share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Kẻ lữ hành đi chậm kỳ 2: Những khu vườn ở Manhattan


ADVERTISEMENT

Trong cuốn sách Garden Design Master Class, tôi thấy họ trích dẫn một câu nói của nhà triết học La Mã - Marcus Tullius Cicero: “Nếu bạn có một khu vườn và một thư viện thì bạn có tất cả mọi thứ bạn cần.” Tôi ngẩn người suy tưởng về những khu vườn ở New York rồi chợt nhận ra: Ừ nhỉ, rốt cuộc ta chỉ cần có thế.

Toàn cảnh vườn kiểu Ý - Khu vườn Conservatory - Central Park

Lái xe ở nội thành New York rất đắt đỏ nên người dân tại đây sử dụng phương tiện công cộng rất nhiều. Không khó để bắt gặp một công viên nho nhỏ trên đường đi bộ đến trạm xe buýt hoặc tàu điện. Tôi thán phục và nói với bạn tôi rằng người ta quy hoạch rất hay, cứ đi mỏi chân một tí thì sẽ có chỗ mát mẻ, trong lành ngồi nghỉ. Bạn tôi bảo họ xây để có chỗ vui chơi cho tụi con nít ở đây. Tôi tìm hiểu thêm thì biết NYC Parks quản lý nào là công viên, vườn, hồ bơi công cộng, sân bóng rổ, quần vợt, vân vân... lên tới 14% diện tích của thành phố New York - trực thuộc bang New York và phục vụ cho những mục đích cộng đồng.

Thế là giữa những lần chờ đợi chuyến tàu tiếp theo, những khi đôi chân đã mỏi hay chỉ vì một niềm yêu quá đỗi với vườn tược, hoa lá mà tôi đã đi thăm rất nhiều khu vườn ở nơi đây.

Vườn trên không High Line

Trước khi trở thành nguồn cảm hứng của cả thế giới về việc chuyển đổi những khu công nghiệp không sử dụng thành không gian công cộng thì High Line đã từng đứng trên bờ vực bị phá hủy. Người dân New York đã hợp sức để giữ lại và biến tuyến đường xe lửa trên cao dài hơn 2,3 km này thành một địa danh tham quan đầy thú vị.

Khu vườn trên đường ray cũ ở High Line

Điều kì diệu luôn xảy ra. Khu vườn tràn ngập hoa cỏ khoe sắc, mọc lên mạnh mẽ trên đoạn đường ray cũ kĩ. Những ngày mùa xuân tôi ghé thăm, người ta nằm phơi nắng trò chuyện cùng bạn bè và ngắm thành phố ở một góc nhìn rất khác, vừa đủ cao để bao quát nhưng vẫn đủ gần để thấy rõ dòng người trên phố. Tôi thì trầm trồ về những bức graffiti trên tường của những tòa nhà dọc đường đi. Nếu như không ở tầm cao trên 9 m này, tôi khó lòng mà nhìn trọn được chi tiết của chúng mà không bị vướng vật cản. Cũng có thể sẽ bỏ lỡ những vị khách đang đu đưa theo tiếng nhạc được chơi bởi một nghệ sĩ đường phố nào đó.

Tranh graffiti dọc đường High Line

Tôi bắt đầu từ phía Hudson Yard. Cứ vừa đi, vừa nghỉ rồi dừng lại chụp choẹt. Phía gần cuối của High Line là khu chợ Chelsea, Little Island và Bảo tàng Whitney. Có quá nhiều thứ xinh đẹp, ngon nghẻ và thú vị đang chờ đợi phía bên kia con đường.

Hình ảnh khu Little Island

Những mảng vườn Châu Âu

Một hôm nọ, tôi đánh liều đi xuống khu gần East Harlem chỉ để thăm vườn Conservatory thuộc Central Park, nằm đoạn giữa đường East 104 và East 106. Bạn tôi từng dặn rằng đi sau 10 giờ tối phải cẩn thận và không nên đi qua những con đường vượt quá số 100. Lúc ấy chỉ tầm 4 giờ chiều nhưng biết tính mình sẽ mải ngắm nghía và cũng hay đi lạc nên tôi rảo bước thật nhanh.

Tôi có sợ chứ, nhưng đi thì vẫn đi. Nỗi sợ giúp tôi tỉnh táo. Mọi việc đã từng xảy ra cho tôi biết rằng, điều tôi lo sợ chưa chắc đã là sự thật, nhưng trải nghiệm mà tôi có luôn rất hay ho và đáng nhớ.

Cánh cổng sắt Vanderbilt cổ kính với những đường nét hoa văn uốn lượn tinh tế. Với tôi lúc ấy nó như một cánh cửa thần kỳ mở ra một thế giới mới. Trước mắt tôi là thảm cỏ trải dài, đài phun nước trắng xóa, những bụi cây thủy tùng được cắt tỉa vuông vắn, hàng cây táo cổ thụ hai bên trổ hoa trắng xóa, giàn dây leo bán nguyệt xanh thẫm đầy sức sống và đằng xa là tầng tầng lớp lớp mảng xanh của cây cối, trời mây.

Vườn kiểu Ý - Khu vườn Conservatory - Central Park

Vườn Conservatory chia làm 3 khu, phía Nam là vườn kiểu Anh, phía Bắc là vườn kiểu Pháp và phần trung tâm - khung cảnh trước mắt tôi là vườn kiểu Ý.

“Có cần đẹp quá mức cho phép thế này không?!!”

Hoa thủy tiên và păng xê ở vườn kiểu Pháp - Khu vườn Conservatory - Central Park

Hoa giọt tuyết mọc ở gần vườn kiểu Anh - Khu vườn Conservatory - Central Park

Tôi thốt lên trong đầu mình những lời trách yêu, tôi biết phải làm gì khác hơn khi mà nó hiện ra lung linh trên mỗi bước tôi đi!? Tôi đã cảm nhận được niềm thôi thúc để lưu giữ tất cả mọi thứ trong giây phút này. Nó sẽ mãi là một nơi đẹp đẽ, nơi mà trái tim tôi đã reo lên niềm vui. Tôi quay lại những cơn gió làm rung rinh cánh hoa, những mảng màu tương phản sống động, sắc màu kì diệu của cầu vồng ở đài phun nước và cả những chú chim màu đỏ tôi không biết tên. Còn hương thơm của hoa păng-xê nữa, biết làm sao ghi lại!?

Một góc vườn kiểu Ý - Khu vườn Conservatory - Central Park

Chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua, hàng ngàn cánh hoa táo trắng thả mình rơi xuống. Tôi ngơ ngác ngắm nhìn. Đó là những giây phút hiếm hoi trong đời, như khi ăn được một miếng ngon, uống được một ngụm trà thơm, sau tràng cười quên trời đất với hội bạn thân hay khi nhìn người mình thương và thấy họ cũng đang nhìn mình trìu mến. Tôi mãn nguyện vì mình đã sống, đang sống và sẽ sống.

Bậc tam cấp lên khu đường vòm dây leo ở vườn kiểu Ý - Khu vườn Conservatory - Central Park

Hàng cây táo cổ thụ ở vườn kiểu Ý - Khu vườn Conservatory - Central Park

Những ốc đảo bình yên

Người ta vẫn nhắc đến New York như một khu rừng rậm của những kiến trúc xi măng cốt thép (concrete jungle). Tôi thì lại là kẻ làm vườn mộng mơ, đi kiếm thiên nhiên giữa khu rừng lạnh lẽo này. Lọt thỏm giữa những tòa nhà chọc trời kiên cố, hai viên ngọc mà tôi tìm được là công viên Green Acre và Parley. Âm thanh réo rắt dạt dào của thác nước và tiếng chim hót ríu rít tựa như những nốt nhạc trong trẻo trong bản giao hưởng xô bồ của một thành phố lớn. Những cây cao khẳng khiu sau mùa đông đang vươn lên, tranh đua cùng những toà nhà gần đó. Bên dưới là những bụi cẩm tú cầu, păng-xê, tulip rực rỡ, đặc sản của mùa xuân. Dàn dây leo rậm rạp bò cao, phủ trọn mảng tường. Những chồi non vươn ra mơn mởn như có tham vọng lan rộng và phủ xanh cả góc phố.

Toàn cảnh công viên Parley​

Mọi người ăn trưa, uống cà phê, trò chuyện, tư lự nhìn xa xăm, cắm cúi hoàn thành bản phác thảo hay điếu thuốc đang hút dở. Mỗi người chìm đắm trong thế giới riêng của chính mình. Tôi lại cảm nhận họ cũng giống tôi, tìm thấy sự yên bình giữa thiên nhiên cây cỏ, thấy niềm vui trong sắc màu tươi tắn của lá hoa.

Dây thường xuân leo kín bức tường ở công viên Parley.

Tôi nghĩ ai cũng cần giữ một niềm mơ cho riêng mình. Tôi mơ rằng tôi sẽ để lại cho đời một khu vườn như quý bà Jean Mauzé đã dành tặng Green Acre cho người dân New York “với niềm hy vọng rằng họ sẽ tìm được ở đây những giây phút thanh thản trong thế giới bận rộn này”.

>> Xem thêm: Kẻ lữ hành đi chậm kỳ 1: Cầu Brooklyn – Nếu dám mơ thì hãy biến nó thành hiện thực

 


ADVERTISEMENT