share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Lâu đài Neuschwanstein - Xứ sở thần tiên giữa lòng nước Đức


ADVERTISEMENT

Không chỉ sở hữu nhiều thắng cảnh, nước Đức còn trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch khi là cái nôi của hàng trăm thành trì uy nghiêm. Đặc biệt, phải ghé qua lâu đài Neuschwanstein, mới cảm nhận trọn vẹn thế nào là vẻ đẹp thần tiên giữa cõi thực.

Ra đời từ khát vọng nghệ thuật lớn lao

“Trái tim của xứ Bavaria” là mỹ từ người đời ca tụng tòa lâu đài ngự trị dưới chân núi Alps hùng vĩ miền Nam nước Đức. Sở hữu dáng vẻ bề thế, lại nằm ẩn hiện trong làn mây mù, lâu đài Neuschwanstein như bước ra từ những trang truyện cổ tích, làm say đắm bao người. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả là lịch sử hình thành của nó, cũng là câu chuyện về vị vua yểu mệnh Ludwig II.

Thời niên thiếu, ông dành trọn mùa hè của mình trong lâu đài Hohenschwangau. Tại đây, ông được dịp tiếp xúc với những giai thoại về các kỵ sĩ người Đức, những truyền thuyết xa xưa từ thời Trung cổ. Thậm chí ông nảy sinh lòng mến mộ sâu sắc đối với những vở opera kinh điển của nhà soạn nhạc Richard Wagner, người trở thành bạn tâm giao suốt 19 năm ròng của mình sau này. Bất chấp cuộc sống khắc nghiệt ở chốn hoàng gia, Ludwig II vẫn cứ thế chìm đắm trong thế giới huyền hoặc.

Trớ trêu thay, ông đăng cơ khi chỉ vừa mới 18 tuổi. Vị hoàng đế trẻ với khát vọng nghệ thuật mãnh liệt lúc ấy không thể thay vua cha đảm đương chính sự. Từ khi lên ngôi vua, ông dùng gần như toàn bộ ngân sách triều đình tài trợ cho những vở nhạc kịch cũng như chăm lo đời sống của vị nhạc trưởng Richard Wagner. Bất bình trước sự tôn sùng thái quá của nhà vua, chính phủ đã ra lệnh trục xuất Richard Wagner khỏi Munich. Tuy vậy, vua Ludwig II vẫn giữ liên lạc với người mình hết mực sủng ái. Đồng thời, ông tiếp tục dành thời gian để ngao du sơn thủy mặc cho đất nước đang trong thời tao loạn.

Thời gian trị vì 2 năm ngắn ngủi của Ludwig II chấm dứt sau khi nước Phổ giành phần thắng trong trận chiến với Áo. Bang Bavaria bị đế chế này chiếm đóng, đồng nghĩa với việc vua Ludwig II gần như không còn nắm trong tay quyền lực. Chán nản với thực tại, ông quyết định bắt tay vào xây dựng tòa lâu đài tráng lệ ngay bên dòng sông Pöllat thơ mộng.

Trước đó, ông đã từng có cho mình 2 tòa lâu đài là Linderhof và Herrenchiemsee. Tuy vậy, Neuschwanstein mới thực sự là kết tinh cao độ đam mê và nhiệt huyết của ông với những người anh hùng trong thần thoại. Lâu đài Neuschwanstein được cho là lấy cảm hứng từ hình tượng Hiệp sĩ thiên nga Lohengrin, cũng là tên của một vở opera mà Richard Wagner trình diễn lần đầu vào năm 1850.

Năm 1869, người ta bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho lâu đài. Neuschwanstein được khởi công xây dựng với khối lượng nguyên vật liệu đồ sộ: 465 tấn đá cẩm thạch, 400.000 viên gạch, 3.600m3 cát và 600 tấn xi măng. Hàng trăm kiến trúc sư và nghệ nhân đã lao động cật lực trong suốt một thập kỷ, để hiện thực hóa lý tưởng về một nơi đủ sức giúp nhà vua sống tách biệt khỏi trần thế.

Tuy nhiên, bao nhiêu tiền bạc ông đổ dồn vào công trình dần cạn kiệt. Không thể chi trả cho khoản nợ khổng lồ từ các ngân hàng cộng với việc bị cáo buộc là “vua điên”, chính phủ đã ra lệnh cho vua Ludwig II từ bỏ ngai vàng. Và rồi, hai ngày sau khi bị phế truất, người ta đã tìm thấy thi thể ông ở hồ Starnberg. Năm 1886, ông chính thức băng hà khi công trình kiến trúc trong mộng tưởng còn dang dở.

Sự pha trộn của nhiều lối kiến trúc độc đáo

Theo như trong bản phác thảo, lâu đài sở hữu quy mô vô cùng hoành tráng với hơn 200 căn phòng dành riêng cho nhà vua. Trên thực tế, chỉ có 14 trong số đó được hoàn thành. Tuy nhiên, diện mạo của tòa lâu đài giờ đây vẫn đủ sức thu hút hàng triệu du khách kéo đến mỗi năm.

Neuschwanstein được xây dựng dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Eduard Riedel, dựa trên bản thiết kế tiểu cảnh sân khấu của Christian Jank. Vua Ludwig II là người đồng phác thảo bản vẽ cho tòa lâu đài của mình. Theo đó, cung điện nguy nga của ông có sự cộng hưởng của nhiều phong cách kiến trúc đặc trưng từ thời châu Âu cổ đại. Cửa sổ hình vòm thiết kế theo kiểu Romanesque, tường thành bao quanh lát bởi đá hoa cương kiên cố và mang màu sắc phong cách Byzantine. Sở hữu một kết cấu vững chắc, tòa thành vẫn sừng sững tồn tại mặc cho bao gió bão.

Ngoài ra, mọi ngóc ngách của lâu đài còn nhuốm màu sắc thần thoại. Không chỉ là hình ảnh những hiệp sĩ đầy kiêu hùng trong truyền thuyết, từ những tấm thảm cho đến những bức họa treo tường đều in hằn dáng dấp ca kịch của Richard Wagner. Mọi thứ đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ.

Đặc biệt, Vương quyền (Throne Hall) và Ca sĩ (Singers’ Hall) được xem là hai đại sảnh làm nên linh hồn của Neuschwanstein. Sảnh Ca sĩ nằm chễm chệ ở tầng 4 và chiếm diện tích lớn nhất trong cung điện. Lấy cảm hứng từ nguyên mẫu sảnh Minstrels của pháo đài Wartburg và tạo cảm giác như một sân khấu nhạc kịch đương thời. Ngoài ra, lối trang trí của sảnh còn gợi nhắc về giai thoại hiệp sĩ Parzival khi xưa ráo riết truy tìm Chén Thánh.

Tương tự, sảnh Vương quyền cũng chứa đựng giá trị tôn giáo thiêng liêng với ý tưởng bắt nguồn từ nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople. Chính giữa mái vòm của sảnh là hàng nghìn ngôi sao cùng với chùm đèn dài đến 4m thắp sáng rực rỡ cả gian phòng.

Bên cạnh đó, nội thất của lâu đài cũng cho thấy sự đầu tư công phu: những bức phù điêu chạm nổi, bàn ăn mạ bạc, hang động nhân tạo hay chiếc giường ngủ làm từ gỗ sồi… Đặc biệt, toàn bộ Neuschwanstein đều được lắp đặt trang thiết bị tối tân như hệ thống xả nước tự động, hệ thống sưởi ở trung tâm, hệ thống nước nóng trong nhà bếp và phòng tắm. Tất cả làm nên vẻ cao sang, quyền quý cho tòa lâu đài mà vua Ludwig II dốc lòng dựng xây.

Nhìn từ bên ngoài, những tòa tháp canh đỉnh nhọn kiểu Gothic của lâu đài như những thanh gươm kiêu hãnh “chọc thủng” trời cao. Biểu tượng vương giả ấy cứ thế bến bỉ đứng giữa thung lũng Schwangau bao la. Cách đó không xa là mặt hồ Alpsee xanh ngọc soi bóng mây trời xứ sở thần tiên. Vẻ đẹp trác tuyệt của Neuschwanstein và phong cảnh chung quanh vì vậy đã trở thành hình mẫu để Walt Disney nhào nặn nên toà lâu đài trong tác phẩm nổi tiếng “Công chúa ngủ trong rừng”.

Quả thực, Neuschwanstein tựa nàng công chúa yêu kiều đang say ngủ và chờ được đánh thức bởi tâm hồn si mê cái đẹp của bao du khách thập phương.


ADVERTISEMENT