Những khoảnh khắc thời trang ấn tượng nhất tại Milan Design Week 2025
Tuần lễ thiết kế Milan luôn là sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của giới mộ điệu và các thương hiệu về thiết kế bởi tầm ảnh hưởng sâu rộng của sự kiện trong việc giới thiệu các xu hướng thiết kế của năm. Đến hẹn lại lên, Milan Design Week 2025 đã diễn ra là dịp để hàng loạt các thương hiệu nội thất và studio thiết kế từ khắp nơi trên thế giới mang đến những thiết kế và bộ sưu tập mới nhất của mình.
Việc các thương hiệu thời trang cao cấp lấn sân sang lĩnh vực thiết kế nội thất đã không là chuyện lạ, nhưng với sự sáng tạo thể hiện qua những bộ sưu tập mới của mình, các thương hiệu thời trang này đang ngày càng khẳng định mình không còn chỉ là “tay ngang” trong cuộc chơi mới.
Ảnh: Prada
Với chủ đề “Thế giới kết nối” và tập trung vào sự kết hợp giữa công nghệ, thiên nhiên cũng như văn hoá trong thiết kế, Milan Design Week 2025 tôn vinh sự giao thoa giữa công nghệ của tương lai như trí tuệ nhân tạo với các di sản nghề thủ công và tính bền vững. Từ chủ đề chính này, sư góp mặt của hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ tô điểm thêm một sắc màu mới: đó là những khoảnh khắc của thời trang.
Armani Casa
Giorgio Armani trình làng bộ sưu tập mới tại cửa hàng flagship Corso Venezia nhân dịp kỷ niệm 25 năm Armani Casa. Bộ sưu tập có tên “Oriental Inks”, hợp tác cùng De Gournay lấy cảm hứng Á Đông, mang đến những chất liệu, hoạ tiết và màu sắc đặc trưng như lụa, thêu hạt cườm, hoạ tiết lá tre, rồng, cảnh rừng… cho các thiết kế nội thất. Độ thủ công được nhấn mạnh, như việc dành ra 200 giờ để thêu cảnh tán cây - hoạ tiết của chiếc giường “Amedeo”.
Ảnh: Armani Casa
Dior
Dior lại mang nét thanh lịch gắn với DNA của thương hiệu vào bộ sưu tập có tên “Ode To Nature” hợp tác cùng nghệ sĩ người Pháp Sam Baron. Bộ sưu tập gồm 3 chiếc bình thuỷ tinh cao một mét (mỗi chiếc nằm trong bản giới hạn 8 chiếc duy nhất), được chế tác đầy tinh xảo, mỗi chiếc bình phác hoạ một khu vườn với chi tiết khác nhau, lấy cảm hứng từ việc chế tác chai nước hoa amphora đầu tiên của Miss Dior (1947).
Ảnh: Dior
Hèrmes
“Để cảm xúc của đồ vật cất tiếng nói”, nhà mốt này xây dựng một bối cảnh tối giản với gam màu trắng chủ đạo nhằm tạo nên những chiếc hộp - khung tự nhiên cho các thiết kế đồ nội thất và vật dụng bàn ăn của mình. Thương hiệu này cũng hợp tác với nhiều nghệ sĩ khác nhau cho bộ sưu tập đa dạng, như bàn phụ bằng kính màu Pivot D'Hermès của Tomas Alonso với mặt bàn bằng gỗ tuyết tùng có thể xoay, khăn trải bằng vải cashmere của Amer Musa và bộ sưu tập đồ sứ hình học vẽ tay của Nigel Peake có tên “Contrepoint”, bình đựng "Double D'Hermès" và chăn "H Partition" của Studio Hermes.
Ảnh: Hermes
Louis Vuitton
Không chỉ giới thiệu đồ nội thất và trang trí, Maison Louis Vuitton coi Milan Design Week 2025 là buổi triển lãm, với bộ sưu tập Vuitton Home Collections lấy cảm hứng từ du lịch, thiết kế và cảm xúc là các tác phẩm nghệ thuật. Một số tác phẩm nổi bật gồm tủ Kaleidoscope của Estúdio Campana, chuỗi “Cocoon Couture” của Boitata và Uirapuru kết hợp giữa hình bóng siêu thực với nghệ thuật kể chuyện thủ công, hay trạm âm thanh điêu khắc Totem Vinyle chất liệu da, thể hiện tài năng của Louis Vuitton trong việc kết hợp phong cách sống và sự xa xỉ. Ngoài ra, Bộ sưu tập Signature cũng mang đến nhiều thiết kế đèn và đồ nội thất như ghế sô pha, ghế bành bọc da có khoá kéo, khay và bình đựng mang tông màu nâu huyền thoại của thương hiệu.
Ảnh: Louis Vuitton
Gucci
Cái tên nói lên tất cả, “Gucci| Bamboo Encounters” là hành trình khám phá vai trò của tre trong quá trình phát triển thương hiệu Gucci. Triển lãm này mời các nghệ sĩ và nhà thiết kế quốc tế tái hiện tinh thần “tre” thông qua hàng loạt các tác phẩm từ thơ, con diều, cho đến bộ đồ tạo tác bằng nhôm khắc hoạ hoạ tiết cây tre với kỹ thuật khắc lõm của nghệ sĩ người Hàn Quốc Sisan Lee. Ngoài ra, nhà điêu khắc người Thuỵ Điển-Chile Anton Alvarez mang đến tác phẩm điêu khắc hình dạng hữu cơ mô phỏng độ cong tự nhiên của tre. Điểm nhấn khác là bộ sưu tập mang tên “Hybrid Exhalations” của kiến trúc sư người Palestine Dima Srouji, nơi các thành phần thủy tinh thổi thủ công tương tác với cấu trúc của giỏ tre để làm mờ ranh giới giữa tiện ích truyền thống và nghệ thuật đương đại.
Ảnh: Gucci
Versace
Được mô tả là “vũ trụ mang đến sự tưởng tượng về sự điềm tĩnh, xa hoa và di sản vào cuộc sống”, bộ sưu tập của Versace nhấn mạnh những hoạ tiết xa hoa gắn với di sản nhà mốt. Ngoài ra, phiên bản tái tạo chiếc ghế “Harem” được bổ sung đệm satin dày, hay ghế gỗ “Vanitas” được bọc thêm nhung cũng là điểm nhấn.
Ảnh: Versace
Saint Laurent
Milan Design Week là dịp để biến những cảm hứng và tham vọng của Saint Laurent trở thành hiện thực. Giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello đã đặt hàng nhà thiết kế huyền thoại Charlotte Perriand bốn món đồ nội thất được phác thảo từ 1943 đến năm 1967 dù chưa bao giờ được sản xuất, gồm ghế sofa bằng gỗ hồng sắc và mây được thiết kế cho dinh thự của đại sứ Nhật Bản tại Paris năm 1967; Bàn Mille-Feuilles bằng gỗ hồng sắc và anh đào vào năm 1963; Ghế bành kiểu Đông Dương bà thiết kế cho ngôi nhà của mình vào năm 1943; và tủ sách Rio de Janeiro bà thiết kế vào năm 1962 cho căn hộ của chồng mình là Jacques Martin. Bộ sưu tập “hoài niệm” này đã được sản xuất lần đầu tiên cho Tuần lễ thiết kế Milan 2025.
Ảnh: Saint Laurent
The Row
Thương hiệu thời trang danh tiếng của Mỹ The Row ra mắt “Home” - bộ sưu tập gồm ba tấm chăn dệt tay và một chăn chần bông được tạo nên bởi các nghệ nhân ở Kashmir (Ấn Độ), và mất đến 600 giờ để chết tác, sử dụng bốn kỹ thuật dệt khác nhau. Thiết kế đơn giản nhưng cầu kỳ này thể hiện thẩm mỹ đặc trưng trong các bộ sưu tập thời trang của The Row.
Ảnh: The Row
Fendi Casa
Fendi Casa tiếp tục hợp tác với Design Miami cùng nhà thiết kế người Anh Lewis Kemmenoe nhằm mang đến những món đồ nội thất tinh tế, nhấn mạnh tính xa hoa và tối giản. Sản phẩm mới trong dòng sản phẩm năm nay bao gồm ghế sô pha “Cover”, ghế “Twist” của Stefano Gallizioli với cấu trúc gỗ bọc da cùng tay vịn giống như những vòng xoáy của một dải ruy băng, ghế sô pha “Later” dạng mô-đun, được thiết kế bởi Ceriani Szostak và lấy cảm hứng từ kiến trúc duy lý của trụ sở chính của Fendi tại Rome.
Ảnh: Fendi Casa
Issey Miyake
Thương hiệu Issey Miyake thổi sự dịu dàng thanh thoát vào những chiếc đèn trong bộ sưu tập “Type-XIII Atelier Oï” hợp tác cùng studio thiết kế Thuỵ Sĩ Atelier Oï. Các mẫu đèn sử dụng một đoạn dây và mảnh vải theo nhiều hình dạng khác nhau, đặc biệt là 5 chiếc đền điêu khắc lấy cảm hứng từ nghệ thuật Ikebana của Nhật Bản gợi hình dạng của những bình hoa.
Ảnh: Issey Miyake
Loewe
Đánh dấu triển lãm thủ công thứ chín, Loewe mang đến “Loewe Teapots” với 25 cách diễn giải khác nhau về chiếc ấm trà từ 25 nghệ sĩ quốc tế cùng với tác phẩm cuối cùng của Jonathan Anderson gắn với cái tên Loewe.
Ảnh: Loewe
>> Xem thêm: Năm 2025: Xu hướng thiết kế nội thất thích nghi với thời đại