Một chuyến đi sau Covid-19 ở Ladakh
Ladakh là chuyến đi đầu tiên của tôi sau những năm Covid-19. Là một trong những hành khách "mạo hiểm" lên máy bay sau những tháng ngày đóng cửa, tôi có chút gì đó bâng khuâng khó tả khi đặt chân xuống Ấn Độ vào một ngày tháng 5. Còn nhớ đúng một năm trước, Ấn Độ là tâm điểm dịch của thế giới, thì tại thời điểm này tôi đã có thể thực hành lại một số "kỹ năng du lịch" tưởng chừng đã bị quên lãng sau 2 năm tuy ngắn mà dài ấy.
Khuôn khổ của một bài viết có lẽ không cho phép tôi mô tả tường tận từng cây số trên cung đường uốn lượn qua những rặng núi và thung lũng to lớn, mà chỉ có thể trích ra những khoảnh khắc chậm rãi nhất trong suốt hành trình có phần liên tục thử thách sức khỏe, và không hề có internet.
Địa điểm đầu tiên của hành trình là Leh - thành phố thủ phủ của vùng Ladakh. Tôi đã mất một buổi sáng để có thể làm quen với không khí loãng của vùng núi Himalaya này, rồi sau đó mới có thể thực sự cảm thấy mình đang là nhân vật chính của chuyến đi mình đã lên kế hoạch.
Từ Leh, ngày đầu tiên tôi được tài xế đánh lượn một vòng "khởi động" dọc thung lũng sông Indus - con sông Ấn huyền thoại. Những bụi cây đang trổ lá đầu xuân nổi bật trên cao nguyên-hoang mạc nhắc tôi rằng đây đích thị là Ladakh tôi từng thấy qua phim và ảnh.
Con đường uốn lượn qua thung lũng để tới điểm giao của sông Indus và sông Zanskar.
Ở đây tôi có dịp được ngắm gia đình chó ngủ ngon lành ngay trước cảnh đẹp hùng vĩ. Chúng rúc mình vào nhau để tránh những cơn gió lạnh vùng cao.
Trở về Leh vào buổi tối, đó là khi bạn cảm nhận được sự hùng vĩ của những ngọn núi tuyết lấp ló sau những căn nhà phố thị, điều không thể thấy ở các thành phố miền đồng bằng như Sài Gòn.
Địa điểm dừng chân thứ hai là Nubra. Để tới được đó, xe chúng tôi phải băng qua đèo Khardung cao hơn 5.300m, từng được coi là ngọn đèo có đường mô tô cao nhất thế giới. Tuyết đã tan dần, nhưng để làm quen với điều kiện thiếu oxy quả thực là khó khăn. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Trái Đất trong những cơn váng đầu là một trải nghiệm khó quên đối với tôi.
Nubra cho tôi một tập những trải nghiệm đa dạng và vỡ òa, như những phút sống chậm ở tu viện Diskit…
...hay lặng ngắm hoàng hôn treo trên đụn cát ở Hunder, nơi in bóng những con lạc đà hai bướu.
Ngày thứ ba xe của chúng tôi rong ruổi dọc thung lũng sông Shyok để tới hồ Pangong. Những áng mây như kẹo bông gòn nhẹ trôi trên nền những rặng núi đứng sững, hệt như một tiên cảnh.
Hồ Pangong trong phim Ba Chàng Ngốc, là địa điểm nổi tiếng nhất, và cũng dễ ăn ảnh nhất, từ hoàng hôn cho đến bình minh. Và cũng trùng hợp, đó là khoảng thời gian có phần nhọc nhằn nhất của tôi vì hồ ở vị trí cao, không khí rất loãng và lạnh.
Món mì gói Maggi của Ấn tuy có đậm mùi cari, nhưng nhờ tô mì ấm trong căn bếp của khu lều trại mà tôi có thể vượt qua được buổi tối giá lạnh không máy sưởi này. Ở căn bếp, tôi có thể làm quen được với những người bạn Ấn lên Ladakh để tránh cơn nóng trên 40 độ C, từ New Delhi, Mumbai,...
Sáng hôm sau, tôi lại lên đường đi tiếp tới Tso Moriri. Vào một buổi sáng trong xanh, cảnh vật quanh hồ hiện lên thực sự làm ngỡ ngàng người lữ khách lạ.
Để tới Tso Moriri, chiếc xe sẽ vượt đèo Tsaka, rẽ vào thung lũng sông Indus và bẻ lái về phía nam. Dọc đường chúng tôi được thấy hồ Kyagar hiện lên tuyệt đẹp với những đàn dê và cừu đang gặm cỏ bên hồ.
Với tôi, hồ Tso Moriri yên bình, ít thương mại hóa hơn ở Pangong. Những đàn gia súc chăn thả cứ ngẩn ngơ nhìn chiếc xe băng qua đồng cỏ bụi ven hồ, rồi lại tiếp tục việc ăn uống dạo chơi của mình.
Hồ Kyagar vào sớm mai.
Chúng tôi lên xe trở lại Leh ngày sau đó, khép kín vòng tròn dài hàng trăm cây số. Hầu hết thời gian của chúng tôi là bập bênh ê mông trên những lằn mòn đầy sỏi đá hơn là những con đường, nên việc được nhập lại vào cao tốc Manali-Leh, băng băng trở lại phố thị và được thấy những thị trấn nho nhỏ ven lộ khiến tôi có cảm giác hồ hởi lạ kỳ. Tại thời điểm đó, đôi chân và thân thể tuy mỏi nhừ, nhưng tâm hồn hẳn là đã "refreshed" hoàn toàn sau những ngày tháng ì trệ trong phòng suốt mấy năm dịch dài đã qua.