The Art Corner 5 nỗi lo điển hình mà chúng ta thường gặp trong mùa Covid-19
Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát dữ dội đã gây nên tâm lý hoang mang cho tất cả mọi người. Nhưng làm thế nào để ta vẫn có thể bình tĩnh sống vui - sống khỏe - sống trẻ, không bị những yếu tố tiêu cực từ dịch bệnh tác động vào? Và nếu bạn là người đang mất ngủ, lo âu về "Cô Vy" thì bài viết này sẽ giống như một "viên vitamin" giúp bạn có thể tỉnh táo, an tâm hơn vì đã có thể xác định rõ và tìm ra cách giải quyết cho những nỗi lo của mình.
1. Nỗi lo thay đổi môi trường học tập, làm việc
Dịch bệnh bùng phát đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp hành những nội dung về quy định cách ly. Vì thế mà cách thức học tập, làm việc của đại đa số mọi người bị thay đổi, đó là học tập và làm việc trực tuyến nhờ vào các phần mềm hỗ trợ trên điện thoại, máy tính thay vì học tập và làm việc tại trường học hay các công ty, cơ sở làm việc. Và từ đó cũng nảy sinh ra nhiều vấn đề khiến các bạn học sinh, sinh viên thì lo lắng không tiếp thu bài hiệu quả do không tự tin vào phương thức học tập mới, một số người đã đi làm thì lo lắng vì chưa biết cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ trực tuyến hay không quá rành về các thiết bị công nghệ. Hay đơn giản là việc thay đổi môi trường làm việc từ văn phòng sang ở nhà khiến nhiều người chưa quen.
Bứt rứt, khó chịu vì chưa quen với cách thức làm việc mới (Ảnh: Shutterstock)
Hướng giải quyết: Vậy đâu là hướng giải quyết cho vấn đề này? Đừng lo, vì nỗi lo lắng này chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian đầu khi chúng ta buộc phải thay đổi môi trường và cách thức học tập, làm việc. Lúc này chúng ta sẽ cảm thấy bứt rứt do chưa quen với môi trường làm việc mới, bối rối vì không biết phải bắt đầu từ đâu, làm sao để có thể bắt kịp tiến độ làm việc, nhưng hãy yên tâm nhé vì mọi thứ luôn sẽ có những trải nghiệm lần đầu đáng nhớ. Các bạn học sinh, sinh viên hãy thử sắp xếp lại kế hoạch sinh hoạt cho mình, cố gắng chủ động hơn trong việc ghi chép, sao lưu dữ liệu, kiến thức, mạnh dạn hơn trong việc giao tiếp với thầy cô. Những người đã đi làm hãy thử cố gắng ngồi lại, mày mò, tìm hiểu thêm về các phần mềm hỗ trợ trực tuyến, biết đâu đây lại là cơ hội giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công nghệ cũng như các thiết bị hiện đại của xã hội phát triển bây giờ đó. Rồi dần dần khi mọi thứ đã ổn định, thì nỗi lo lắng này cũng sẽ theo đó mà phai dần đi thôi.
2. Nỗi lo thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu vật dụng y tế
Đây cũng là nỗi lo thể hiện rõ ràng nhất trong mùa dịch. Thực trạng nhiều người tích trữ các vật dụng y tế, các nhu yếu phẩm một cách quá lố đã gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng: khẩu trang, nước rửa tay tăng giá chóng mặt, các nhu yếu phẩm thì bỗng chốc “bay hơi” chỉ sau vài tiếng đồng hồ khiến những người thật sự cần không có hàng để mua; hay tình trạng một số người gửi thức ăn vô tội vạ cho người thân đang ở trại cách ly vì nghĩ rằng họ thiếu ăn, thiếu uống, phải sống kham khổ gây khó xử cho những người làm công tác cách ly. Chính nỗi lo lắng đã gây nên rất nhiều điều tiêu cực, tạo nên nhiều vấn đề nóng cho xã hội.
Không nên tích trữ quá nhiều các nhu yếu phẩm (Ảnh: Shutterstock)
Hướng giải quyết: Đây là nỗi lo mà bản thân chúng ta thật sự cần phải loại bỏ vì chúng không hề giúp chúng ta giải quyết vấn đề tốt hơn. Trong mùa dịch, điều tiên phong mà chúng ta cần phải làm đó là tuân thủ nghiêm túc các nội dung về quy định cách ly, việc tích trữ quá lố không những không giúp chúng ta phòng tránh được dịch bệnh mà còn làm chúng ta mắc phải chứng “viêm màng túi” cũng như số nhu yếu phẩm kia cũng sẽ dần không thể sử dụng được nữa nếu chúng ta không thể tiêu thụ hết hoặc bảo quản không đúng cách. Vì vậy, hãy mua vừa phải những vật dụng thật sự cần thiết nhé!
3. Nỗi lo mang tên “cách ly”
Cách ly là nỗi lo lắng của hầu hết mọi người. Nhiều người cho rằng cách ly là một điều gì đó rất tiêu cực nếu mắc bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, phải cách ly với xã hội loài người, phải sống cực khổ, thiếu ăn thiếu mặc. Có người còn tiêu cực đến mức cho rằng việc cách ly giống như hình thức đi tù ngắn hạn. Vì vậy đã xảy ra không ít những trường hợp trốn cách ly, khai gian về hành trình di chuyển khiến cho những người thực hiện công tác cách ly phải đau đầu, người dân thì sợ hãi.
Cách ly không quá kinh khủng như bạn nghĩ đâu (Ảnh: Shutterstock)
Hướng giải quyết: Thực chất việc cách ly không đáng sợ như bạn nghĩ vì nhà nước đã và đang cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi vào trại cách ly. Ngoài ra những người đã tham gia cách ly còn cho biết họ cảm thấy vui hơn, ăn uống đầy đủ hơn từ khi vào trại nữa, nhiều người còn nói vui rằng “tưởng đi cách ly hóa ra đi nghỉ dưỡng”. Và nếu bạn vẫn chưa hình dung cuộc sống khi vào trại cách ly, hãy lên Youtube "xem nhẹ" vài chiếc clip hành trình cách ly của những người nổi tiếng như Châu Bùi, Võ Hoàng Yến,... chắc chắn bạn sẽ yên tâm hơn phần nào. Vì vậy đừng lo lắng quá nha.
4. Nỗi lo “không biết tin vào ai, không biết đi về đâu”
Đã có rất nhiều đối tượng bị xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi tung tin giả trong mùa dịch nhằm mục đích câu like trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Nhiều người khi bị tra hỏi về mục đích của việc này đã trả lời hết sức ngô nghê, thậm chí gây ức chế như: làm vậy vì vui, đăng như vậy cho mọi người sợ mà cảnh giác,... Và với tốc độ Internet cực nhanh như hiện tại, chỉ cần vài cú click chuột hay một cái chạm nhẹ trên màn hình điện thoại là chúng ta có thể tiếp cận với đủ mọi thông tin đa dạng. Vậy chúng ta phải tin vào nguồn tin nào để cập nhật đúng tình hình, không bị hoang mang trước tin tức giả?
Thật đau đầu trước những tin giả của dịch bệnh (Ảnh: Shutterstock)
Hướng giải quyết: Hãy chọn lọc và tiếp nhận các thông tin từ các trang báo chính thống, có uy tín, các chương trình thời sự trên TV. Đừng vội hoang mang vào bất cứ những nguồn tin nào nếu chưa được xác thực. Hãy giữ cho bản thân một cái đầu lạnh khi đứng trước mọi vấn đề, quan trọng nhất vẫn là bình tĩnh, sáng suốt.
5. Nỗi lo “viển vông”
Gọi là nỗi lo viển vông vì có nhiều người lo lắng một cách thái quá, làm nghiêm trọng vấn đề khi nghĩ rằng tình hình dịch bệnh không thể cứu chữa, họ nghĩ rằng bản thân sắp chết và thậm tệ hơn là nghĩ đến việc Trái Đất sắp tận thế. Chưa kể những người có mối lo này còn là đối tượng "béo bở" cho những kẻ đăng tin giả lợi dụng. Họ suy nghĩ tiêu cực đến nỗi không tin vào nguồn tin chính thống của Chính phủ cung cấp mà lại tin vào các bài đăng nhảm nhí, vô căn cứ, hay mê tín, dị đoan tìm đến các giáo phái, tà đạo để ăn năn sám hối.
Nhiều người có nỗi lo rất “viển vông” (Ảnh: Shutterstock)
Hướng giải quyết: Đây thực sự là nỗi lo cần phải được loại bỏ ngay nếu không sẽ gây nên nhiều hậu quả đáng tiếc. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh, sáng suốt và tiếp nhận những nguồn tin chính thống, không chỉ nước ta mà cả thế giới đều đang hết mình thực hiện công tác chống dịch, vì vậy đừng suy nghĩ tiêu cực như vậy nhé. Và nếu bạn có người thân dễ yếu lòng trước những tin tức xấu, những lời đồn vô căn cứ thì hãy cố gắng giúp họ hiểu ra vấn đề, hãy quan tâm đến họ, trò chuyện cùng họ để họ có thể an tâm hơn. Từ đó dần dần loại bỏ suy nghĩ và nỗi lo lắng tiêu cực của họ.
Với sự kiên cường và nỗ lực hết mình của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, tình hình dịch bệnh đã có tiến triển khả quan hơn khi số người khỏi bệnh ngày một tăng, số người mắc bệnh cũng không còn tăng nhiều như trước, mọi thứ đã dần đi vào ổn định, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Vì vậy, đừng quá lo lắng, hãy luôn cố gắng giữ gìn không để bản thân tiếp xúc quá nhiều với môi trường bên ngoài, “chỉ cần ngồi yên đã có thể giúp nước nhà”. Hãy tự tin lên nào, Việt Nam quyết thắng đại dịch!