Vùng đất tam giác mạch (phần 1)
Một ngày rất đẹp trời, hai người bạn của tôi nhắn rủ đi Hà Giang, nó bảo phải đi thật nhanh, trước khi tam giác mạch tàn mất, đi đi để ngắm nhìn tất cả những vẻ đẹp của một vùng Tây Bắc ngập tràn sắc hồng trắng. Chỉ có hai ngày để chuẩn bị, tôi đi mà không hề biết trước mình sẽ đi đâu, vì tất cả kế hoạch đã được các bạn lo hết. Một chút hồi hộp, lo lắng và háo hức, tôi lên đường đến với Hà Giang của tháng 11, tháng của tam giác mạch.
Hà Giang đẹp, nhưng những năm trước đây, nó không thể dành cho du lịch. Những con dốc và ngọn núi nối đuôi nhau, cao hơn, cao nữa, nơi có những con đèo đầy rẫy những hiểm nguy. Mãi những năm sau này, khi đường xá đã được cải thiện, người ta mới bắt đầu đến nơi đây để thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ nơi cao nguyên này, để gặp người dân hiếu khách, chân chất, thật thà.
Nhà của Pao - Dinh thự họ Vương - Thị trấn Đồng Văn
Sau 6 tiếng đi xe từ Hà Nội, 4 giờ sáng tôi đặt chân đến thành phố Hà Giang. Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi thuê xe máy và bắt đầu cuộc hành trình của mình. Đường Hà Giang bắt đầu bằng những đoạn đường đèo thấp, vậy mà đã đẹp đến mê hồn. Những đồng lúa muộn còn chưa gặt vàng ươm như nắng. Lên cao một chút, sương mù bắt đầu vương vấn những ngọn núi mờ mờ. Trên những con đường đi ấy, tam giác mạch phủ kín khắp nơi. Màu hồng trắng nổi bần bật giữa màu xanh lá của núi rừng bậc thang, cánh hoa hình tam giác đu đưa trong gió mây.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Nhà của Pao, nằm ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Nhà của Pao được xây dựng cách đây 80 năm, một ngôi nhà truyền thống của người Mông. Nó từng được chọn làm địa điểm đóng bộ phim nhựa “Chuyện của Pao” - bộ phim đạt đoạt giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2006. Cổng vào được làm bằng gỗ, chân cột và tường rào bằng đá, mái ngói âm dương mang đậm dấu vết thời gian. Ngay sau cổng nhà là một cây đào rừng, tạo không gian trầm mặc. Hoa đào tháng 11 còn khẳng khiu, còn chờ nhựa sống cho mùa xuân về.
Ngôi nhà vốn là của tầng lớp quý tộc xưa, với hai tầng vững chãi, một gian chính và chia nhiều phòng khác nhau. Ba dãy nhà xếp hình chữ U, ở giữa là khoảng trời. Người dân ở đây giải thích rằng đây chính là nơi hút linh khí trời đất và may mắn đến với ngôi nhà. Mặc dù trở thành địa điểm tham quan, đây vẫn là một ngôi nhà “tứ đại đồng đường”. Khi chúng tôi đến thăm, trẻ con nơi đây ùa ra vui vẻ chụp ảnh với họ, những nụ cười trong trẻo, ngây thơ của những đứa trẻ Tây Bắc.
Rời nhà của Pao, chúng tôi di chuyển đến Dinh thự họ Vương. Đây vốn là ngôi nhà của Vương Chính Đức, Vua Mèo duy nhất được người Mông suy tôn, trước kia cai quản 4 vùng Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Đồng Văn. Khi đến đây, tôi khá ngạc nhiên. Một dinh thự đồ sộ và sắc sảo làm sao có thể xây được nơi Đồng Văn xa xôi không có đường xá vào đầu thế kỷ 20. Nhưng tòa dinh thự trước mắt đã chứng minh điều đó. Công trình này có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Dinh thự thực sự rất rộng với ba cung Tiền, Trung, Hậu, với những đường nét cong, nét lượn trạm trổ tinh xảo. Nhà họ Vương có kiến trúc điêu khắc hoa anh túc rất đặc trưng - sản phẩm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Cũng đã chiều muộn, chúng tôi đổ những con đèo cao vào đến thị trấn Đồng Văn. Hà Giang đã lên đèn, những ánh đèn của thị trấn sáng rực cả Hà Giang tưởng chừng chỉ có những rừng và núi này. Thị trấn có chút gì yên bình, hơn hẳn Hà Nội, nhưng cũng vừa nhộn nhịp, hơn hẳn những nơi tôi đi qua suốt một ngày nay. Thị trấn đặc biệt nhất ở dãy phố cổ, với những nét kiến trúc đặc trưng cho đồng bào vùng cao, nhà trình tường, mái ngói âm dương và nền lát đá. Dạo quanh phố cổ, tôi chạy đi chạy lại khám phá hết những món ẩm thực truyền thống của người dân vùng cao, là thắng dền, gà đen, hay xôi ngũ sắc, bánh tam giác mạch.
Thật may mắn vì sáng hôm sau là một ngày Chủ Nhật, chợ phiên họp, tôi thong dong đi chợ phiên. Người từ vùng núi cao hơn xuống cũng nhiều, buôn bán đủ mọi thứ, từ những vật dụng cần thiết đến nông sản trồng được, từ động vật chăn nuôi đến quần áo nhiều màu sắc. Thứ gì cũng có. Chợ phiên đông vui nhộn nhịp đến mức tôi vừa đi vừa mua đủ thứ vì thích quá.