Mình Ơi, Xin Đừng Qua Sông: Hơn 75 năm, tình yêu vẫn trường tồn
Mình Ơi, Xin Đừng Qua Sông (tựa gốc: My Love, Don’t Cross That River) là bộ phim tài liệu kể về đôi vợ chồng già người Hàn Quốc đã ở bên nhau ngót nghét 8 thập kỷ. 86 phút của bộ phim không chỉ mang đến cái nhìn về một tình yêu đích thực mà còn giúp khán giả thấm thía hơn quy luật sinh - lão - bệnh - tử của đời người.
15 tháng ròng theo chân cụ ông Jo Byeong Man và cụ bà Kang Kye Yeol, đạo diễn Jin Mo Young đã khắc họa chân thực cuộc sống thường nhật của hai người tại một vùng quê yên bình. Không cốt truyện rõ ràng, không kỹ xảo điện ảnh, chỉ bằng những thước phim mộc mạc, bộ phim vẫn nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé của xứ sở kim chi và gây tiếng vang lớn tại các liên hoan phim quốc tế.
Thưởng thức bộ phim, khán giả sẽ có cảm giác như đang đọc một tuyệt tác thơ văn. Bởi tình yêu của họ đẹp đến nỗi dường như không bút lực nào có thể kể xiết. Và chắc chắn, bất cứ ai cũng sẽ rơi lệ khi theo dõi trọn vẹn tác phẩm này.
Tình yêu phi thường
Bộ phim chỉ đơn giản ghi lại nếp sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của hai cụ như giặt giũ, nấu cơm, quét tước nhà cửa hay lên rừng chặt củi… Ở ngôi nhà dưới chân núi của tỉnh Gangwon, hai cụ cứ thế nương tựa vào nhau và vui thú bên hai chú chó cưng của mình. Cụ bà đôi lúc lại làu bàu cụ ông, còn cụ ông thì lại kiệm lời và thính giác yếu dần do tuổi đã cao. 76 năm qua, nhịp điệu cuộc sống của họ vẫn cứ êm đềm trôi. Từng giây phút trong bộ phim như vẽ ra bức tranh hiện thực vô cùng bình dị, nhưng sự bình dị ấy lại là ước vọng về một cuộc đời đáng sống của biết bao con người.
Theo lời kể của đạo diễn, cụ Kang Kye Yeol kết hôn với cụ Jo Byeong Man khi bà chỉ mới 14 tuổi. Cụ ông lúc ấy vốn là người làm công cho nhà bà. Phải mất 3 năm sau khi kết hôn, họ mới thực sự có tình cảm với nhau. Từ đó, mỗi ngày trôi qua với họ đều là một ngày hạnh phúc. Họ chẳng hề ngừng nói những lời ngập tràn yêu thương về nhau:
"Ở bên bà tôi chẳng thấy lạnh"
"Không chỉ hát hay, ông còn là một người chồng tốt"
Hiếm ai có thể nói những câu ngọt ngào với đối phương khi đã ở tuổi gần đất xa trời như thế. Có lẽ cảm xúc họ chỉ trở nên tròn đầy hơn chứ không hề khuyết đi khi ở bên nhau. Cụ Kang ở thời điểm trong bộ phim đã 89 tuổi, còn cụ Jo thì đã gần đến ngưỡng tuổi 100. Ấy vậy mà chuyện tình của họ lại tươi rói như những đôi trẻ. Họ hất lá, ném bóng tuyết vào nhau. Họ cùng nhào nặn người tuyết và cùng nắm chặt tay nhau đi trên đường. Cụ ông nhẹ nhàng cài một bông hoa lên tóc bà và khen bà xinh đẹp. Mỗi buổi tối, ông đều vuốt ve mặt bà trước khi đi ngủ. Đó là những niềm vui ban sơ khiến cho họ không hề cảm thấy cô độc dẫu sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Chẳng cần đến kịch bản khoa trương, hai cụ cứ thế thể hiện chân thực nhất như trong đời sống thường nhật trước màn ảnh.
Cụ ông ít nói là vậy nhưng lại yêu chiều bà hết mực và có những cử chỉ vô cùng tinh tế với vợ mình. Khi còn trẻ, ông đã đợi bà đủ lớn mới dám chạm vào bà. Một phân cảnh trong phim khiến người xem cảm động đó là vào một đêm nọ, cụ bà đã ra ngoài đi vệ sinh nhưng vì sợ hãi nên đã bảo cụ ông đứng chờ. Cụ ông lúc ấy đã hát cho bà nghe để cụ bà biết ông luôn hiện diện ở đó.
Cụ ông cũng không bao giờ chê đồ ăn bà làm và luôn cảm ơn bà sau mỗi bữa ăn. Dù đã già yếu, cụ ông vẫn không muốn bà đến bệnh viện một mình. Có mấy ai trong đời có thể duy trì những hành động lãng mạn với đối phương như một thói quen. Đổi lại, cụ bà cũng hết lòng thấu hiểu cụ ông. Dù khó ngủ khi phòng để đèn, bà vẫn làm thế vì chỉ như vậy cụ ông mới ngủ ngon. Bà sẵn sàng chờ đợi ông, dắt dìu ông khi đi trên đường. Cuộc đời này, có ai có thể vì nhau mà chậm chân bước như thế?
Thấm thía hơn về cái hữu hạn của kiếp người
Tuy nhuốm màu cổ tích, bộ phim vẫn là tác phẩm phản ánh đời thực, đặc biệt là khi cụ Jo đang gần đến giai đoạn sang bên kia thế giới. Ở nửa sau bộ phim, bệnh tình của cụ Jo ngày một trở nặng. Dự cảm được điều sẽ xảy đến, cụ Kang đã soạn quần áo và đem đốt để ông vẫn có cái mặc khi đã ra đi. Có lẽ người xem sẽ xót xa biết bao khi chứng kiến cơn ho của cụ ông cũng như nỗi lo âu khôn nguôi của cụ bà. Bởi không còn cụ ông, cụ bà sẽ dựa vào đâu để mà sống tiếp?
Càng về cuối phim, Mình Ơi, Xin Đừng Qua Sông lại càng khiến người xem dễ rơi lệ. Có với nhau 35 người con, cháu chắt, trong đó có 6 người con của hai cụ đã qua đời khi còn rất nhỏ. Cụ bà đã tự mình mua quần áo cho những người con đã mất và đem đốt như cách để bù đắp cho điều bà đã không làm được trong quá khứ. Tình thân quả là thứ vô cùng thiêng liêng và không có biên giới.
Một phân cảnh khác trong phim khiến người xem phải giật thốt nghĩ lại về chính mình là khi những người con của hai cụ cãi nhau trong lễ mừng thọ của cụ bà, còn hai cụ chỉ biết lặng người và nghẹn ngào. Ngày sum vầy của gia đình lại mất đi niềm vui đúng nghĩa. Cuộc đời này rất ngắn ngủi, đôi lúc còn chẳng đủ thời gian để yêu thương. Cái giật mình nhận ra khi xem phim của người xem có chăng cũng là sự thức tỉnh để ta biết cuộc sống này vô thường nhường nào.
Cuối cùng, phân cảnh đau lòng nhất phim cũng chính là lúc cụ bà tiễn cụ ông sang triền dốc bên kia cuộc đời. Cụ bà ngồi trong trời tuyết lạnh giá và nói những lời sau cuối trước nấm mồ cụ ông. Khung hình lúc này mở rộng hơn, khắc họa sự đơn độc của cụ bà giữa khoảng không mênh mông. Bộ phim thực sự đã khắc sâu vào cái hữu hạn của kiếp người.
Cho dù cụ ông đã không còn trên đời, tình yêu của họ vẫn sẽ trường cửu. Những kỷ niệm họ có với nhau sẽ đi cùng cụ bà mãi mãi. Bộ phim còn cho ta thấy định nghĩa đích thực về hạnh phúc. Hạnh phúc không phải của cải vật chất cao sang. Hạnh phúc nằm ở những điều nhỏ bé và chan chứa yêu thương cả hai cùng nhau kiến tạo. Giá trị tinh thần mới là thứ tồn tại bất biến.
Mình Ơi, Xin Đừng Qua Sông thực sự là thước phim cổ tích mà ai trong chúng ta cũng nên xem qua một lần để có thể chiêm nghiệm về tình yêu giữa người với người.