Lạc bước về miền phiêu lãng Cổ Thạch
Vùng đất Bình Thuận đã khá nổi danh với những bờ biển ngọc ngà phẳng tắp của Mũi Né, Phan Thiết, nhưng có một chốn lặng lẽ ẩn sau những tấp nập thường nhật mà chưa nhiều du khách lui tới nhưng rất được các tay săn ảnh và những bước chân ưa khám phá yêu thích. Vùng biển mang tên Cổ Thạch – bãi đá cổ xưa.
Quả thật, biển Cổ Thạch gây ấn tượng đầu tiên bởi đá. Từ những khối đá nhấp nhô muôn hình vạn trạng trên mặt biển đến những bãi bờ chất chứa những thảm sỏi đa sắc mà người dân hay gọi bằng cái tên ‘Bãi đá bảy màu’, tất cả hòa quyện thành một vũ điệu lạ kỳ của đá, nhấp nhô nhảy múa trên mặt biển và trên bờ cát.
Không hút hồn nhờ sự mượt mà lắng dịu như những bờ biển phẳng lì tít tắp nhưng Cổ Thạch lại đầy trữ tình với hòa khúc miên mật của biển, đá và rêu phong. Tại đây rất dễ dàng để có một góc ảnh thật “phiêu” giữa những ghềnh đá táo bạo mà đậm chất lãng du. Lữ khách cũng có thể dạo chơi và thưởng ngoạn vẻ đẹp của bãi đá bảy màu hàng trăm năm tuổi, được Trung tâm xác nhận kỷ lục Việt Nam công nhận là bãi đá cổ lớn nhất Việt Nam với đa dạng về sắc màu và hình dạng. Ngoài ra, nếu đến đây vào khoảng trung tuần tháng 3, du khách còn được chiêm ngưỡng quang cảnh đá được bao phủ bởi những thảm rêu xanh mướt, tạo nên cảnh tượng siêu thực đến mê hoặc.
Mỗi ngày ở Cổ Thạch như cũng chất chứa nhiều vẻ đẹp khác nhau. Sớm tinh mơ, Cổ Thạch là giai nhân còn say ngủ, lớp sương bàng bạc giăng phủ quanh những gờ đá hiên ngang, mang lại cảm giác vừa hùng dũng, vừa dịu dàng kỳ lạ. Đến trưa, nơi đây lại lóng lánh sóng nước và những sắc màu của đá, của sỏi phản chiếu lấp lánh dưới ánh nắng rực rỡ. Chiều buông là lúc những tâm hồn lãng tử dễ phiêu diêu mê mẩn giữa khung cảnh hoàng hôn với những khối đá đổ bóng nghiên dài trước biển trong ánh tà dương, vừa tráng lệ mà lại mang vẻ bình lặng rất riêng của chốn biển đảo hoang sơ. Buổi tối những đêm sáng trăng và thời tiết đẹp, cơn gió biển dịu mát mang phong vị mằn mặn của muối và hương đêm, kết hợp với việc đốt lửa trại và thưởng thức hải sản ngay trên bãi biển sẽ là những trải nghiệm khó phai cho chuyến dã ngoại cuối tuần.
Ngoài biển Cổ Thạch, sẽ là thiếu sót nếu du khách không lên núi và ghé thăm chùa Hang, ngôi chùa hàng trăm năm tuổi với quang cảnh ngoạn mục nhìn xuống biển. Cổ Thạch Tự với tên gọi dân dã là chùa Hang, nằm ẩn mình trong hang động giữa núi non thiên nhiên, được xây dựng từ khoảng năm 1836 và qua nhiều đợt trùng tu được bảo tồn đến tận ngày nay. Từ trên đây người ta cũng có thể ngắm trọn cảnh bãi đá bảy màu long lanh trong nắng. Đứng giữa ngôi chùa hòa cùng rừng núi, nhìn xuống quang cảnh biển xanh biếc bao la trong một trưa miên man nắng gió, thấy lòng bình yên lạ.
Nếu không ngại đi xa và ưa thích khám phá thì hãy còn một nơi gần biển Cổ Thạch cũng hết sức thú vị, đó là Gành Son. Ai đã yêu những gam màu đa sắc của Cổ Thạch thì hẳn cũng sẽ bị mê hoặc bởi Gành Son – Vùng biển của những sắc đỏ như son – chỉ cách Cổ Thạch khoảng 5 km. Vốn là một vùng đồi đất sét đỏ cứng, bên cạnh làng chài dân dã bình yên, nơi đây làm xao xuyến du khách với những sắc màu ấn tượng và nét mộc mạc nguyên thủy của thiên nhiên cũng như con người. Từ trên gành, người ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh làng chài sinh động, ấm cúng vào những buổi chiều, hay cảnh biển bình lặng, êm đềm những sớm bình minh, và cả bức tranh hòa sắc mỹ miều với màu xanh của biển, màu đỏ của đá, những sắc màu đa dạng của ngư thuyền và nhịp sống người dân nơi đây.
Nơi ăn chốn ở khi du ngoạn Cổ Thạch tuy không quá xa hoa nhưng cũng đủ cho một kỳ nghỉ tươm tất. Hiện được đánh giá tốt nhất là khu du lịch Làng Cổ Thạch, với tiện nghi khách sạn, nhà hàng và tình hình an ninh ổn thỏa, yên tĩnh. Nếu yêu thích cắm trại, du khách có thể thuê lều và đốt lửa trại ngủ qua đêm bên bờ biển. Hải sản Cổ Thạch cũng khá tươi mới với giá tương đối phải chăng. Ngoài nhà hàng, du khách cũng có thể mua tại các khu chợ tự phát hoặc chợ Liên Hương và mở tiệc hải sản đêm khi cắm trại trên bãi biển.
Một đêm trời trong, quây quầy cùng người thân bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức hải sản tươi ngon hay tiêu diêu với những ngẫu khúc cùng nhau giữa biển trời khoáng đạt, đến khi thấm mệt thì say giấc trong lều ấm và thức dậy ngắm bình minh dần dâng lên phía chân trời, để thấy cuộc đời đã trọn vẹn hơn trong từng khoảnh khắc. Cổ Thạch vẫn đợi chờ những bước du ca như thế.