Từ “Bí Kíp Luyện Rồng”, công thức live-action của Hollywood đã thay đổi?
Giữa bối cảnh nhiều phim live-action không được lòng người xem vì cải biên quá đà, “Bí Kíp Luyện Rồng 2025” lại ghi điểm nhờ trung thành với nguyên tác. Dự án là minh chứng cho thấy việc giữ đúng tinh thần cũ vẫn có thể tạo nên kỳ tích.
Ra rạp giữa tháng 6, Bí Kíp Luyện Rồng (Tựa quốc tế: How to Train Your Dragon) là bản live-action (người đóng) của phim hoạt hình nổi tiếng cùng tên do DreamWorks sản xuất. Nguyên tác ra mắt 15 năm trước đã tạo thành thương hiệu lẫy lừng với 3 phần phim và hàng loạt sản phẩm ăn theo, mang về hơn 1,6 tỷ USD toàn cầu. Nối tiếp thành công đó, bản live-action cũng đang tạo “cơn sốt” tại phòng vé với doanh thu ấn tượng. Trong khi các phim chuyển thể khác dần “mất chất” vì những sáng tạo quá đà, Bí Kíp Luyện Rồng chọn một công thức an toàn nhưng hiệu quả: Trung thành nguyên tác tuyệt đối.
Công thức giúp phim thắng lớn
Bí Kíp Luyện Rồng đưa người xem trở lại đảo Berk – nơi người Viking và rồng nổi tiếng là kẻ thù truyền kiếp. Phim kể về Hiccup (Mason Thames), một cậu thiếu niên gầy gò, thông minh nhưng lạc lõng giữa một cộng đồng đề cao sức mạnh. Trên hành trình chứng tỏ bản thân, Hiccup vô tình kết bạn với chú rồng huyền thoại Toothless. Họ dần trở nên thân thiết và trở thành bộ đôi ăn ý, góp phần phá vỡ định kiến và đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi số phận cả bộ tộc.
Nguyên tác Bí Kíp Luyện Rồng được đánh giá cao vì phần kịch bản chặt chẽ, giàu cảm xúc. Bản live-action gần như giữ nguyên cái sườn gốc, không cố gắng “xào nấu” quá đà. Thay vào đó, các nhà làm phim tập trung vào phần hình ảnh, gây ấn tượng với kỹ xảo CGI sống động. Đặc biệt, tạo hình Toothless và các chú rồng hiện lên chân thực, đầy biểu cảm và sức sống. Mỗi nhân vật đều được tái hiện như thật với từng chi tiết vảy, ánh mắt và chuyển động mượt mà, vượt xa nhiều phim live-action gần đây. Các cảnh bay lượn trên đảo Berk với bối cảnh núi non và biển cả hùng vĩ, càng tạo nên trải nghiệm mãn nhãn cho người xem.
Diễn xuất cũng là yếu tố then chốt làm nên thành công của bản live-action. Hóa thân Hiccup, Mason Thames mang đến một màn trình diễn thuyết phục. Ở tuổi 17, anh thể hiện xuất sắc sự trầm tĩnh, thông minh và chiều sâu cảm xúc của một Hiccup lạc lõng nhưng đầy quyết tâm. Nico Parker ghi điểm với vai Astrid, mang đến hình ảnh một cô gái mạnh mẽ, cá tính nhưng không kém phần sâu sắc. Sự tương tác giữa Mason Thames và Nico Parker góp phần tạo nên “phản ứng hóa học” bùng nổ, giúp phim hấp dẫn hơn.
Kết quả, Bí Kíp Luyện Rồng live-action nhận được phản hồi tích cực từ cả khán giả và giới phê bình. Hiện phim đã vượt mốc 250 triệu USD và đang trên đà chinh phục các cột mốc doanh thu mới. Hãng DreamWorks cũng đã xác nhận bật đèn xanh cho phần tiếp theo, dự kiến ra mắt năm 2027.
Bài học từ cú ngã của Disney
Trước DreamWorks, Disney là cái tên tiên phong trong phong trào làm phim live-action. Song, không phải tác phẩm nào gắn mác “Nhà Chuột” cũng thành công. Nhiều phim có kinh phí cao vẫn nhận kết quả không mấy khả quan khi ra mắt, thậm chí đối diện làn sóng chê bai dữ dội. Bản live-action của Mulan (2020) là một ví dụ. Dự án không được đánh giá cao vì thay đổi hoàn toàn cốt truyện, loại bỏ một số nhân vật được yêu thích và nhồi nhét thêm yếu tố chính trị khiến chất lượng gây tranh cãi, doanh thu chỉ 70 triệu USD so với kinh phí 200 triệu USD.
Năm 2023, Disney tiếp tục “đi vào vết xe đổ” với The Little Mermaid (2023). Phim nhận phản đối gay gắt vì CGI không mấy ấn tượng, diễn xuất không đồng đều và hàng loạt chi tiết thay đổi gây tranh cãi. Điển hình, việc chọn nữ chính Halle Bailey khiến ê-kíp nhận về nhiều phản ứng tiêu cực từ người hâm mộ nàng tiên cá. Sau đó, bản live-action Snow White (2025) cũng chịu chung số phận. Phim chưa ra mắt nhưng đã đón “bão phẫn nộ” vì thay đổi cốt truyện, tạo hình và phát ngôn của nữ chính Rachel Zegler, cuối cùng trở thành quả bom xịt trong năm nay của hãng.
Các phim live-action gần đây của Disney dường như đang cố gắng hiện đại hóa hoặc lồng ghép các thông điệp xã hội, từ yếu tố nữ quyền đến đa dạng văn hóa… Song, công thức này trở thành “con dao hai lưỡi”, làm mất đi tinh thần nguyên tác và gây phản cảm với người hâm mộ lâu năm. Trong khi trước đó, “Nhà Chuột” từng chiếm được thiện cảm của khán giả vì trung thành nguyên tác. Như Cinderella (2015) hay Beauty and the Beast (2017) đều thành công vì giữ được tinh thần cổ tích, ghi điểm bởi bối cảnh lộng lẫy và diễn xuất duyên dáng.
Trở lại với Bí Kíp Luyện Rồng, phim nhận “cơn mưa” lời khen vì giữ được linh hồn của bản gốc, không “hủy hoại tuổi thơ” của người xem như cách Disney đã làm. Dự án cho thấy một bản chuyển thể có thể vừa giữ lửa cũ vừa thổi mới, chinh phục cả người hâm mộ lâu năm lẫn khán giả mới. Với kỹ xảo CGI mãn nhãn và diễn xuất ấn tượng, bộ phim đã tái hiện thành công thế giới Berk huyền thoại, giúp nhiều người xem sống lại ký ức thời thơ ấu. Đó cũng là điều mà các phim live-action của Hollywood nên hướng đến, thay vì chạy theo xu hướng cải biên quá đà hay áp đặt thông điệp hiện đại một cách gượng ép.
>> TỎA - Điểm đến nghệ thuật đa giác quan tại TP. Hồ Chí Minh