Megalopolis và sự trở lại không hào quang của “lão làng” điện ảnh Francis Coppola
Nói đến Hollywood vào thập niên 1970 và 1980, không ai có thể bỏ qua loạt phim The Godfather của đạo diễn Francis Coppola. Không chỉ là những bom tấn ở thời điểm đó, loạt phim này còn nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ giới phê bình, được lọt top những bộ phim hay và có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Với những đánh giá cao ngất ngưởng từ cả người xem lẫn nhiều học giả điện ảnh, biên niên sử về cuộc sống của người Mỹ nhập cư gốc Ý nói riêng và xã hội New York nói chung ở thế kỷ 20 trở thành câu chuyện điện ảnh kinh điển, và mang về cho cả đạo diễn Francis Coppola cũng như phim của ông hàng loạt giải Oscar, Grammy, Quả cầu vàng…
Thành công của The Godfather chói lọi đến mức nhiều người chọn đây là lý do diễn giải việc Francis Coppola “mất tích” trong nhiều thập kỷ kể từ bộ phim cuối cùng The Rainmaker ra mắt vào năm 1997, với việc không còn ra mắt bất cứ bộ phim nào mới sau đó. Cái bóng của quá lớn của The Godfather vừa đưa ông đến đỉnh vinh quang, nhưng cũng vừa là sự cản trở với việc nhìn nhận những tác phẩm sau đó của Coppola. Dù đạo diễn huyền thoại này vẫn cần mẫn với việc sản xuất phim, và ấp ủ những dự án mới, nhưng phải đến cuối năm 2024, giới mộ điệu mới thực sự khám phá ông đã làm gì trong suốt nhiều thập kỷ ẩn mình.
Bí ẩn ấy là Megalopolis, bộ phim khoa học viễn tưởng sử thi do ông viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. Một dự án được thai nghén từ năm 1977 và bắt đầu được viết kịch bản vào năm 1983, lấy ý tưởng từ sự tương đồng giữa việc Cộng hòa La Mã sụp đổ và tương lai của nước Mỹ. Sau khi nhiều lần bị các hãng phim từ chối do kinh phí lớn và cái bóng của The Godfather với sự nghiệp của Coppola. Tham vọng của dự án không chỉ dừng lại ở tin đồn ông đã phải bán một vườn nho của mình để có chi phí sản xuất phim, mà còn ở bối cảnh phim và những lồng ghép từ nhiều nguồn soi chiếu khác nhau.
Megalopolis lấy bối cảnh New York vào thế kỷ 21, được gọi với cái tên “New Rome”. Ở giữa thành Rome "mới" này, khán giả được tiếp xúc với những nhân vật đâu đó giữa tương lai và quá khứ: Một Cesar Catilina (Adam Driver thủ vai), Thị trưởng Franklyn Cicero (Esposito) hay người phản đối kế hoạch hồi sinh New Rome của Catilina bằng cách xây dựng một thế giới không tưởng trong tương lai Megalopolis. Bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng sử thi này chắc chắn có thể khiến nhiều khán giả “hoang mang” khi bắt đầu xem phim… và với một số người, thậm chí đến cuối phim.
Ở một nước Mỹ khác, "New Rome" bị thống trị bởi một nhóm các gia đình quý tộc, với những thú vui hưởng thụ xa hoa thác loạn trái ngược hoàn toàn với cuộc sống nghèo đói của lớp người dân còn lại. Những thú vui ấy được lồng ghép trong tất cả những gì người ta có thể tưởng tượng về dân tộc La Mã cổ đại. Từ võ sĩ giác đấu trong đấu trường rộng lớn cho đến những bộ trang phục được thiết kế dựa trên cảm hứng từ chính trang phục La Mã cổ.
Trong tưởng tượng của những triết gia, Megalopolis có lẽ là lời châm biếm bằng hình ảnh đầy thú vị nhắm vào những vấn đề của xã hội hiện đại: sự tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, những nhà khoa học, những kẻ mộng mơ, những giá trị cổ hủ và những suy nghĩ cấp tiến. Tất cả được tái hiện thông qua bối cảnh New York “mà chẳng phải” New York, nơi những tòa nhà chọc trời theo kiến trúc Art Deco được khắc các ký tự La Mã, nơi những bữa tiệc dành cho “người có tầm ảnh hưởng” của thế kỷ 21 hoà nhập với cuộc chơi thác loạn kiểu cổ đại, và nơi có nhân vật chính - nhà khoa học đoạt giải Nobel Caesar gợi nhiều liên tưởng đến Julius Caesar hàng ngàn năm về trước.
Với nền điện ảnh đương thời đang thiếu những câu chuyện vĩ mô, Megalopolis tưởng chừng sẽ “làm nên chuyện” ở phòng vé trước khi thẳng tiến đến tượng vàng Oscar. Nhưng đáng buồn thay, đó lại không phải thực tế. Những tưởng trở thành “một trong những thảm họa phòng vé của năm” là chưa đủ, bộ phim bị giới phê bình chê bai chẳng thương tiếc với số điểm trung bình dưới 50%. Trong khi tờ IndieWire gọi nó là một “tuyên ngôn vụng về, loè loẹt về vai trò của người nghệ sĩ”, tờ Screen Daily đánh giá mạch phim chủ yếu không mạch lạc và diễn xuất của các diễn viên “giống phim hoạt hình” nhiều hơn.
Dù hầu hết các chỉ trích đều nhắm vào nội dung phim, giới mộ điệu vẫn ca ngợi Coppola về tầm nhìn của ông trong việc lồng ghép những phông nền và phản chiếu nghệ thuật phức tạp vào Megalopolis. Ngay bản thân cái tên phim đã gợi đến Metropolis huyền thoại của đạo diễn người Đức Fritz Lang, với khung cảnh đô thị trong phim Megalopolis được tái hiện đầy tương đồng với những tưởng tượng của Lang vào những năm 1920. Những chi tiết văn hoá La Mã cổ đại cũng được giới thiệu xuyên suốt bộ phim, thậm chí Coppola còn lồng ghép nhiều chi tiết từ chủ nghĩa văn hoá Art Deco của thế kỷ 20 nước Mỹ trong thiết kế nội thất… Tuy nhiên, những chỉ dấu văn hoá này là không đủ để cứu vãn một bộ phim về cơ bản đã không có một thông điệp cụ thể.
Với nhiều bom tấn nổi tiếng, tham vọng là con dao hai lưỡi. Hoặc bộ phim đó lôi cuốn người xem ngồi ở rạp chiếu từ đầu tới cuối, hoặc khiến người xem nhấp nhổm muốn rời đi mà vẫn cố nán lại để xem “liệu có chuyện gì xảy ra” hay không? Megalopolis có thể khiến nhiều người xem hào hứng vì lâu rồi mới lại có một bộ phim theo chủ nghĩa tương lai hoài cổ, nhưng quá nhiều chi tiết cốt truyện lồng ghép để diễn tả cuộc đấu tranh quyền lực ở thế giới tưởng tượng này đồng nghĩa với việc người xem không tìm thấy sự kết nối với bất cứ nhân vật nào, bất chấp có dàn diễn viên hùng hậu gồm những tên tuổi đầy thực lực như Adam Driver, Aubrey Plaza hay Dustin Hoffman…
Nếu yêu thích nghệ thuật và lịch sử, Megalopolis có thể vẫn sẽ là nguồn giải trí thú vị. Đâu đó trong thất bại đáng buồn của vị đạo diễn lừng danh, vẫn có những tia sáng phía cuối đường hầm. Dù không thể đưa Francis Coppola trở về những vinh quang như cái cách The Godfather đã làm được, bộ phim vẫn là cột mốc đánh dấu sự trở lại với màn ảnh rộng của ông. Và hi vọng rằng, đây sẽ không phải bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp “lão làng” của điện ảnh thế giới.
>>Xem thêm: 7 bộ phim nổi bật trong cuộc đua Oscar 2025