Phú Yên mình cũng rất chi và này nọ!
Mùa hè của tôi kết thúc bằng câu: “Thưa mẹ con đi" để cùng đám bạn phượt nhẹ đến miền đất Phú Yên.
Đèo Cả, một trong những cung đường chông gai nhất cho các phượt thủ
Xuất phát từ trung tâm thành phố Nha Trang, cả đoàn theo Quốc lộ 1A thẳng tiến. Đoạn đường chúng tôi lựa chọn là cung đường ven biển ngang qua Mũi Đôi, Vũng Rô, Đèo Cả và Mũi Đại Lãnh. Đi rồi mới thấy, đường cong biển Việt Nam mình không phải dạng vừa đâu, biển xanh cát trắng - nắng vàng. Tôi thả trôi tâm hồn theo những bài hát chuẩn bị trong playlist và phóng tầm mắt ra xa ngắm những hòn đảo nhấp nhô trên biển với hình dáng kỳ lạ, để tận hưởng chuyến hành trình theo cách riêng của mình.
Mọi thứ đều ổn cho đến khi cả nhóm đặt chân đến Đèo Cả. Và cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Quảng đường 12 cây số trên đèo là cả một sự tập trung cao độ cho cả "xế và ôm". Những đoạn thả đèo rồi phanh gấp khi ôm cua đầy bất ngờ thách thức tinh thần của những tay lái kinh nghiệm.
Hải sản là thứ vớt vát lại cho một quảng đường dài. Qua Đèo Cả, cả nhóm ghé vào Vũng Rô và nạp chút năng lượng cho hành trình gần 50 cây số trước mắt đến thành phố Tuy Hòa.
Gỏi sứa và hai cồi thơm ngon xứng tầm cực phẩm
Bánh canh chả cá - món ăn rất đỗi quen thuộc đối với những đứa con miền Trung như chúng tôi.
Bánh căn - ngon quên lối về, chúng tôi ăn trên đường đi chứ không phải tại Vũng Rô.
Sau một hành trình không quá ngắn, cũng không quá dài đủ để đổi gió. Chúng tôi đến với trung tâm thành phố Tuy Hòa. Khi đến nơi chợt nhận ra rằng Phú Yên không chỉ có "Hoa vàng trên cỏ xanh" như người ta vẫn đồn đại trước đó, nơi đây cực kỳ đẹp và có quá nhiều thứ để tìm hiểu và khám phá. Nơi nào cũng ấm áp tình người và dễ thương.
Ngày đầu tiên ở Phú Yên, thời tiết ưu ái cho chúng tôi đẹp đến nao lòng. Trời mát, không nắng - không mưa rất dễ chịu. Khác với tưởng tượng ban đầu của tôi về một Tuy Hòa hoa lệ người người qua lại thì trung tâm thành phố lại khá yên bình. Ban đêm chỉ có các quán ăn sáng đèn. Trên các con đường và quảng trường trung tâm thành phố thì thực sự là “một khoảng lặng”. Mọi người có vẻ hạn chế ra đường và thích ở nhà bên người thân hơn sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Đến Tuy Hòa mà không có tham vọng đặt chân đến Tháp Nhạn thì cũng giống như bạn thích ai đó mà không dám tỏ tình vậy. Nơi đây được xem là di sản nổi tiếng của người Chăm, tôi vẫn nhớ rất rõ vì mình đã trả lời đúng câu hỏi về Tháp Nhạn trong một chương trình Confetti tại Việt Nam trước đó. Sau khi ăn một kha khá bánh bèo chén - đặc sản dưới chân Tháp Nhạn, chúng tôi đề mạnh ga theo một con đường khá quanh co nhưng rợp bóng mát để lên đỉnh tháp. Ban ngày Tháp Nhạn sừng sững một góc trời. Ban đêm đẹp lung linh huyền bí.
Tháp Nhạn vào ban ngày (trái) và ban đêm (phải).
Phượt nhẹ một đoạn tầm 7km sau khi rời Tháp Nhạn. Chúng tôi đến Bãi Xếp - địa điểm đẹp mới nổi lên từ bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Cứ ngỡ đến đây sẽ được vùi mình vào những cánh đồng hoa vàng trên cỏ xanh để níu kéo thanh xuân, nhưng ai đó đã nói đúng: “Thanh xuân như một tách trà, đến trễ một phút là hết cả thanh xuân". Chúng tôi đã bỏ lỡ thời điểm hoa nở đẹp nhất. Cánh đồng hoa đang được các anh chị làm vườn thay mới sau chu kỳ đơm bông rực rỡ. Đổi lại, các rặng xương rồng và những bụi hoa hướng dương vàng ươm giữa bao la biển cả cũng là một bữa tiệc “buffet hoa” bằng thị giác khá no nê cho cả đoàn.
Những rặng xương rồng bên bờ biển là một trong những điểm đặc trưng của Bãi Xép
Những cánh đồng hoa hướng dương tỏa nắng dưới ánh mặt trời.
Biển ở Bãi Xép khá đẹp và nước rất trong, bạn có thể tắm hoặc cắm trại ở đây
Như đã nói ở trên, Phú Yên còn quá nhiều thứ để khám phá. Thế nên chúng tôi tiếp tục leo lên xe, thắt chặt dây đeo và bắt đầu chuyến hành trình đến nơi được cho là tâm điểm của Phú Yên - Ghềnh Đá Đĩa. Lại có ai đó đã nói rằng: “Hạnh phúc không phải là đích đến, nên hãy tận hưởng hành trình với thiên nhiên tuyệt đẹp trên đường đi”. Phú Yên là nơi hoàn hảo để bạn áp dụng câu nói này.
Cảnh vật hai bên đường đến Ghềnh Đá Đĩa là sự hòa quyện của rất nhiều cung bậc cảm xúc, nơi thì loài cỏ dại nhuộm vàng cả lối đi, nơi thì đại lộ xanh lá kim vẫy gọi, nơi thì lúa chín vàng ươm hai bên đường, nơi thì xanh trong bao la với hồ nước rộng. Thời tiết đẹp quên sầu là một điểm cộng thêm vào nữa.
Đoạn đường từ Bãi Xếp đến Ghềnh Đá Đĩa đep như thế này đây!
Những đồi cỏ cháy hóa vàng đẹp như mùa thu xứ bạn.
Cảnh đẹp khiến cho đoạn đường tuy dài mà lại thấy ngắn. Vèo một cái, Ghềnh Đá Đĩa đã hiện ra trước mặt. Cổng chào được làm bằng đá đĩa lấy từ dưới biển lên được xếp chồng lên nhau chào đón du khách rất ấn tượng. Để xuống phía dưới tham quan Ghềnh Đá Đĩa, chúng tôi đi bộ dưới tán cây một đoạn đường tầm 2km, hai bên là những nhà hàng quán ăn và lâu lâu sẽ bắt gặp các anh trai tử tế mời chào cảm giác thử một lần cưỡi ngựa trên xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh.
Cổng chào Ghềnh Đá Đĩa hiện ra trước mặt.
Những tảng đá tổ ong xếp chồng lên nhau trên Ghềnh Đá Đĩa
Các tảng đá nghiêng chéo bám sát nhau, một nửa nằm dưới đáy biển và một nửa nằm trên bề mặt nước.
Tôi gọi địa điểm này là địa điểm của thanh xuân vì các cô gái chàng trai 18 đôi mươi đến đây không ngớt. Người thì đi cùng bạn, người thì đi cùng người yêu, mặt ai cũng hớn hở vui tươi. Ghềnh Đá Đĩa đúng như tên gọi của nó, bạn có thể mường tượng ra là những viên đá có hình tròn hay ngũ giác xếp chồng lên nhau mà thành Ghềnh. Các khối đá rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên nhưng lại vô cùng hoàn hảo. Nếu nhìn từ trên xuống, cả Ghềnh Đá Đĩa nhìn giống như một tổ ong khổng lồ, bao quanh là biển xanh vẫy gọi. Đây là điểm đặc biệt mẹ thiên nhiên ban tặng cho vùng đất khô cằn đầy nắng và gió. Trên thế giới chỉ có bốn địa điểm có vẻ đẹp độc đáo như vậy thôi.
Dạo một vòng quanh Ghềnh, tôi ngồi xuống trên một phiến đá để đón gió biển. Trong nắng chiều nhẹ nhẹ đã lất phất vài giọt mưa nhẹ, chúng tôi tạm biệt vùng đất nhiều đá để quay trở về trung tâm. Trên đường quay trở về, lòng tôi hào hứng vì một thứ đó là quảng đường dài 30km với cảnh đẹp khó quên và khó nói thành lời.
Người ta nói: "Thanh xuân đừng chỉ ngồi nhà nhìn ra thế giới, mà hãy đi để trải nghiệm, vì trăm nghe không bằng mắt thấy". Thanh xuân là phải “mắt trông, tai nghe, chân đi”. Để rồi một ngày nào đó, tình cờ đi qua lại những cung đường này, có lẽ ta cũng sẽ lẩm bẩm: “Mùa hè năm ấy, thanh xuân của chúng ta đã có những câu chuyện rất hay ho và mặn mà ở vùng đất này”.