Mũ beret: Từ truyền thống quân đội đến tuyên ngôn thời trang
Sở hữu kiểu dáng xinh xắn, dáng tròn và được làm từ các chất liệu mềm mại, mũ beret tạo nên nét lãng mạn và tinh tế cho người đội. Nhưng bạn có biết rằng, đằng sau chiếc mũ beret (mũ nồi) - biểu tượng thời trang của nước Pháp, là cả một lịch sử chính trị đầy biến động và những thăng trầm gắn với nghệ thuật và thời trang.
Nguồn gốc của mũ beret
Bằng chứng lịch sử khảo cổ và nghệ thuật chỉ ra rằng các biến thể của mũ beret đã có từ thời đại đồ đồng ở Bắc Âu (năm 3200 - 600 TCN). Người Crete cổ đại, người Etrusca, tầng lớp quý tộc Anh như Vua Henry VIII, cùng với các nghệ sĩ Basque và hiện đại (từ Rembrandt đến Picasso) đều đã đội chiếc mũ này. Những dữ liệu về chiếc mũ beret tuy có khác biệt đôi chút về tên gọi, kích cỡ và hình dáng, nhưng chúng đều được làm từ cùng một chất liệu: vải nỉ.
Chân dung hoạ sỹ Rembrandt (Ảnh: Wikipedia)
Một điều cần lưu ý rằng, khi ra đời, mũ beret vẫn chưa có cái tên là "beret. Từ "beret" (tiếng Pháp), được ghi lại lần đầu tiên vào năm 1835 và bắt nguồn từ từ "birretum" (tiếng Latinh). Người Hy Lạp cổ gọi mũ beret là pilos, người La Mã gọi chúng là beretino. Đến thế kỷ 13, mũ beret xuất hiện tại Pháp và được gọi là beret Basque. Chiếc mũ beret ngày nay là biến thể của kiểu mũ beret này.
Chiếc mũ beret Basque hiện đại có nguồn gốc từ những người chăn cừu sống ở hai bên dãy núi Pyrénées ở miền nam nước Pháp và miền bắc Tây Ban Nha. Ở các tỉnh Basque của Tây Ban Nha, người ta đã đeo những chiếc mũ beret có màu sắc khác nhau: màu đỏ ở Guipúzcoa, màu trắng ở Ávala, màu xanh lam ở Vizcaya.
Sản xuất mũ beret
Việc sản xuất mũ beret Basque đã diễn ra từ thế kỷ 17 ở Oloron-Sainte-Marie, một thị trấn nhỏ ở miền nam nước Pháp, nơi những con cừu được chăn thả trên các sườn núi gần đó. Người dân địa phương phát hiện ra rằng khi được làm ướt và cọ xát với nhau, những sợi len nhỏ trở thành lông tơ. Khi vẫn còn ẩm, nỉ có thể được thao tác bằng tay bằng cách kéo qua đầu gối, tạo thành chiếc mũ dáng tròn thích hợp để che đầu.
Ban đầu, mũ beret được làm bằng phương pháp thủ công. Nghề làm mũ beret chính thức được công nghiệp hoá vào thế kỷ 19, với nhà máy đầu tiên, Beatex-Laulheret ra đời vào năm 1810. Các nhà máy khác lần lượt được xây dựng. Đến năm 1928, hơn 20 nhà máy đã sản xuất hàng triệu chiếc mũ beret cho thị trường quốc tế. Nhu cầu mũ beret tăng cao do Thế chiến thứ I và các cuộc di cư nổ ra.
Chất liệu ban đầu để làm nên những chiếc mũ beret là len cừu Pháp. Sau đó, len cừu Merino được nhập khẩu từ Úc và Nam Phi. Vào giữa thế kỷ 20, những chiếc mũ beret trở nên mềm mại hơn khi được làm từ vải angora (lông từ thỏ đã thay lông) trộn với sợi nhiệt. Chất liệu mềm mại giúp chiếc mũ beret trở nên nữ tính hơn, và đó là lúc chúng bắt đầu được phái nữ ưa chuộng.
Một phần của trang phục quân đội
(Ảnh: K. Kassens/U.S. Army)
Lý do beret xứng danh là một chiếc mũ huyền thoại là vì sự ứng dụng rộng rãi của nó trong nhiều lĩnh vực, vượt khỏi giới hạn của thời trang và trở thành truyền thống trong quân đội.
Ngược dòng thời gian để trở lại thế kỷ 19 (1846 - 1849), mũ beret là một phần trong trang phục quân đội khi xuất hiện trong Chiến tranh Carlist lần II - Cuộc nội chiến Tây Ban Nha dưới thời vua Carlos. Tuy nhiên, phải đến năm 1889, beret mới chính thức được đưa vào sử dụng trong quân đội khi đơn vị Chasseurs Alpins của Pháp chọn làm mũ bảo vệ đầu quân sĩ. Những chiếc mũ beret được may thêm một ít len bên trong và có băng thấm mồ hôi bằng da hoặc ruy băng. Sau đó, đơn vị Chasseurs Ardennais của Bỉ cũng gắn liền với mũ beret màu xanh lá.
Trong nửa thế kỷ qua, quân đội Liên hợp quốc được nhận diện bằng mũ beret màu xanh da trời. Trong khi đó, Đặc nhiệm Lục quân Hoa Kỳ còn được gọi là Lính Mũ nồi xanh (Green Berets). Mũ beret còn xuất hiện trong khắp các đơn vị quân đội trên toàn thế giới, bao gồm Nga, Iraq, Pakistan, Venezuela, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Phi.
Tuyên ngôn thời trang của giới văn nghệ sỹ
Từ những năm 1920 trở đi, khắp đường phố Paris, người ta thấy các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn, ca sĩ và ngôi sao điện ảnh, từ Ernest Hemingway, ca sĩ người Pháp Edith Piaf đến nữ diễn viên người Pháp Arletty và Lauren Bacall đều đội chiếc mũ beret. Không dừng lại ở đó, beret còn trở thành đỉnh cao của thời trang Hollywood thế kỷ 20 khi được các nữ minh tinh liên tục "lăng xê" như Marilyn Monroe, Audrey Hepburn, Twiggy, Brigitte Bardot, Catherine Deneuve, Lauren Bacall...
(Ảnh: Lawrence Schiller)
(Ảnh: Flickr/Laura Grace)
Đến những năm 1980, khi thời trang bước vào giai đoạn có nhiều biến chuyển - thập kỷ của những sắc màu vui tươi, của những chiếc áo độn vai, áo thun oversized và chân váy mini, mũ beret bắt đầu hạ nhiệt và dần bị quên lãng. Hàng loạt nhà máy sản xuất mũ beret đóng cửa. Đến nay, chỉ còn duy nhất Laulhere là thương hiệu sản xuất mũ beret lâu đời nhất ở Pháp còn hoạt động từ năm 1840.
Thế nhưng, không phải bộ phim Emily in Paris giúp chiếc mũ beret trở thành xu hướng thời trang được yêu thích trong thời gian gần đây, mà chính thương hiệu Gucci đã tạo ra cú hích đầu tiên khi mang chiếc mũ beret lên sàn diễn trong bộ sưu tập Ready-to-Wear Thu Đông 2015. Nối tiếp Gucci, hai nhà mốt Chanel và Dior khuấy đảo sàn diễn Paris Fashion Week 2017 bằng những chiếc mũ beret cá tính cùng những bộ trang phục đậm chất Parisian.
Mũ beret phối cùng trang phục phong cách geek chic trong bộ sưu tập Ready-to-Wear của Gucci (Ảnh: Vogue/Gucci)
Chanel mang mũ beret trở lại trong bộ sưu tập Resort 2017 (Ảnh: Vogue/Chanel)
Bộ sưu tập Ready-to-Wear Thu Đông 2017 của Dior lấy cảm hứng từ trang phục trong giai đoạn hậu Thế chiến thứ II (Ảnh: Vogue/Dior)
Với những tuyên ngôn thời trang lẫn ứng dụng trong trang phục quân đội, cùng với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ, quả thật không ngoa khi nói rằng chiếc mũ beret đã trở thành biểu tượng huyền thoại của làng thời trang.