hiện. Các hãng thời trang ngay lập tức ra mắt các BST dành cho kỳ nghỉ mát – Cruise hay Resort Collection để phục vụ tối đa nhu cầu mặc đẹp khi du lịch xa. BST này còn có tên gọi là “Pre-Collection” (BST trước mùa) được trưng bày tại cửa hàng trước BST chính Xuân-Hè và chiếm đến 70% tổng doanh thu của hãng.
Chanel đã khởi nguồn cho phong trào “travelling fashion show” – đem show trình diễn BST Cruise chu du đến Singapore, Antibes, Saint-Tropez, Venice, Miami và New York. Tháng 5/2014, Chanel đã có có huých chấn động giới thời trang với show diễn Cruise mang quy mô lớn. Karl Lagerfeld cho dựng trên hòn đảo nhân tạo “The Island” của Dubai một pavilion, bao bọc bởi cây cọ và lưới rèm được kết bằng những chữ C lồng vào nhau – biểu tượng của Chanel.
Show diễn Cruise 2021/22 ở Dubai. Nguồn: Chanel
Duca Sartoria
Duca Sartoria là thương hiệu theo phong cách may đo truyền thống của Ý. Max Girombelli là nhà may lừng danh đồng thời là người điều hành của hãng.
Xuất thân từ một gia đình có ba thế hệ làm việc trong ngành thời trang nam cao cấp, Max Girombelli am hiểu và trở thành “bạn đồng hành” mang các thiết kế và thời trang may đo đến vô số những vị khách đặc biệt: từ hoàng gia, thủ tướng, người nổi tiếng và những nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu.Ông di chuyển nhiều đến mức phải từ bỏ khâu đếm số dặm bay mỗi năm. Lịch công tác đến các thành phố khác của ông liên tục mỗi tháng không kém gì khách hàng VIP của mình.
Ảnh: Duca Sartoria
Một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất của Duca Sartoria là những chiếc áo khoác và bộ vest "giàu có bí ẩn" với một hệ thống các túi kín đáo (lên đến bảy túi) để đựng bút, kính mắt, danh thiếp, điện thoại di động, xì gà, v.v. Quần du lịch của xưởng cũng rất được ưa chuộng bởi chất vải không nhăn và không cần thắt lưng để giảm thiểu thời gian phải tháo rời chúng khi qua cổng an ninh.
>>Xem thêm: New York Fashion Week 2025 và những BST thu đông nổi bật