WWK'S CHOICE| 5 khách sạn/resort có thiết kế nổi bật nhất Việt Nam
Từ bán đảo Sơn Trà đến Sài Gòn phồn hoa, Việt Nam đang sở hữu những công trình nghỉ dưỡng không chỉ ấn tượng mà còn đáng để chiêm ngưỡng. Được thiết kế bởi các tên tuổi lớn như Bill Bensley, Jean-Michel Gathy hay Reda Amalou, năm khách sạn và resort dưới đây là những ví dụ tiêu biểu cho sự giao thoa giữa kiến trúc đương đại và bản sắc bản địa, nơi thiết kế cũng là một trải nghiệm.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng)
Để mở đầu danh sách những điểm đến có thiết kế kiến trúc nổi bật, chúng tôi chọn công trình của “phù thủy” Bill Bensley tại Đà Nẵng, một resort vô cùng ấn tượng ẩn mình trên bán đảo Sơn Trà.
Thời điểm đó, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort là công trình lớn nhất mà đội ngũ nhà thiết kế từng tiếp xúc. Bill chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu, đội ngũ của ông đã đến 50 ngôi chùa khác nhau ở Việt Nam vì ông tin rằng, trong bất kỳ nền văn hóa nào ở châu Á, chùa phản ánh kiến trúc cùng xã hội rất sâu sắc. Ông còn lang thang khắp những mái đình, cung điện, làng gốm để học hỏi và chắt lọc vẻ đẹp kiến trúc bản địa. Từ đó làm nên những mái ngói cong, họa tiết hoa sen, biểu tượng âm dương, vừa chuyển hóa ngôn ngữ truyền thống thành tác phẩm kiến trúc hiện đại.
Sắc đỏ của đèn lồng Hội An thắp sáng màn đêm, du khách chào ngày mới bên bàn cà phê hình ván lướt sóng, thích thú nhìn tượng khỉ bằng sắt, tận hưởng không gian với trần cao gợi mở, giẫm lên sàn lát gạch thủ công Bắc Bộ… Mỗi căn phòng, mỗi hành lang đều là một “cuộc chơi” hình khối, chất liệu và ánh sáng, khơi gợi sự tò mò, kích thích thị giác và trí tưởng tượng của bất kỳ ai đặt chân đến.
InterContinental Danang được chia làm 4 tầng (Heaven – Sky – Earth – Sea) kết nối bằng tuyến cáp treo độc quyền Nam Trâm, thay vì xây đường nội khu cắt ngang rừng. Mỗi kết cấu đều ôm sát sườn núi, hạn chế tối đa việc chặt cây và xâm phạm hệ sinh thái. Bill Bensley còn làm những cầu thang dây treo, gọi là Cầu Khỉ (monkey bridge), để Voọc chà vá chân nâu (Red-shanked Douc Langur) – loài linh trưởng quý hiếm – có thể di chuyển giữa rừng mà không va chạm con người. Đồng thời, thông qua bảng màu tương phản mạnh mẽ, ông để lại ấn tượng về một InterContinental Đà Nẵng vừa lạ, vừa quái mà vừa đủ duyên dáng, đậm chất Việt Nam.
Zannier Bãi San Hô (Phú Yên)
Dưới bàn tay của Arnaud Zannier và đội ngũ kiến trúc sư, Zannier Bãi San Hô trở thành một tuyên ngôn thiết kế bản địa (ethno-minimalism), đề cao sự hoà hợp với thiên nhiên và văn hóa bản địa. Các villa như lẩn vào triền đồi, mái thấp, khó nhìn thấy từ xa, hoà vào cảnh quan một cách tự nhiên.
Ba khu villa được thiết kế dựa trên cảm hứng từ ba nhóm cộng đồng bản địa:
Paddy Field Villas: Gợi nhớ đến những căn chòi nổi của làng chài miền Trung, các villa bằng gỗ được dựng trên cọc giữa ruộng lúa, phủ màu xanh nước biển, nón lá treo tường, giỏ đan và đèn chụp bằng vải bố.
Hill Pool Villas: Lấy cảm hứng từ nhà dài của người Ê Đê vùng Tây Nguyên, mái thấp, cấu trúc dạng ống và vòm trần gỗ dáng mui thuyền. Không gian bên trong chia hai phần như cấu trúc truyền thống, bao gồm Gah – nơi sinh hoạt cộng đồng, và Ok – khu vực bếp núc, nghỉ ngơi, nổi bật với màu gỗ sẫm, đá chẻ, ánh sáng vàng dệt nên cảm giác ấm cúng và sâu lắng.
Beach Pool Villas: Dẫn dắt bởi kiến trúc của người Chăm dọc duyên hải miền Trung, villa một tầng, hướng Tây, mái lá cọ, tường làm từ hỗn hợp đất sét – cát – rơm màu be, kem. Nội thất dùng vải lanh và gỗ tạo nên không gian đậm hơi thở biển cả.
Nằm giữa resort, nhà hàng Bà Hai là lấy cảm hứng từ nhà rông Bahnar. Cao 12 mét, mái vươn hình lưỡi mác, dựng bằng tre, gỗ, cỏ tranh Tây Nguyên. Không gian bên trong để lộ hệ xà gỗ mộc mạc, tựa như một bảo tàng sống về kỹ thuật xây dựng cổ truyền.
Mượn lời của một blogger Instagram với hơn 80 nghìn người theo dõi, chuyên review và tìm đến các khu lưu trú ấn tượng khắp Việt Nam, từng ở Zannier Bãi San Hô 4 ngày chia sẻ: “Anh nhất định sẽ quay lại! Đơn giản vì góc nào ở Zannier cũng có thể cho ra một bức ảnh đẹp”.
Four Seasons The Nam Hai, Hoi An (Quảng Nam)
Đây là một trong những công trình tiên phong tại Việt Nam đưa kiến trúc truyền thống vào thiết kế nghỉ dưỡng đương đại. Được kiến tạo bởi kiến trúc sư Reda Amalou (AW²), khu nghỉ dưỡng lấy cảm hứng từ những nhà rường và nhà vườn của Huế.
Các villa được thiết kế như một “nhà vườn” hiện đại với khung gỗ lớn, mái ngói thấp, mở ra khu vườn riêng và hướng biển. Không gian bên trong kết hợp mượt mà giữa truyền thống và tiện nghi đương đại, từ sàn lát gỗ tự nhiên, giường nền linh hoạt cho đến cửa bức bàn kết nối trong ngoài.
Toàn bộ khu nghỉ dưỡng được bố trí theo nguyên tắc đối xứng, tạo nên trục phong thủy mạnh mẽ từ sảnh chính đến bãi biển. Mỗi villa đều mở ra yếu tố “nước” qua hồ bơi, ao sen hoặc biển, đồng thời đón gió qua các ô cửa rộng, trần cao và khoảng mở lớn. The Nam Hai chú trọng việc sử dụng vật liệu bản địa, từ gỗ sẫm, đá tự nhiên, tre, vải lanh cho đến các loại gốm thủ công. Những chi tiết như đèn lồng Hội An, mái vòm cách điệu, đá lát tự nhiên từ địa phương, hay sắc độ trầm ấm của nội thất đều góp phần kể nên câu chuyện văn hóa miền Trung.
The Reverie Saigon (TP. Hồ Chí Minh)
Toạ lạc từ tầng 27 đến 39 tại Times Square, The Reverie Saigon mang đậm dấu ấn “thẩm mỹ không thỏa hiệp”. Có thể nói, đây là một bảo tàng sống của nghệ thuật nội thất Ý, hội tụ hơn mười thương hiệu danh giá như Poltrona Frau, Visionnaire, Provasi, Giorgetti, Colombostile...
Ngay từ sảnh chính, The Reverie Saigon đã khẳng định cá tính bằng những chất liệu xa xỉ như đá cẩm thạch nhập khẩu, đèn chùm pha lê Ý, tượng trang trí mạ vàng, và một chiếc đồng hồ khổng lồ do thương hiệu Baldi chế tác riêng. Không gian bên trong tiếp tục đẩy cao cảm xúc khi khu vực lounge, phòng suite hay nhà hàng đều được thiết kế theo concept riêng biệt, từ tân cổ điển đến đương đại haute couture.
Từng hạng phòng tại The Reverie là một tuyên ngôn phong cách. Ví như Provasi Suite sử dụng nội thất gỗ tối màu, sofa bọc da đà điểu, pha lê Swarovski và ánh sáng ấm gợi cảm giác vương giả châu Âu. Trong khi Visionnaire Suite mang đậm chất haute couture với gam màu khói ánh kim, các chi tiết bọc da thủ công, kết hợp cùng tác phẩm mosaic độc bản.
Khác với nhiều khách sạn năm sao chọn thiết kế an toàn, The Reverie Saigon nổi bật, sắc nét và đầy cá tính. Từ tay nắm cửa, mặt bàn, đèn trang trí cho đến vỏ gối, nút rèm, đều được sản xuất riêng hoặc đặt hàng từ các nghệ nhân Ý khiến trải nghiệm nghỉ tại đây không chỉ tiện nghi, mà còn là cơ hội để du khách đắm chìm trong thế giới của nghệ thuật.
Amanoi (Ninh Thuận)
Ẩn mình giữa Vườn quốc gia Núi Chúa và Vịnh Vĩnh Hy, Amanoi là công trình đầu tiên của tập đoàn Aman tại Việt Nam, do kiến trúc sư Jean-Michel Gathy (Denniston) thiết kế. Dự án mang triết lý “tàng hình giữa thiên nhiên”, khai thác phong cách Zen Modernism – hiện đại, tối giản, yên tĩnh và sâu sắc.
Mỗi khối nhà như lẩn vào địa hình đá granite, uốn mình theo triền đồi, hạn chế tối đa việc xâm lấn cảnh quan tự nhiên. Ngôn ngữ kiến trúc tại đây lấy cảm hứng từ làng quê Việt Nam như mái ngói âm dương, hiên thấp, sàn gỗ sẫm, cửa gập rộng mở ra thiên nhiên nhưng được tái hiện bằng ngôn ngữ đương đại thanh thoát. Chất liệu bản địa như đá xám, gỗ thô, ngói nung… được sử dụng nhất quán, tạo cảm giác mộc mạc nhưng sang trọng.
Khu pavilion trung tâm – nơi đặt nhà hàng, lounge và thư viện – mô phỏng kiến trúc nhà cộng đồng truyền thống, mang đến một điểm kết nối tinh thần giữa du khách và thiên nhiên. Amanoi cũng là một trong những resort Việt hiếm hoi từng được vinh danh trong các bảng xếp hạng danh giá như Condé Nast Traveler’s Hot List hay Travel + Leisure It List, đồng thời đạt giải “Asia’s Leading Boutique Resort” tại World Travel Awards.
Xem thêm: >> Cực Bắc Tổ quốc: Hà Giang chào đón khách sạn 5 sao đầu tiên >> Westin Hotels & Resorts truyền cảm hứng tái tạo và kết nối nhân ngày sức khỏe toàn cầu 2025