Uể oải như Penang
Penang là một thành phố đảo uể oải, nơi thời gian chỉ còn là ước lượng mơ hồ. Giây phút bạn đặt chân đến Penang cũng sẽ là thời điểm bạn hòa mình vào những khoảnh khắc chậm rãi đến bất động đó, để ngắm nhìn, để thích thú, và để muốn quay trở lại.
Tôi đến Penang vào tầm chiều muộn, khi những tia nắng gắt trong ngày đang dần dịu lại, nhường chỗ cho các sắc thái màu sắc khác nhau phủ kín bầu trời thành phố đảo cổ kính này. Từ sân bay Penang, cách dễ dàng và thuận tiện nhất đến phố cổ George Town là xe bus, với mức giá bình dân và thời gian chờ đợi không quá lâu. Quãng đường từ sân bay đến phố cổ kéo dài khoảng 30 phút, nhưng sẽ lâu hơn nếu trong khoảng giờ tan tầm.
Những con đường nhỏ của thành phố cùng mật độ xe cộ chẳng khác mấy so với những thành phố lớn Đông Nam Á khiến xe bus đi chậm hơn, nhưng đó cũng là thời điểm hoàn hảo để người ta có thể quan sát những chuyển động của thành phố vừa lạ lẫm nhưng cũng mang lại cảm giác đặc biệt thân thuộc này. Dọc hai bên đường là những khu dân cư với đặc trưng kiến trúc người Hồi giáo Malaysia. Xen kẽ với đó, những tòa nhà thương mại và dân cư cao chót vót, minh chứng cho sự phát triển về thương mại của thành phố. Penang trong ánh chiều tà không đến kèm với tiếng xe cộ ồn ào, mọi chuyển động dường như hòa cùng một giai điệu nhịp nhàng trong sắc thái nhiệt đới của cây cối hay gió biển.
Với những ai còn xa lạ với nền văn hóa Malaysia, Penang chắc chắn mang đến một cơn bối rối nhẹ giữa những thang tầng lớp lang văn hoá dày đặc của chỉ một thành phố. Khu vực đa dạng văn hoá nhất, khiến người ta mê mẩn nhất, chắc chắn phải là khu phố cổ George Town. Ít ai biết rằng, George Town chính là điểm dừng chân đầu tiên của người châu Âu tại Đông Nam Á, do nằm ở cửa ngõ Đông Tây. Được thành lập vào năm 1786, với cái tên nhằm vinh danh Vua George III của Anh, thị trấn này nhanh chóng phát triển như một thương cảng tự do, tấp nập ngay từ thời điểm ban đầu với hoạt động buôn bán gia vị. Đây cũng là lý do Penang có một nét văn hóa lai tạp độc đáo, ảnh hưởng từ cả phương Đông và phương Tây. Ảnh hưởng này ăn sâu vào những biểu hiện văn hoá của Penang, cùng với sự hiện diện của cộng đồng cư dân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới: người Hoa, người Mã Lai, người Ấn Độ và người có dòng máu Âu-Á.
Giờ đây, dù vẫn duy trì vị thế là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất Malaysia, Penang lưu giữ trong mình một nhịp sống khó tìm thấy ở những vùng khác, nơi không chỉ có thiên nhiên, cảnh sắc, mà còn một phong điệu du dương nối kết quá khứ và hiện tại. Trái với bầu không khí sôi động của Kuala Lumpur, Penang chào đón những lữ khách với dáng vẻ uể oải đặc trưng. Sáng, trưa, chiều, tối, mỗi thời điểm đều có thể khiến bạn cảm thấy thèm một giấc ngủ ngắn.
Có lẽ một phần vì bầu không khí nóng ẩm đặc trưng của vùng đảo, người địa phương Penang không vội vã bao giờ. Buổi sáng, bạn sẽ khó tìm thấy hàng quán mở cửa trước 10h sáng, trừ các quán ăn sáng của người địa phương. Những quán “Kafe" ở đây thực ra lại là quán ăn sáng đặc trưng của người gốc Hoa, với những món truyền thống như bánh mì nướng sốt kaya ăn cùng trứng trần, mì xào char kway teow, trà sữa hay white coffee…
Nếu muốn hiểu Penang, bạn buộc phải ghé thăm những tiệm ăn sáng địa phương này một lần, để nghe thứ tiếng Hoa vùng Phúc Kiến người ta nói với nhau, để nhấp ngụm cà phê đen nhánh trong ấm tách vẽ hoạ tiết hoa lá đã phai màu theo thời gian, và nghe tiếng xèo xèo từ căn bếp của cô chú đầu bếp. Bạn tưởng mình đang lạc bước đến một vùng đất nào khác, chứ không phải một thành phố Đông Nam Á như cách bạn vẫn mặc định. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu.
Đã ăn sáng no nê. Giờ là lúc bạn khám phá Penang. Chẳng có luật lệ gì ở đây, chỉ việc lang thang quanh những con phố trong khu phố cổ cũng sẽ ngốn hết của bạn cả buổi hay thậm chí cả ngày trời. Tựa một bảo tàng quy mô lớn, mỗi bước chân quanh khu phố cổ đưa bạn đến tất cả: những tàn tích, những ngôi chùa Phúc Kiến, những đền thờ Hồi giáo, đền thờ Hindu, những cửa hàng mang kiến trúc shophouse thuộc địa đóng cửa im lìm như bị thời gian lãng quên, những bức họa graffiti nổi tiếng của nghệ sĩ người Litva Ernest Zacharevic mô phỏng người dân Penang trong cuộc sống hàng ngày, hay 52 bức biếm họa bằng sắt rèn và 18 bức tranh tường giới thiệu các di tích lịch sử của Penang rải rác khắp những con phố nhỏ hẹp.
Không có một bản đồ định vị những tác phẩm nghệ thuật này, bạn sẽ chẳng có cách nào khác là dành thời gian đi lang thang, ngắm nhìn rêu phong, lắng nghe sự tĩnh lặng của một khu phố đã từng là thương cảng tấp nập. Những góc nhỏ của Penang đều có thể mang đến một rung cảm cá nhân. Nó xuất hiện bất chợt như ông cụ ngồi đọc báo trên hiên nhà, chiếc ghế mây ngoài hàng hiên trống không, bụi hoa hồng bên ngoài nhà ai đó, hay hòm thư đỏ kiểu Anh trên vỉa hè.
Rồi thi thoảng, khi đã thấm mệt dưới cái nắng nhiệt đới, hãy ghé chân vào những quán cafe hiện đại đâu đó, hay xà vào một hàng quán nào đó. Mỗi cửa hàng lại mang đến những nét ẩm thực riêng, đó cũng là lý do người Penang rất tự hào với đời sống ẩm thực của “thủ đô ẩm thực Malaysia". Người Penang thích ăn uống, và thích ăn uống ở những quán quen trong khu phố nhà mình, nơi có khi đã gắn bó với họ cả cuộc đời. Điểm khó khăn duy nhất là bạn sẽ không thể biết hết mình sẽ ăn món gì nếu chỉ dựa vào cái tên địa phương, nên có khi, bạn sẽ lại tìm đến những món ăn đã quen tên. Nhưng đừng ngại thử, ẩm thực Penang nhìn chung đa dạng và… ngon. Pha trộn giữa nhiều nền ẩm thực khác nhau đồng nghĩa với việc lựa chọn món ăn trong ngày của bạn có thể bao gồm cả món Malay, món ăn của người Hoa, và món ăn Ấn.
Sau khi đã no nê, hãy tiếp tục cuộc lang thang của bạn xa hơn, vượt khởi Georgetown, để thực sự hoà vào nét kiến trúc và văn hoá thuộc địa độc đáo của Penang. Đi theo hướng Pháo đài Cornwallis, bạn như lạc vào một thành phố nào đó của nước Anh với những tòa nhà theo kiến trúc Tudor, với Tháp đồng hồ Queen Victoria, tòa nhà Bảo tàng thành phố, toà thị chính Penang Town Hall, hay nhà thờ St. George's Anglican Church… trước khi dừng chân bên bờ kè cạnh biển để ngắm nhìn một anh chàng địa phương câu cá. Bóng anh soi trên mặt biển xanh ngát, phẳng lặng, bí ẩn như Penang trong quá khứ, và hiện diện như một Penang của hiện tại.
Chập tối là thời điểm hoàn hảo để ghé đến Little India, khu phố người Ấn luôn sôi động tấp nập người qua lại, nơi có các khu chợ bán đồ người Ấn, nơi luôn chìm trong mùi hương trầm dễ chịu và những biển hiệu quảng cáo sáng chói chang. Trái với vẻ uể oải ban ngày, Penang bừng tỉnh trong ánh chiều tà và tiếp tục căng tràn sự sống trong màn đêm. Người ta đổ ra đường ăn uống, bán buôn, xem và trình diễn nghệ thuật, đến những trung tâm mua sắm… họ hoà vào nhau trong dòng người tổ hợp của khách du lịch và người dân địa phương, để cùng tận hưởng phố cổ kiều diễm và kì lạ này.
Nhưng đâu đó, vẫn có khoảnh khắc khiến bạn lặng đi. Như thời điểm khi lời cầu nguyện vang lên từ các nhà nguyện Hồi giáo, âm thanh du dương của đức tin lan tỏa khắp không gian, hoà vào sự chuyển hoá của thời gian. Đó là một âm thanh rất đẹp.
>>Xem thêm: Gợi ý top 5 điểm đến du lịch Việt cho kỳ nghỉ lễ 2/9