share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Lưu huỳnh và những công dụng không ngờ với làn da


ADVERTISEMENT

Không mùi, không vị và có dạng gốc là chất rắn kết tinh màu vàng chanh, lưu huỳnh (sulfur) từ lâu đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực làm đẹp, chăm sóc cho làn da.

Bài viết dưới đây sẽ “bật mí” những công dụng làm đẹp của lưu huỳnh và hướng dẫn sử dụng thành phần này một cách an toàn.

Nổi tiếng với tính kháng khuẩn và chống viêm

Phải khẳng định rằng lưu huỳnh được các bác sĩ da liễu yêu thích bởi khả năng diệt vi khuẩn, nấm và các loại ký sinh trùng trên da. Từ đây, lưu huỳnh giúp điều trị hiệu quả tình trạng mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn sẩn và giải quyết nguyên nhân gây mụn từ sâu bên trong.

Cơ chế hoạt động chung đối với tình trạng trên là lưu huỳnh sẽ hấp thụ dầu thừa trên da, chống lại việc sản xuất quá nhiều bã nhờn làm tắc nghẽn lỗ chân lông - nguyên nhân hàng đầu gây ra mụn trứng cá.

Theo thời gian, lưu huỳnh vẫn luôn là thành phần được nhớ đến nhiều nhất trong các sản phẩm trị mụn bao gồm dạng kem, mặt nạ, sữa rửa mặt và xà phòng. Tuy nhiên, thuốc trị mụn lưu huỳnh được khuyến cáo không nên sử dụng trên vùng da bị tổn thương hoặc vùng da rộng.

Nhìn chung, tác dụng phụ khi sử dụng sản phẩm chứa lưu huỳnh là có, nhưng chúng không đáng kể và có thể kiểm soát được nếu sử dụng đúng cách. Điều này đã khiến lưu huỳnh trở thành lựa chọn tốt cho hầu hết những người bị mụn trứng cá.

Tăng cường sức khỏe cho làn da nhạy cảm 

Với khả năng tiêu diệt nhiều dạng vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, lưu huỳnh là giải pháp lý tưởng để điều trị các vấn đề của da nhạy cảm như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, viêm da tiết bã (tình trạng viêm nhiễm ở các vùng da có mật độ tuyến bã nhờn cao), bệnh chàm và bệnh hồng ban (phản ứng quá mẫn thường do nhiễm trùng).

Nhờ có lưu huỳnh như một chất kháng khuẩn nhẹ nhàng, những người sở hữu làn da nhạy cảm có thể tạm biệt nỗi lo kích ứng khi điều trị bằng axit salicylic hoặc benzoyl peroxide. Nhưng khuyết điểm cũng từ đây mà ra, bởi vì không có tác động mạnh nên lưu huỳnh không đủ khả năng điều trị những tình trạng mụn nặng hơn như mưng mủ hay mụn bọc. 

Dẫu vậy, lưu huỳnh thực sự là lựa chọn phù hợp nếu bạn đang cố gắng làm sạch da hoặc khắc phục tình trạng kích ứng từ nhẹ đến vừa có thể nhìn thấy được. Làn da nhạy cảm theo đó mà được chăm sóc dịu nhẹ và từ từ cải thiện đáng kể. 

Thúc đẩy quá trình tẩy tế bào chết

Khả năng này ở lưu huỳnh có thể không quá mạnh như một số chất khác, song nó vừa đủ để loại bỏ tế bào chết, tạp chất và làm thông thoáng lỗ chân lông. Nhờ tác dụng làm mềm và mỏng biểu bì (tính chất keratolytic), lưu huỳnh sẽ nhẹ nhàng lấy đi tế bào chết ở các lớp trên cùng của da và trả lại một làn da sạch sẽ, mịn màng. 

Bằng cách tẩy tế bào da chết trên bề mặt da, lưu huỳnh có thể giúp cải thiện sự xuất hiện của các đốm đen và chứng tăng sắc tố da. 

Cải thiện vẻ ngoài của sẹo mụn 

Lưu huỳnh có thể cải thiện vẻ ngoài của sẹo nhẹ theo cơ chế loại bỏ độc tố khỏi da và thúc đẩy sản sinh các tế bào mới khỏe mạnh. Khi hấp thụ đủ lưu huỳnh, làn da của bạn sẽ tự động rạng rỡ, sáng mịn và mềm mại hơn. Đây cũng là lý do vì sao lưu huỳnh được mệnh danh là “khoáng chất làm đẹp” của thiên nhiên. 

Làm thế nào để tránh tác dụng phụ khi dùng lưu huỳnh? 

Tác dụng phụ mà lưu huỳnh gây ra còn tùy thuộc vào loại da của mỗi người. Được đánh giá là một chất dịu nhẹ, song vẫn nên cẩn trọng khi sử dụng cho làn da cực kỳ nhạy cảm.

Lưu huỳnh có thể gây khô da, nên cần sử dụng kết hợp kem dưỡng ẩm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn có thể là phát ban, mẩn đỏ hay ngứa. Lúc này hãy ngưng sử dụng sản phẩm và tham khảo ý kiến của ​​bác sĩ da liễu. 

Một số người lại bị dị ứng bẩm sinh với lưu huỳnh, nên cần sử dụng sản phẩm với tần suất cũng như mức độ áp dụng lên da vừa phải trong thời gian đầu và không quên theo dõi phản ứng của da. 

Tránh sử dụng đồng thời các thành phần trị mụn và tẩy tế bào chết khác có công dụng tương tự lưu huỳnh (chẳng hạn như retinoids, benzoyl peroxide và axit salicylic) vì nó có thể khiến da bị khô và viêm nhiễm.

Nên sử dụng loại sản phẩm chứa lưu huỳnh nào? 

Loại sản phẩm sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu làn da. Tốt hơn hết là tìm gặp bác sĩ da liễu để nhận được những lời khuyên hữu ích. Chẳng hạn, nếu đang tìm kiếm một phương pháp kiểm soát dầu và nổi mụn thì sữa rửa mặt chứa lưu huỳnh là sản phẩm cần có trong chu trình chăm sóc da. 

Thông thường, nồng độ lưu huỳnh trong các sản phẩm làm đẹp là 3%-10%. Với nhu cầu điều trị mụn trứng cá, nồng độ lên tới 10% sẽ an toàn khi sử dụng trong tối đa 8 tuần. Loại sản phẩm này được khuyến khích bổ sung vào chu trình dưỡng da ban đêm từ 2-3 lần/tuần để đảm bảo bã nhờn dư thừa được loại bỏ tối ưu. 

Ngoài ra, mặt nạ chứa lưu huỳnh cũng rất được ưa chuộng bởi tác dụng làm sạch lỗ chân lông. Còn xà phòng chứa nguyên tố này sẽ hỗ trợ tốt trong việc điều trị vùng da bị chàm hoặc hồng ban. 

Thị trường hiện nay có một số sản phẩm bổ sung lưu huỳnh dạng uống. Tuy nhiên, các sản phẩm bôi ngoài da vẫn được khuyến khích hơn bởi chúng ít gây tác dụng phụ và có thể tác động trực tiếp lên da, đem lại hiệu quả trông thấy. 

Nhờ vào đặc tính phong phú vốn có mà lưu huỳnh có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau trong quy trình chăm sóc sức khỏe và vẻ đẹp làn da. WOWWEEKEND mong rằng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về thành phần tự nhiên này.


ADVERTISEMENT