share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Nguyễn Bảo Anh - "Nhạc cụ của tôi là chìa khóa mở ra cánh cửa âm nhạc rộng lớn"


ADVERTISEMENT

Giám đốc nghệ thuật Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn, Nghệ sĩ kèn Basson Nguyễn Bảo Anh là một người đa năng. Bắt đầu gắn với âm nhạc từ những năm tháng thơ bé, cuộc sống và những bước ngoặt cuộc đời, những vai trò anh đảm nhiệm đều xoay quanh âm nhạc. Từ Bè trưởng Bassoon của Dàn nhạc Giao hưởng Daejeon tại Hàn Quốc (2005-2010) và của Hiệp hội Opera Hồng Kông cho đến những buổi trình diễn độc tấu ở nhiều chương trình tại những “thủ đô” nhạc cổ điển của thế giới cùng nhiều dàn nhạc danh tiếng như Dàn nhạc Giao hưởng Szolnok, Dàn nhạc Euro Sinfonietta Vienna hay Orchestra Ferruccio Busoni. Từ vai trò Giám đốc Nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn cho đến Giám đốc Học viện Bassoon Hồng Kông (và Bauhinia Musik Haus)... 

Nghệ sĩ đa năng này coi âm nhạc là vô biên của sự sáng tạo, nơi cho anh những thử thách, những bài toán cần lời giải đáp, và cả những “niềm tự hào” khi chứng kiến sự trưởng thành của những nghệ sĩ trẻ được anh hướng dẫn và đào tạo tại Dàn nhạc giao hưởng Trẻ Sài Gòn do chính anh sáng lập, hay những học trò của anh ở Học viện Nghệ thuật Biểu diễn Hồng Kông. 

Tình yêu nhạc cổ điển đến với anh như thế nào?

Tôi sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hoá nghệ thuật do cha tôi là nghệ sĩ múa Ballet của nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Từ nhỏ tôi đã được gắn liền với âm nhạc phương Tây và các loại nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, vì thế, cuộc sống âm nhạc đã hình thành một cách tự nhiên với tôi. 

Vì sao anh chọn kèn Basson - một nhạc cụ giao hưởng rất đặc thù và không quá nổi tiếng như Piano, Cello hay Violin? 

Khi còn rất nhỏ sau khi bước qua các yêu cầu thử năng khiếu, tôi được các thầy giới thiệu các nhạc cụ kèn hơi để lựa chọn. Lần đầu tiên được tiếp xúc và nghe âm thanh từ cây kèn Bassoon và các tác phẩm âm nhạc có nhạc cụ này, tôi đã bị cuốn hút bởi sự đặc trưng của nhạc cụ này với âm thanh ấm áp, mềm mại nhưng cũng rất nam tính. Tôi luôn thầm biết ơn cây kèn Bassoon, bởi đây là lựa chọn quan trọng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của tôi.

Từ bè trưởng Bassoon của Dàn nhạc Giao hưởng Daejeon, Hàn Quốc đến vai trò giảng viên, và giờ là Giám đốc nghệ thuật, sự nghiệp âm nhạc của anh dường như là một vận động không ngừng nghỉ. Đây là vận động có chủ ý, hay đến với anh một cách tình cờ? 

Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nhạc cụ của tôi là chìa khóa mở ra cánh cửa âm nhạc bao la rộng lớn. Bắt đầu từ năm 1992 khi còn rất trẻ (19 tuổi), tôi với nhạc cụ của mình đã có hành trình tới các trung tâm biểu diễn âm nhạc tại châu Âu và châu Á. Từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Thái Lan cho đến Đức, Áo, Hà Lan hay Séc….vv. Như bạn nói hành trình âm nhạc không ngừng nghỉ trong sự nghiệp của tôi gần như chưa bao giờ là sự lựa chọn, tất cả đều đến với tôi một cách đầy tự nhiên.

Dàn nhạc giao hưởng Trẻ Sài Gòn (SPO) do anh thành lập đã chứng minh tương lai của âm nhạc cổ điển Việt Nam nằm ở thế hệ nghệ sĩ nhạc cổ điển và người nghe nhạc trẻ tuổi. Tham vọng “trẻ hóa” nhạc cổ điển được anh và các cộng sự hiện thực hoá thế nào? Đây có phải quá trình dễ dàng với anh? 

Thực sự không dễ dàng. Khi còn là một sinh viên âm nhạc rất trẻ, tôi đã được đào tạo bài bản với những chương trình đào tạo âm nhạc tinh hoa nhất trên thế giới. Ước mơ thực hành và hiện thực hoá trên quê hương luôn hiện hữu trong tôi. Nhưng thực tế thì hơi khác so với nhiệt huyết ban đầu của tôi, bởi đây là cả một dự án dài hơi cần được sự bảo trợ của xã hội, và phải có nhu cầu và tình yêu âm nhạc thực sự.

Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn không chỉ thu hút khán giả bởi những chương trình hòa nhạc chơi các tác phẩm kinh điển của nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng, các vở Opera được đầu tư quy mô, mà còn có nhiều concert xu hướng đương đại khi kết hợp nhiều thể loại nhạc khác. Với tư cách là Giám đốc Nghệ thuật, anh tìm thấy sự cân bằng giữa yếu tố cổ điển và đương đại này như thế nào?

Tôi có một chút tự hào về việc ngoài các chương trình hòa nhạc Giao hưởng âm nhạc cổ điển, SPO đã thực hiện hoá từng bước các nội dung âm nhạc khác nhau, cũng như các loại hình biểu diễn khác nhau như: Classical Meets Jazz, Nhạc phim, Disney in Concert, Symphonic Anime và đặc biệt là Opera kinh điển. Theo tôi khi làm âm nhạc, việc định hình nội dung âm nhạc một cách không gò bó là để thể hiện sự tôn trọng tới khán thính giả. Tôi luôn phân tích và tổng hợp các chương trình dựa trên cơ sở doanh thu vé bán là thước đo trung thực nhất về nhu cầu thưởng thức âm nhạc từ người nghe. Mỗi nền văn hoá đều có các đặc trưng riêng và việc linh động trong khả năng chuyên môn để đổi “Món ăn tinh thần” là rất cần thiết. Vì vậy, SPO sẽ không ngừng khám phá thị hiếu âm nhạc tại Việt Nam.

TP. Hồ Chí Minh có nhịp sống năng động và luôn dịch chuyển, dường như trái ngược với nét cổ kính và nhịp sống chậm rãi ở Hà Nội. Theo anh, khán giả yêu nhạc cổ điển ở những thành phố khác nhau có thói quen và cách tiếp cận âm nhạc khác nhau không? 

Đúng là nền văn hoá mỗi thành phố, mỗi quốc gia đều rất khác nhau. Với sự linh hoạt cộng hưởng với kinh nghiệm tổ chức các chương trình quy mô quốc tế, SPO là một đối tác tổ chức âm nhạc có uy tín quốc tế. Việc sáng tạo, giới thiệu âm nhạc thông qua dàn nhạc giao hưởng là một sứ mệnh đối với chúng tôi. Bản chất của âm nhạc là một nghệ thuật của sự sáng tạo và là sự kết nối tuyệt vời nhất của nhân loại. Là những người nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, chúng tôi luôn biết diễn gì, ở đâu và cho ai nghe. 

Trong những năm gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn, sự kiện hay chương trình nào đặc biệt gây ấn tượng với anh?

Năm 2020 tôi rất hân hạnh và tự hào được giới thiệu SPO đến với các phòng hoà nhạc tại 7 thành phố CHLB Đức. Trong suốt hơn 2 tuần gắn bó các thành viên dàn nhạc SPO đã để lại một dấu ấn tốt đẹp trong tôi, kỷ niệm đó rất quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của tôi tại Việt Nam. 

Anh và Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn đã mang nhiều nghệ sĩ nổi danh quốc tế, các nhạc trưởng có tên tuổi và giới thiệu những buổi biểu diễn tầm quốc tế đến với công chúng Sài Gòn và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Anh có thể giới thiệu về chương trình đặc biệt của năm 2025? 

2025 là một năm khá đặc biệt cho quốc gia với các dịp lễ kỷ niệm trọng đại hướng về các mốc lịch sử dân tộc. SPO sẽ đóng góp một số hoạt động của mình vào dịp cuối năm tại TP.HCM. Một liên hoan âm nhạc cổ điển với sự tham gia biểu diễn của rất nhiều nghệ sĩ khách mời quốc tế. Và lần đầu tiên, SPO thử sức với nghệ thuật biểu diễn Ballet cổ điển với sự xuất hiện của một trong những nhà hát Ballet danh giá nhất trên thế giới.

Khi không chơi nhạc, hay làm việc, anh sẽ nghe gì? 

Tôi đam mê với Argentine Tango, bởi âm nhạc Tango là sở thích lâu năm của tôi ngoài hoạt động âm nhạc.

Anh có thể chia sẻ về những tác phẩm và nghệ sĩ anh yêu thích và truyền nhiều cảm hứng và khiến anh thêm yêu âm nhạc không?

Tôi yêu thích âm nhạc của Richard Strauss và các bản giao hưởng thơ của ông. Stravinsky với các tác phẩm “Pulcinella” hay “Fire bird” luôn mang lại cảm xúc tuyệt vời đối với tôi là một nghệ sĩ biểu diễn.

Anh có thể tiết lộ về định hướng tới đây của Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn không?

Từ khi bắt đầu dự án SPO tôi luôn định hướng mang tinh hoa âm nhạc nghệ thuật biểu diễn và các tài năng quốc tế đến với Việt Nam cũng như kiến tạo tài năng âm nhạc của Việt Nam công diễn quốc tế. Hy vọng qua âm nhạc, chúng tôi có thể cùng góp phần đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. 

Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ cùng WOWWEEKEND!


ADVERTISEMENT