Tết Nguyên Đán của người Việt
“Nguyên” mang ý nghĩa sự khởi đầu, “Đán” hiểu nôm na là vào bình minh, buổi sớm. Tết Nguyên Đán là dịp ăn mừng những ngày đầu tiên của một năm. Tiễn điều cũ, đón điều mới, sum vầy, hội họp và mong cầu tốt lành.
“Tết đến, Tết đi rồi lại đến”. Đất trời chuyển dịch, đời sống phát triển, dịp đặc biệt này tuy vẫn là nét đẹp văn hoá được lưu truyền nhưng dần dần khoác lên mình một lớp áo mới.
Chuyện những ngày giáp Tết
Ngổn ngang trở về những cái Tết của hồi đó, như năm Bính Tuất 1886 trong Du ký Trung kỳ theo đường cái quan: “Dịp lễ quốc gia, duy nhất, của toàn dân mà mọi tầng lớp xã hội đều mong ngóng… Người dân tụ tập uống trà, uống rượu, ăn đậu, ăn cơm, những hạt cơm trắng như tuyết tô điểm bằng những miếng thịt lợn nấu đông hoặc nước mắm”.
Phải, Tết là dịp nhà nhà đều mong ngóng. Cái gì người ta cũng dành cho Tết: Trông Tết, đợi Tết, làm cho kịp Tết, mua sắm Tết, dọn nhà ăn Tết, về quê ăn Tết, mổ heo ăn Tết, v.v..
Những ngày cuối tháng Chạp đã thấy Tết. Từ đầu làng đến cuối xóm, không khí hân hoan bao trùm khó mà lẫn vào đâu được. Người phơi dưa, làm mứt, người quét vôi trắng, vôi màu sơn lại tường cũ, ba bốn nhà tụ tập “đánh đụng” chung một con lợn, lũ trẻ cũng phụ một tay lặt lá mấy cành mai… Hòa chung với cái giòn giã này, mấy chiếc loa phường cũng góp vào những khúc nhạc xuân “bất hủ”, nghe lòng càng thêm thấy nôn nao. Vui nhất, hẳn là thời điểm còn trang hoàng, chuẩn bị này.
Trước cửa nhà, ngoài câu đối đỏ còn có sẵn một xâu pháo nổ, chờ thời khắc đặc biệt đến rồi đốt vang giòn giã. Tiếng pháo không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo, mà đằng sau ánh sáng ấy còn là bao ước mong về một năm mới bình an.
Thiêng liêng khoảnh khắc Giao thừa
Xâu pháo giấy trước nhà ngày đó nay được thay bằng tiếng pháo hoa rợp trời, vang xa, mang theo bao hân hoan, mong chờ và hy vọng của người người đón chào một năm mới. Giao thừa vẫn luôn là một đêm rất thiêng liêng. Đó là thời khắc trời đất giao hòa, vạn vật chính thức khép lại một năm cũ, mở ra một năm mới ngập tràn cơ hội.
Ngày 30 tháng Chạp, mâm cơm gia đình ấm nồng tình thân. Khung cảnh ông bà, cha mẹ, con cháu, chắt chít lần lượt tụ họp cũng đủ thấy Tết về. Thế hệ trước ôn lại chuyện cũ, lứa thanh niên hào hứng với tương lai, đàn trẻ nhỏ xúng xính áo mới và háo hức trên tay phong bao đỏ, cùng những lời chúc may mắn mà mọi người gửi trao nhau. Tết… bắt đầu từ đêm Giao thừa.
Hồn xưa trong Tết mới
Thời gian trôi đi, Tết vẫn còn đây, nhưng mỗi năm lại mỗi khác. Nhiều phong tục xưa đã phần nào biến đổi, nhưng cái hồn của Tết vẫn đang tồn tại trong mỗi gia đình, chỉ là được thể hiện dưới nhiều hình thức mới.
Nổi bật là khái niệm “ăn Tết” khi xưa, nay dần chuyển sang “nghỉ Tết, chơi Tết”. Ngược dòng người xa xứ về quê, không thiếu những gia đình chọn dịp lễ này để cùng nhau du lịch. Lứa thanh niên lại càng thể hiện niềm vui thích với việc du xuân kiểu mới. Sau khi cùng người lớn trong nhà lễ chùa cầu an, giới trẻ hẹn hò gặp mặt đầu năm tại các hàng quán cà phê, hay sôi động hơn là tụ tập ở những địa điểm cộng đồng, tham gia các lễ hội âm nhạc, chương trình đường phố…
Tết bây giờ vắng bóng cây nêu trước sân, bên cửa ít thấy câu đối đỏ và trên vách cũng thiếu đi vài bức tranh Đông Hồ. Nhưng trải khắp đất nước vẫn là những cái bánh chưng bánh giầy, vuông tròn đầy đặn, tượng trưng cho đất trời, cho bản sắc văn hoá Việt vẫn được kế thừa và phát triển. Những nét đẹp truyền thống khi xưa ta nên gìn giữ, nhưng những văn minh trong thời đại mới cũng cần được đón nhận.
Thấy mai đào khoe sắc, cũng là thấy Tết về. Dù ở thời điểm nào, Tết vẫn còn với đủ sắc hương vị, trở thành nét truyền thống độc đáo được gìn giữ qua bao đời. Tết của mỗi thế hệ, mỗi nơi sẽ khác, nhưng Tết là Tết, là dịp đặc biệt mà những người con Việt mãi ngóng về.