W Coffee Talk Vũ Nho và 8 lần chinh phục đỉnh núi tuyết cao nhất Nhật Bản
Mở khoá kéo chiếc lều cắm trại, hít thật sâu lồng ngực, nhấm nháp ly cà phê trong bầu không khí trong lành, ngắm nhìn bình minh đang lên, thu vào tầm mắt một biển mây lớn, v.v. Đó chính là những gì Vũ Nho có được sau một hành trình dài leo núi tuyết.
Vũ Nho nổi tiếng trên cộng đồng “Mê leo núi - Nhật Bản” với một hành trình đầy ấn tượng tại bộ môn leo núi. Bén duyên với bộ môn này từ năm 2017, anh đã từng nhiều lần chinh phục những ngọn núi cao trên 3000m ở Nhật Bản, đặc biệt là núi tuyết. Trong những hành trình của mình, phần lớn anh chọn cách “độc hành” và gửi định vị cho người thân ở nhà để phòng trừ những trường hợp xấu. Vũ Nho chia sẻ:
“Leo núi vào mùa đông sẽ khó khăn, nguy hiểm hơn rất nhiều so với mùa hè. Thể lực, kinh nghiệm và trang thiết bị đòi hỏi nhiều hơn nhưng đổi lại sẽ có được những trải nghiệm thú vị, được tự do phóng tầm mắt mà không có gì cản trở, giải toả căng thẳng trong cuộc sống và công việc”.
Gần đây nhất, anh có chuyến leo núi Phú Sĩ đón tia nắng đầu tiên của năm mới 2024 trong điều kiện khá khắc nghiệt nhưng đầy mãn nhãn. Đó cũng là lần thứ 8 anh chinh phục đỉnh núi tiếng tăm này. Nhờ tích góp của bản thân, Vũ Nho chia sẻ kinh nghiệm cho những người mới bắt đầu leo núi. Mỗi chia sẻ đều nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên, truyền cảm hứng cho những ai yêu thích leo núi nói chung.
Cùng WOWWEEKEND trò chuyện với Vũ Nho để xem leo núi tuyết có gì thú vị và những câu chuyện đầy ly kỳ trên hành trình 8 lần leo núi Phú Sĩ của Vũ Nho nhé!
Chào Vũ Nho, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân?
Mình tên là Trần Nho Vũ, mọi người hay biết đến với tên Vũ Nho, một người con của Tây nguyên. Hiện tại mình đang sinh sống ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản.
Bạn bắt đầu hành trình leo núi của mình như thế nào?
Mình bắt đầu leo núi từ năm 2017 và đã leo khá nhiều các ngọn núi cao, nổi tiếng của Nhật Bản. Hiện tại mình đã “Summit” (đặt chân đến đỉnh núi) được 18/21 ngọn núi cao trên 3000m của Nhật Bản, hơn một nửa trong đó là núi tuyết.
Một số ngọn núi mình đã từng leo có thể kể đến: Fuji Phú Sĩ 3776m, Kitadake (北岳) 3193m, Oku Hotakadake (奥穂高岳) 3190m, Yarigatake 3180m, Gendarme 3163m và cung Daikiretto.
Trước khi leo núi, đặc biệt là núi tuyết, chắc hẳn bạn đã có một quá trình rèn luyện thể lực bền bỉ đúng không?
Trước khi leo Phú Sĩ mình thường sẽ chạy bộ, 5-10-15-20km. Mục tiêu mình cần đạt là chạy 10km dưới 1 giờ để duy trì một thể lực tốt.
Trước khi leo núi tuyết mình đã leo rất nhiều núi để có kinh nghiệm, một phần vì leo vào mùa đông khá nguy hiểm. Thời điểm này, các nhà nghỉ sẽ không hoạt động, bạn phải tự chủ động 100%, có thể phải mang ba lô nặng 23-25kg. Bản thân mình cũng phải đến 5 năm sau lần thứ hai, leo khá nhiều núi mùa hè mới bắt đầu đi núi tuyết. Đặc biệt leo Phú Sĩ vào mùa đông phải leo từ tầng 1, mùa hè thì xe ở trạm có thể chở bạn đến tầng 5.
Được biết là mới đây nhất bạn có một hành trình đón giao thừa trên đỉnh Phú Sĩ đầy mãn nhãn, có phải đây là lần thứ 8 bạn leo ngọn núi này?
Mình đã leo Phú Sĩ được 8 lần. Mỗi lần leo đều có những trải nghiệm đáng để nhớ. Những lần đầu chỉ còn cách cột mốc cao nhất 3776m khoảng 70m (độ cao) thì phải quay về. Một phần do thời tiết không ủng hộ, một phần do không quá để tâm tới cột mốc trên đỉnh. Sau này để ý hơn việc “summit” lên điểm cao nhất nên đến lần thứ 7, lần thứ 8 mình bằng mọi giá đặt chân lên.
Vũ Nho cầu nguyện trước đền thờ trên đỉnh núi Phú Sĩ dịp đầu năm mới
Cụ thể từng lần như thế nào?
Lần đầu tiên (tháng 8/2015): Mình đã lên đến gần đỉnh nhưng mây mù giăng ngập lối, không thể thấy được bình minh.
Lần 2 (tháng 8/2016): Khi đến tầng 8, trời mưa nên mình bị tụt thân nhiệt, không thể lên được đỉnh.
Lần 3 (tháng 4/2021): Do quên mang kính mắt nên mình bị xước võng mạc, mù tạm thời, phải nhập viện.
Lần 4 (tháng 12/2021): Mình cắm trại qua đêm gần đỉnh (vẫn là 3711m cách đỉnh 65m), dự tính sáng sớm hôm sau “summit” thì gặp phải tuyết trượt mảng, lở tuyết, đành thu trại quay về.
Nho Vũ trong một lần leo núi giữa điều kiện khắc nghiệt, mây mù và tuyết phủ trắng xóa
Lần 5 (tháng 2/2023): Đã đặt chân đến tầng 9.5 nhưng lại quá trễ, tính toán thời gian không đủ di chuyển xuống trước khi trời tối nên đành quay về.
Lần 6 (tháng 2/2023): Phú Sĩ lúc này ngập trong biển tuyết, nhiệt độ xuống sâu -25 độ C, bản thân khá mất sức nên phải bỏ cuộc.
Lần 7 (tháng 3/2023): “Summit” thành công. Thế nhưng đoạn đường đi xuống khá gian nan khi tuyết rơi nhiều, bên dưới trắng xoá không thể xác định được phương hướng và điện thoại rung liên tục báo động động đất, chú ý tránh nạn.
Lần 8 (tháng 01/2024): “Summit” thành công, là một trong khoảng 10 người lên tới đỉnh Phú Sĩ dịp năm mới.
Vũ Nho tại cột mốc 3776m trong lần “summit” thành công tháng 3/2023
Vậy Phú Sĩ có gì hấp dẫn?
Thật sự thì Phú Sĩ chẳng có gì cả (cười). Là ngọn núi trọc, đoạn gần đỉnh núi trơ trụi, không cây cối, có những đoạn độ dốc lên đến 40 độ. Là ngọn núi có thời tiết riêng biệt, thay đổi cực nhanh, ban ngày nắng, ban đêm lạnh xuống nhanh, biên độ nhiệt cao, v.v. Nhưng đây là ngọn núi top 1 Nhật Bản, là ngọn núi có tỷ lệ ngắm được biển mây cực kỳ cao, ngồi trên đỉnh đón tia nắng đầu tiên trong ngày là một cảm giác tuyệt vời không thể tả. Là ngọn núi leo về là có bao kỷ niệm, là vượt qua giới hạn bản thân, là chinh phục được nóc nhà Nhật Bản. Nó cũng là một đỉnh khá khó chinh phục vào mùa đông (hầu hết mọi người không biết là Phú Sĩ có thể leo vào mùa đông).
Chia sẻ về phong cách trải nghiệm leo núi của bản thân, bạn thường tận hưởng hành trình của mình như thế nào?
Bản thân mình sẽ vừa đi vừa ngắm nhìn từng tầng thực vật thay đổi dần theo độ cao. Từ tầng 1 bạn sẽ băng ngang cánh rừng già nguyên sinh, đâu đó là những đàn hươu, nai nhởn nhơ gặm cỏ; là những dòng suối, con thác trong veo róc rách giữa rừng. Lên tới tầng 5 - nơi bắt đầu của mọi người mùa hè - thì không còn nhiều cây cối nữa. Đó là những cụm thông nhỏ, rồi ngọn núi đá dung nham sắc nhọn, dễ trượt chân.
Khi lên gần đỉnh sẽ nhìn thấy sông núi hùng vĩ, để thấy con người nhỏ bé đến thế nào. Lên đến đỉnh, bạn có thể nhìn thấy miệng núi lửa tạo thành một lòng chảo, đứng nơi đây phóng tầm mắt ra xa không có bất cứ thứ gì cản trở được tầm mắt của mình cả. Mình dành thời gian để tận hưởng bầu không khí trong lành, yên bình, giúp đầu óc thoải mái, nạp thêm năng lượng cho bản thân.
Một số “tips” leo núi Phú Sĩ cho những ai đang lên kế hoạch đến đây: Lưu ý về đồ đạc:
Leo Phú Sĩ cần lưu ý điều gì?
|