The Art Corner Chuyện về Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán, còn được gọi với tên thân mật là Tết ta, Tết cả, Tết cổ truyền, được xem là lễ hội lớn nhất và phổ biến nhất hằng năm ở Việt Nam. Được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng đầu tiên theo Âm lịch, Tết là kỳ nghỉ dài nhất trong các dịp nghỉ lễ ở đất Việt, một kỳ nghỉ Tết có thể kéo dài đến bảy hoặc chín ngày.
"Tết" là cách đọc theo âm Hán - Việt của chữ "tiết". Còn "nguyên" theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai, và "đán" là buổi sáng sớm.
Khác với lịch Gregorius (hay Gregory), Âm lịch có một số cố định là 12 tháng, hầu hết mỗi tháng đều có 30 ngày, đặc biệt năm nhuận sẽ có cả một tháng thay vì ngày 29 của tháng 2. Năm mới của Âm lịch thông thường sẽ bắt đầu vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng 2 theo lịch Gregory. Điều này giải thích vì sao ngày Tết thay đổi theo từng năm: đó là do tháng nhuận có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tạo ra khoảng cách nhỏ hơn hoặc lớn hơn giữa hai lịch.
Nguồn gốc Tết Nguyên đán
Nguồn gốc của Tết Nguyên đán vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hầu hết thông tin đều cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam trong 1000 năm bắc thuộc. Theo lịch sử của Trung Quốc, Tết Nguyên đán có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế và được thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy vậy, theo sự tích Bánh Chưng Bánh Dày của nước ta, người Việt đã ăn Tết từ thời vua Hùng, tức là trước thời kỳ 1000 năm bắc thuộc.
Ngày nay, Tết Âm lịch tại Trung Quốc không còn được gọi là Tết Nguyên đán nữa. Bên cạnh đó, lịch Âm Việt Nam và lịch Âm Trung Quốc có đôi chút khác biệt, cộng với việc hai quốc gia có hai múi giờ khác nhau, nên có năm Việt Nam đón Tết cùng ngày với Trung Quốc, có năm lại đón Tết trước hoặc sau Trung Quốc. Tết ở Việt Nam và Trung Quốc dĩ nhiên là vẫn có điểm chung và có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Thế nhưng, Tết Nguyên đán của người Việt chúng ta có những đặc trưng riêng.
Tết là khi…
Tết đến là dịp người Việt Nam bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên cũng như đón Tết đoàn viên bên những người thân yêu trong gia đình. Trước đây, Tết là một dịp rất cần thiết vì nó là một trong số những thời điểm được nghỉ ngơi đối với những nước nông nghiệp, Tết được tổ chức giữa việc thu hoạch vụ mùa và gieo sạ những vụ tiếp theo.
Để dễ hiểu hơn, người ta có thể hình dung Tết là sự kết hợp giữa Giáng Sinh và năm mới: mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để thưởng thức những bữa ăn thịnh soạn, trang trí cây Tết và ăn Tết nhưng là để đón năm mới thay vì mục đích tôn giáo. Ngày nay, mọi người đều cho rằng Tết đã mất đi "chất" và "hương vị Tết", song, việc Tết đến xuân về, gia đình đoàn viên luôn là điều tuyệt diệu nhất của "vị" Tết.
Tết được tổ chức như thế nào?
Vì Tết chiếm một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng tôn giáo của người Việt, nên khoảng trước từ một đến hai tháng trước Tết, người Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị để đón Tết. Cũng giống như các nước châu Á khác, người Việt tin rằng màu đỏ và vàng sẽ mang lại may mắn. Điều này có thể giải thích tại sao những màu này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong dịp Tết Nguyên đán.
Mọi người coi những gì họ làm vào rạng sáng Tết sẽ quyết định số phận của họ trong cả năm. Vì vậy mọi người luôn mỉm cười và cư xử tử tế nhất có thể với hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Vào những dịp Tết xưa, các thành viên trong gia đình và bạn bè, người thân thường trao nhau những món quà nhỏ với nhiều ý nghĩa to lớn, trong khi đó trẻ em được nhận lì xì trong phong bao lì xì đỏ.
Dịp lễ Tết đầy đủ thường được diễn ra theo quy trình chung như sau (tất cả các ngày được trích dẫn theo lịch âm):
- Đón Ông Công, Ông Táo: Ngày 23 tháng Chạp
- Gói bánh chưng, bánh tét: 26 - 28 tháng Chạp
- Gia đình đoàn tụ và tất niên: ngày 30 tháng Chạp
- Giao thừa: Gồm các buổi cầu nguyện Thần linh và Tổ tiên, xông đất (Đi thăm gia đình đầu năm mới).
- Ba ngày đầu tiên của năm mới: Thăm nội vào ngày đầu tiên, bên mẹ vào ngày thứ hai và thầy cô vào ngày thứ ba.
- Thăm người thân, bạn bè, làng xóm: Có thể diễn ra từ ngày 3 - 5 tháng Giêng
- Hóa vàng - đốt đồ cúng tổ tiên cận Tết: Mùng 4 tháng Giêng
- Khai trương lại hàng quán: Thường chủ nhân chọn ngày lành tháng tốt hợp với tuổi của mình.
- Tết Nguyên Tiêu: Ngày 15 tháng Giêng
Điều nên làm vào ngày Tết
-
Lì xì: Mùng 1 Tết, người lớn (những người đã có gia đình, có thu nhập) phải chuẩn bị một ít lì xì để biếu các em nhỏ khi đến thăm nhà người khác như một biểu tượng may mắn cho năm mới sắp đến. Mọi người cũng phải nói những lời chúc tốt đẹp nhất cho người khác. Những hoạt động này được thực hiện với mong muốn những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với mọi người.
-
Mặc quần áo mới: Tết là dịp đặc biệt mà mọi người cùng diện những bộ cánh mới và đẹp. Đường phố trong ngày Tết ngập tràn sắc màu của áo dài và các loại trang phục khác. Người ta cho rằng những gam màu sáng sặc sỡ như đỏ, vàng hoặc xanh dương có thể mang lại may mắn và thịnh vượng cho con người trong năm sắp tới.
-
Vui vẻ và chúc phúc cho người thương yêu: Người xưa tin rằng vui vẻ trong ngày Tết giúp cho cả năm luôn được rạng rỡ và vui tươi. Cùng đó, việc chúc phúc cho những người thân quý với mong muốn tất cả những người thương yêu luôn đạt được thành công và phước lành trong năm mới.
-
Tảo mộ: Theo tập tục của người Việt, lễ Tết cũng là thời điểm con cháu tảo mộ ông bà, tổ tiên để tưởng nhớ tổ tiên, đồng thời cầu mong cho ông bà luôn chở che cho con cháu.
Điều không nên làm vào ngày Tết
-
Tranh luận, cãi nhau: Nếu như mọi người thường chúc tụng trong những ngày Tết, thì trong dịp này người ta không được phép nói những điều xấu xa như chết chóc, chửi thề. Mọi người cũng nên tránh cãi vã, to tiếng với nhau trong dịp Tết vì có thể mang đến cho họ một năm không suôn sẻ. Khi có bất kỳ xung đột nào, hãy cố gắng bình tĩnh và giữ nó càng ôn hòa càng tốt.
-
Không làm tổn thương hay sát sinh con vật: Điều cấm kỵ ngày Tết là không sát thương con vật. Thay vào đó, mọi người nên phóng sinh các loài vật như chim, cá, rắn… về với thiên nhiên để đạt được phước lành. Niềm tin này bắt nguồn từ thuyết nhân quả của Phật giáo, rằng nếu con người làm điều tốt thì sẽ gặp nhiều may mắn.
-
Không quét nhà: Một điều khác mọi người nên tránh làm là quét nhà hoặc dọn sạch thùng rác, đặc biệt là vào ngày đầu tiên của năm mới. Người xưa tin rằng nếu bạn quét sàn nhà, mọi điều may mắn và tiền bạc sẽ chảy ra khỏi nhà của bạn. Khi đến thăm nhà dịp Tết, hãy hạn chế việc làm rơi bất cứ thứ gì xuống sàn nhà vì sẽ làm bẩn. Hơn nữa, khi muốn làm việc gì, bạn nên hỏi ý kiến của gia chủ trước để tránh những rắc rối không mong muốn.
-
Không mặc đồ đen: Theo quan điểm dân gian, mọi người thường không mặc quần áo trắng hoặc đen trong ngày mùng 1 Tết. Thông thường, màu trắng và đen là màu của tang lễ ở Việt Nam. Do đó, việc mặc những loại trang phục này vào những ngày đầu năm mới có thể tượng trưng cho chết chóc và những điều không may mắn. Thay vào đó, mọi người sẽ mặc những bộ trang phục đầy màu sắc, thể hiện sự tươi vui.
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người với thần linh. Đặc biệt, đối với một đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, Tết Nguyên đán luôn có ý nghĩa quan trọng. Bắt nguồn từ quan niệm "Ơn trời mưa nắng phải thì", đây là dịp để người nông dân tưởng nhớ, tạ ơn thần linh liên quan đến sự "được", "mất" của mùa màng, cũng như những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, nổi bật nhất chính là hạt lúa.
Tết là dịp đoàn viên, để thắt chặt mối quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm và cùng nhau thắp nén hương để mời ông bà, tổ tiên cùng về ăn Tết với con cháu. Vì thế, khái niệm "về quê ăn Tết" của người Việt không chỉ dừng lại ở việc nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, mà còn là cuộc hành hương tìm về cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.