Vật liệu bền vững tô nét độc đáo cho kiến trúc đương đại
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, vật liệu xây dựng và hoạt động xây dựng đóng góp gần 40% tổng lượng CO2 mà con người tạo ra mỗi năm. Bản thân các phương thức xây dựng truyền thống phụ thuộc vào tài nguyên không thể tái tạo cũng đang làm ra các sản phẩm không thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh đó, những thiết kế được xây dựng từ vật liệu bền vững, hướng đến kiến trúc xanh, góp phần chống biến đổi khí hậu, đang trở thành một thách thức thú vị với cộng đồng kiến trúc sư và nhà thiết kế. Hãy cùng WOWWEEKEND khám phá những vật liệu bền vững cùng các công trình tiêu biểu có thể làm bạn phải bất ngờ về độ độc đáo.
Vegan House sử dụng nhiều cửa chớp gỗ tái chế. Ảnh: Quang Tran @Archdaily
Gỗ tái chế
Dù là nguyên liệu tái tạo, việc sử dụng quá nhiều gỗ có thể vượt quá tốc độ tăng trưởng của cây xanh. Vì vậy giải pháp bền vững còn là hướng đến không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn gỗ mới. Tái chế gỗ đã được thu hồi là một ý tưởng phổ biến hơn cả, đặc biệt là nội thất làm lại từ gỗ cũ. Tái chế gỗ hiệu quả có thể giảm thiểu tình trạng phá rừng, từ đó thúc đẩy hấp thụ carbon và đa dạng sinh học.
“Bức tường” cửa chớp không chỉ giúp thông gió hiệu quả mà còn góp thêm sắc màu nổi bật. Ảnh: Quang Tran @Archdaily
Vegan House là một ví dụ thú vị về ý tưởng bền vững. Ngoại diện ngôi nhà được tận dụng từ những chiếc cửa chớp thân thuộc ở Việt Nam. “Bức tường” này không chỉ giúp thông gió hiệu quả mà còn góp thêm sắc màu nổi bật, hòa hợp với không gian xung quanh.
“Tháp nấm" Hy-Fi ở New York, Mỹ được làm từ sợi nấm kết hợp với bẹ ngô. Ảnh: Holcim Foundation
Sợi nấm
Được được tách ra từ rễ nấm có vai trò như chất kết dính tự nhiên, khi kết hợp với các phụ phẩm từ cây nông nghiệp, vật liệu này có thể trở thành một trong những lựa chọn thân thiện bậc nhất nhờ tính hữu cơ và phân hủy tự nhiên, và không độc hại đối với người dùng lẫn môi trường. Rất nhẹ và chống cháy, chống nước tốt, sợi nấm đang được sử dụng trong một số ngành công nghiệp như đóng gói, bao bì.
Công trình Hy-Fi hướng đến một kiến trúc không phát thải. Ảnh: Holcim Foundation
Về khía cạnh xây dựng, “tháp nấm" Hy-Fi ở New York, Mỹ là một công trình có tính thể nghiệm, được làm từ sợi nấm kết hợp với bẹ ngô, hướng đến một kiến trúc không phát thải, tạo ra bóng mát cũng như chỗ ngồi cho khách tham quan, theo một cách bền vững.
Vỏ cây sồi
Nhắc đến vật liệu này, hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến những chiếc nút chai rượu vang. Ít ai biết rằng, vỏ sồi cũng là vật liệu xây dựng có nhiều đặc tính bền vững. Không chỉ chống thấm và cách nhiệt tốt, trọng lượng nhẹ, vỏ sồi còn dễ tái chế. Lớp vỏ nguyên liệu được tách từ cây sồi khểnh, vốn tái tạo rất dồi dào vì cây sản sinh hàng trăm kilogram vỏ cây trong suốt vòng đời kéo dài lên đến hàng thế kỷ.
Một trong những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu sử dụng vật liệu này chính là công trình Gharfa ở Riyadh, Ả-rập Saudi, với những bức tường được tạo nên từ gỗ sồi, hài hòa với thiên nhiên bản địa.
Đất nện
Xuất hiện trong vô số công trình niên đại hàng thế kỷ ở nhiều vùng đất trên thế giới, đất nện tiếp tục chứng minh vai trò bền vững về khía cạnh vật liệu xây dựng. Việc sử dụng vật liệu carbon thấp như đất nện có thể làm giảm carbon hóa môi trường. Với trữ lượng dồi dào, việc sử dụng các loại đất thích hợp, sẵn có ngay tại khu vực xây dựng giúp các tòa nhà "đất nện" chỉ tạo ra "dấu chân carbon" ở mức thấp nhất vì chỉ cần vận chuyển khoảng cách gần, hạn chế phát thải từ hoạt động logistics.
Tre là vật liệu bền vững về mặt môi trường và kinh tế, có thẩm mỹ cao. Ảnh: Ulaman Eco Retreat Resort
Tre
Tre được nhiều kiến trúc sư ưu ái lựa chọn làm vật liệu xây dựng bền vững để tạo nên những công trình không chỉ bền vững về mặt môi trường và kinh tế mà còn có độ thẩm mỹ cao. Là một trong những loại cây phát triển nhanh nhất trên thế giới lại phong phú về chủng loại, tre nhẹ và dễ uốn nắn hình dáng. Những cấu trúc bằng tre đã chứng tỏ sự vững chắc và đẹp mắt, phổ biến trong kiến trúc và thiết kế công nghiệp.
Đất ram được dùng xây tường ở tầng trệt, kết hợp với nhiều chi tiết khác bằng tre. Ảnh: Ulaman Eco Retreat Resort
Một công trình tiêu biểu sử dụng cả 2 vật liệu đất nện và tre là Ulaman, khu nghỉ dưỡng sử dụng đất ram để xây tường ở tầng trệt, các phần còn lại được làm bằng tre. Kiến trúc xanh giúp khu nghỉ dưỡng này trở thành khu sinh thái phi carbon hoàn toàn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm các nội dung về vật liệu bền vững đăng tải trên ấn phẩm WWK Property Vol.1 đã phát hành tại đây.
>>Xem thêm: Những công trình kiến trúc với thiết kế ban công ấn tượng