W Coffee Talk Quốc Anh - Họa sĩ minh họa của những đầu sách thiếu nhi best-seller
Minh họa sách là một lối trang trí, diễn đạt trực quan giúp nội dung cuốn sách thêm phần sinh động và gần gũi, để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả. Đặc biệt là với những đầu sách thiếu nhi, công việc này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều năm theo đuổi nghề họa sĩ minh họa, Trần Quốc Anh (30 tuổi, TP.HCM) đã thành công với những tập sách thiếu nhi best-seller như: Bơ không phải để ăn, Người trồng rừng… Mỗi trang sách, hình vẽ của chàng trai vừa độc đáo và thu hút, vừa mang một phong cách rất riêng.
Từ đam mê đến cơ duyên
Quốc Anh đến với nghề họa sĩ minh họa như thế nào?
Trước khi trở thành họa sĩ minh họa sách thiếu nhi, mình từng làm cho một studio phim hoạt hình nước ngoài tại Việt Nam, với công việc thiết kế và gia công phân cảnh. Sau khi studio rút về nước, đồng nghiệp của mình cũng đi theo những ngã rẽ khác nhau. Một người trong số đã giới thiệu mình làm minh họa sách thiếu nhi cho các nhà xuất bản và mình đã thử. Cùng với đam mê, mình theo hẳn công việc này đến tận bây giờ.
Nếu nói việc cầm bút như một công việc thì mình bắt đầu từ năm 20 tuổi, còn để vẽ vời, sáng tác tự do thì trước đó rất lâu rồi.
Vậy đây có phải là công việc mà bạn mong muốn?
Chắc chắn rồi! Đối với mình, không có niềm đam mê nào lớn hơn hội họa. Mình vẫn đang hết mình, không ngừng tìm kiếm những cái mới, cái thú vị hơn cho công việc.
Bạn có từng học qua trường lớp nào liên quan hay không?
Mình từng thi vào ngành mỹ thuật của một trường đào tạo chuyên nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo học được gần hai năm thì thôi học, rồi làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình và tự học vẽ. Việc tự học lúc đó chẳng dễ dàng, mình không định hình được phong cách riêng cho bản thân. Nhưng rồi qua tích lũy kiến thức, trau dồi từ các tác phẩm, phong cách của mình dần rõ nét hơn, mình cũng đã nhận ra cái mà bản thân muốn vẽ nhất. Với mình, đây là khoảng thời gian khá chênh vênh nhưng cũng đáng nhớ, bởi nó để lại cho mình rất nhiều kinh nghiệm.
Phong cách của chính mình
Theo Quốc Anh, một họa sĩ minh họa thành công cần có những yếu tố gì?
Trước hết là phải có nhiều vốn sống, cảm quan rõ ràng về mọi thứ. Bởi khi hình dung được về nhiều vật, nhiều việc thì mới có thể đưa chúng vào minh họa tác phẩm một cách chân thực và sống động nhất. Tiếp đến là phải đọc thật nhiều sách, đặc biệt là dòng sách mình đang theo đuổi. Khi hiểu hết về thể loại, xu hướng, trào lưu sáng tác, hay giá trị và ý nghĩa của mỗi cuốn sách thì mới có thể cảm sao cho đúng, minh họa sao cho hay. Cuối cùng, một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, họa sĩ minh họa phải không ngừng làm mới nét vẽ của chính bản thân. Có thể đến một lúc nào đó, khi nhìn vào tác phẩm, độc giả sẽ biết ngay ai là người vẽ minh họa, nhưng không thể lặp lại cùng một kiểu cách ở tất cả các cuốn sách khác nhau. Mỗi cuốn sách là một câu chuyện, một phong cách riêng của người viết, và điều mà mình cần làm là vừa dung hòa với họ, vừa giữ được chất hội họa của riêng mình.
Tại sao bạn lại chọn dòng sách thiếu nhi?
Trước hết là bởi mình rất yêu quý trẻ nhỏ. Thời điểm mới bắt đầu công việc minh họa sách, nét vẽ của mình thường phức tạp và màu sắc cũng không quá tươi tắn. Sau một thời gian, mình cảm thấy bản thân thoải mái nhất khi vô lo vô nghĩ vẽ về những điều tươi sáng, đáng yêu. Và mình đã chọn phong cách minh họa sách thiếu nhi kết hợp với concept art.
Quốc Anh thường tìm kiếm ý tưởng như thế nào? Và để có được tác phẩm cuối cùng, bạn phải thực hiện qua bao nhiêu giai đoạn?
Ý tưởng đến với mình từ nhiều nguồn. Có thể từ gợi ý của tác giả viết sách, có thể từ chính trải nghiệm của bản thân. Từ việc trao đổi với các tác giả, mình sẽ dễ dàng hiểu hơn về tác phẩm, từ đó có thể phác họa những nét đầu tiên. Còn với ý tưởng của bản thân, mình sẽ có những chuyến đi, để trải nghiệm, để nhìn ngắm và tìm kiếm cái mới lạ.
Tác phẩm của mình bắt đầu với ít nhất hai bản phác thảo cho tạo hình cần minh họa, một là phương án an toàn và quen thuộc, hai là khác hẳn tư duy chung, mới mẻ và độc đáo. Sau khi thêm thắm nhiều chi tiết, mình sẽ chọn ra phương án ưng ý nhất. Tiếp đó là lựa chọn bối cảnh, màu sắc chủ đạo. Dần dần là hoàn thiện từng khung tranh và tiến tới là cả tác phẩm. Cũng có trường hợp, khi đi gần đến cuối tác phẩm rồi, mình nhận ra ý tưởng chưa ổn hay bị áp đặt, mình phải bỏ luôn concept, tạo dựng tất cả lại từ đầu.
Động lực để theo đuổi
Khó khăn của Quốc Anh khi thực hiện tác phẩm là?
Lớn nhất có lẽ là bí ý tưởng, đến deadline hoàn thành tác phẩm, rồi áp lực vì không biết vẽ như vậy đã ổn chưa? Và liệu nó có được mọi người đón nhận tốt?
Nhưng đam mê nào chẳng có khó khăn, điều quan trọng là khi theo đuổi nó, mình luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
Vậy còn điều mà bạn mong muốn?
Hy vọng khi nhìn ngắm tranh của mình, mọi người có thể thả mình vào một thế giới riêng, không bị giới hạn bởi không gian hay những hình dung thông thường. Từ đó sẽ cảm thấy vui vẻ và thêm phần tò mò, thích thú. Nhất là đối với các em nhỏ, mình mong muốn những hình vẽ, bức tranh sẽ chạm đến phản ứng và cảm xúc chân thật nhất của các em, để thế giới trẻ thơ luôn là những trải nghiệm thú vị và mới mẻ.
Một chút bật mí về những dự định sắp tới?
Mình đang ấp ủ một tác phẩm thiếu nhi mới do chính mình viết lời và minh họa. Đề tài có thể giả tưởng một chút nhưng nhân vật sẽ mang đậm hình ảnh Việt Nam. Mình cũng hướng tác phẩm tới thị trường sách minh họa nước ngoài, với mong muốn có thể quảng bá văn hóa của dân tộc.
Quả là đam mê nào cũng cần có sự đầu tư và cố gắng, với Quốc Anh cũng vậy. Chúc cho anh bạn sẽ thành công hơn nữa với đam mê của chính mình!