Tìm hiểu về mì su filindeu - Món ăn hiếm nhất thế giới
Tại hòn đảo Sardinia khép kín của Ý, có một món mì pasta cổ siêu mỏng và thanh mảnh đến nỗi được ví von như “sợi chỉ của Chúa”. Hiện trên thế giới chỉ có số ít người am hiểu kỹ thuật chế biến tinh hoa ẩm thực này. Đây chính là món mì mang tên su filindeu.
Ảnh: Cagliari Magazine
Nguồn gốc của mì su filindeu
Tuy được tạo ra từ những nguyên liệu giản đơn, song mì su filindeu lại ẩn chứa ý nghĩa tôn giáo sâu sắc và mang theo bao nhiêu tinh túy ẩm thực của hòn đảo Sardinia. Theo truyền thuyết, món ăn này chỉ được phục vụ 2 lần trong năm, tương ứng với thời điểm diễn ra lễ hội San Francesco tại vùng Barbagia. Đây là sự kiện dành cho hàng nghìn tín đồ hành hương từ Nuoro đến làng Lula trong đêm tối. Khi đó, món mì su filindeu sẽ như một phần thưởng xứng đáng cho những vị khách quý này.
Theo thổ ngữ Sardo (ngôn ngữ riêng của vùng Sardinia), cái tên su filindeu gợi nhớ đến hình ảnh bàn tay của thần thánh. Điều này phần nào cho thấy giá trị thiêng liêng của món ăn đã có hơn 300 năm tuổi đời. Một số học giả lại cho rằng mì su filindeu đã hình thành hơn 1 thiên niên kỷ trước và có xuất xứ từ các truyền thống Ả Rập du nhập vào đảo Sardinia trong thời Trung Cổ.
Dù còn một số tranh luận xoay quanh nguồn gốc ra đời nhưng chắc chắn rằng công thức chế biến mì su filindeu chỉ được trao truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ trong một gia đình ngụ ở ngôi làng nhỏ hẻo lánh trên đảo Sardinia. Như vậy, đây chính xác là một di sản ẩm thực quý báu vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Ảnh: Instagram @caffelatana
Quá trình làm nên mì su filindeu
Mì su filindeu là sự tổng hòa của 3 nguyên liệu: bột mì semolina, nước và muối. Tuy ít ỏi nhưng quá trình chế tác lại hết sức nghiêm ngặt và công phu. Theo đó, tỷ lệ chính xác của các thành phần không được đo đếm cụ thể mà phải dựa vào kinh nghiệm của người đầu bếp.
Trước hết, bột mì semolina sẽ được trộn với nước và lượng nhỏ muối trong 1 tô lớn. Đây là bước đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ để hỗn hợp đạt được độ dẻo mịn. Theo bà Paola Abraini - nghệ nhân duy nhất còn nắm giữ công thức chế tác, người làm phải liên tục kiểm tra kết cấu bột và thêm nước để điều chỉnh độ ẩm và đàn hồi. Điều này phụ thuộc vào cả tài nghệ của đôi tay và khả năng cảm nhận đặc biệt của đầu bếp.
Ảnh: Instagram @pastaiodavid
Tiếp đến, bước kéo sợi chính là giai đoạn phức tạp nhất trong quá trình làm ra mì su filindeu. Cụ thể, khối bột được chia thành các phần nhỏ, mỗi phần được cán thành hình trụ. Sau đó, người ta kéo dãn khối bột thành 8 sợi mỏng rồi gấp đôi và kéo dài thêm. Quá trình này được lặp lại nhuần nhuyễn 32 lần để cho ra 256 sợi mì siêu mỏng và trong suốt đến nỗi khó thấy bằng mắt thường.
Kế tiếp, chúng được xếp cẩn thận lên một khay gỗ tròn gọi là fundu. Các sợi mì được kéo căng và sắp xếp thành 3 lớp đan chéo, tạo thành một cấu trúc giống như tấm ren. Mỗi lớp được đặt vuông góc với lớp trước sao cho đồng đều nhau. Nếu thao tác sai lệch thì sẽ làm các sợi mì đứt gãy.
Khi 3 lớp mì đã được xếp hoàn chỉnh, khay fundu được đem phơi khô dưới nắng. Quá trình phơi khô giúp các sợi mì dính vào nhau, tạo thành một tấm mì mỏng như sợi tơ nhưng chắc chắn. Khi đã khô lại, tấm mì được bẻ thành từng mảnh nhỏ và đem nấu.
Ảnh: Instagram @stellawesthollywood
Thành phẩm làm ra sẽ được nấu với nước dùng cừu đậm đà. Sợi mì mềm nhưng vẫn đảm bảo độ dai đặc trưng. Món ăn được hoàn thiện bằng cách rắc lên đó một chút phô mai pecorino tươi và có vị mằn mặn để tạo ra sự cân bằng với vị ngọt của nước dùng. Bát mì su filindeu thơm lừng, tinh tế chắc chắn sẽ chinh phục mọi vị giác.
Có thể nói, quá trình chế tác “sợi chỉ của Chúa” thực sự như một màn trình diễn ảo thuật khiến người xem phải mãn nhãn và xuýt xoa về trình độ bậc thầy của người đầu bếp. Bởi lẽ, đây là quá trình sản xuất thủ công và người làm khi thực hiện phải đảm bảo các sợi mì có độ mỏng đồng nhất.
Hiện nay, số người biết làm mì su filindeu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kể cả Jamie Oliver - vị đầu bếp nổi tiếng người Anh cũng phải khoanh tay bất lực sau 2 giờ đồng hồ nỗ lực học cách chế biến. Bên cạnh đó, “gã khổng lồ” trong ngành kinh doanh mì ống Barilla cũng từng ứng dụng công nghệ hiện đại để có thể cho ra đời dây chuyền sản xuất mì su filindeu nhưng kết quả cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Ảnh: Instagram @cucinafinefoods
Nỗ lực bảo tồn
Việc trở nên khan hiếm của mì su filindeu vừa là sức hút, vừa là mối nguy khi theo Slow Food Foundation For Biodiversity, món ăn này đang trên đà “tuyệt chủng”. Chính vì sự tồn vong mong manh của mì su filindeu, bà Paola Abraini đã phá lệ truyền thống khép kín của gia đình để bắt đầu chia sẻ công thức chế biến bí truyền của mình cho những người khác.
Trước đó, ngoài bà, chỉ có cháu gái và chị dâu am hiểu kỹ thuật chế biến món ăn. Song người thì lớn tuổi, người lại không đủ lửa đam mê để theo nghề. Vì vậy, bà quyết định tìm cách vực dậy nghề gia truyền đang có nguy cơ mai một. Bà thậm chí đã quay video hướng dẫn cách chế biến cho tạp chí Gambero Rosso và cung cấp mì su filindeu cho 3 nhà hàng lớn tại Sardinia.
Ảnh: Instagram @theartisandubai
Không chỉ vậy, nghệ nhân Raffaella Marongiu Selis - 1 trong số ít học sinh được bà Paola truyền dạy cũng có những hành động cụ thể để bảo tồn huyền thoại ẩm thực này. Bằng chứng, bà không chỉ nhận học viên là người địa phương mà còn có cả những đầu bếp quốc tế như Rob Gentile (Canada) và Leo Gelsomino (Úc). Riêng với Rob Gentile, ông còn biến tấu phiên bản truyền thống bằng cách nhuộm màu mực đen cho mì su filindeu.
Ngoài ra, đầu bếp Lee Yum Hwa, hiện sống tại Singapore còn phục vụ cả món mì ống đỉnh cao này trong nhà hàng riêng của mình theo phong cách Omakase.
>>Xem thêm: Vì sao tapas trở thành nét ẩm thực đặc trưng ở Tây Ban Nha?