The Art Corner Ngắm nhìn Việt Nam “retro” qua những bộ phim nổi tiếng
Những năm qua, phong cách retro (hoài niệm) trở lại và phổ biến ở đa lĩnh vực của đời sống, chẳng hạn như thời trang, nhiếp ảnh, nội thất... Dĩ nhiên, các nhà làm phim cũng không nằm ngoài trào lưu này và mang đến màn ảnh nhỏ những khung hình “phủ màu thời gian”.
“Giải mã” sức hút của giá trị xưa
Điểm chung của các bộ phim retro là màu sắc rực rỡ; bối cảnh và tạo hình nhân vật đậm chất cổ điển; nội dung tái hiện quá khứ huy hoàng hoặc đơn thuần gợi nhắc kỷ niệm thời thanh xuân. Có thể thấy, “đứa con tinh thần” của các nhà làm phim theo phong cách retro vừa đạt tính thẩm mỹ cao, vừa có sức nặng về mặt cảm xúc khi khơi gợi được rung cảm trong lòng người xem.
Khi nhắc về cảm giác hoài niệm, nhiều người nghĩ đến thuật ngữ tiếng Anh nostalgia, chỉ việc khao khát những gì thuộc về quá khứ. Y văn thế giới đề cập nostalgia là một chứng bệnh tâm lý cổ xưa, nhưng ở bài viết này, ta sẽ chỉ nhìn nhận đây như một trạng thái đem lại những điều tích cực, từ chính kỷ niệm đẹp đẽ trong quá khứ.
Năm 2011, một bài đăng trên Tạp chí Personality and Social Psychology đã mô tả thử nghiệm cho một nhóm người nghe bài nhạc yêu thích hồi xưa của họ. Kết quả là những người này đều cảm thấy được yêu thương và cuộc đời thật đáng sống.
Tương tự, những bộ phim retro trong thời hiện đại cũng có khả năng tác động đến sâu thẳm tâm hồn người xem, làm khơi dậy niềm hạnh phúc, nỗi nhớ nhung và sự xúc động về một thời đã qua. Xem một thước phim trên màn ảnh rộng không chỉ là chìm đắm vào cái retro mà nhà làm phim truyền tải. Đó còn là việc tự “tua” lại thước phim quá khứ của chính mình trong tâm trí. Hai thước phim có thể xảy ra song song và cộng hưởng để mang lại những xúc cảm khó quên.
Còn ở khía cạnh “đời thường”, có một nghịch lý thú vị rằng xã hội càng hiện đại bao nhiêu, người ta lại càng dễ hồi tưởng quá khứ tươi đẹp và trân trọng những giá trị xưa cũ bấy nhiêu. Có lẽ, những gì thuộc về quá khứ luôn dịu êm và bình yên, để rồi người ta muốn “bấu víu” trong chốc lát, tạm quên đi nỗi lo lắng hiện tại và tương lai chưa biết tới...
Chưa hết, một bộ phim retro đâu chỉ khắc họa quá khứ của riêng nhân vật hay của cái tôi khán giả? Mà còn hướng đến thông điệp lớn lao hơn, như lan tỏa giá trị văn hóa, khái quát bối cảnh xã hội theo từng giai đoạn một cách sinh động, dễ “cảm”... Vậy nên, bất cứ ai muốn tìm hiểu những khía cạnh như thế này đều lựa chọn dòng phim retro để “quay ngược thời gian”.
Mỗi phim một vẻ
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Cô Ba Sài Gòn (2017), Tháng năm rực rỡ (2018) là 3 cái tên nổi bật khi nhắc đến phim điện ảnh mang yếu tố retro.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – Đạo diễn Victor Vũ
Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh kể về tuổi thơ của hai anh em Thiều (Thịnh Vinh) và Tường (Trọng Khang) ở một vùng quê nọ. Nơi đó, cả hai đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc trong cuộc sống thường ngày, từ tình cảm gia đình, rung động đầu đời ngây ngô đến nỗi buồn “lạ kỳ” của những đứa trẻ tuổi mới lớn.
Yếu tố retro đến từ cốt truyện vốn đã khắc họa chủ đề tuổi thơ gắn với những gì đặc trưng trong đời sống của một đứa trẻ, đồng thời được thể hiện rõ nét thông qua bối cảnh và màu sắc sử dụng.
Chiêm ngưỡng vùng quê Phú Yên thanh bình, nguyên sơ với những cánh đồng lúa bạt ngàn, thảm hoa vàng trải dài trên cồn cát…, không ít khán giả được dịp hồi tưởng về khung cảnh làng quê trong ký ức xa xăm. Những mảng màu xanh dịu mắt cũng chiếm trọn trái tim người xem, khi sắc màu này đã được chứng minh là tạo cảm giác dễ chịu.
Cô Ba Sài Gòn – Đạo diễn Trần Bửu Lộc & Kay Nguyễn
Xen lẫn bối cảnh Sài Gòn năm 1969 và thời hiện đại, bộ phim là hành trình xuyên không kỳ ảo của Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) – con gái bà chủ nhà may áo dài lừng danh Thanh Nữ. Trong hành trình đó, Như Ý đã đối mặt với muôn vàn thử thách, học cách bỏ đi cái tôi kiêu ngạo và thấm thía giá trị văn hóa-tinh thần của áo dài.
Bộ phim cho người xem một “tấm vé” trở về quá khứ, từ việc đắm chìm vào khung cảnh đường phố Sài Gòn xưa cho đến tận mắt ngắm nhìn quy trình làm ra một chiếc áo dài cần dụng công tới mức nào. Có thể dễ dàng nhận ra đặc trưng diện mạo người phụ nữ thời kỳ đó với một số phụ kiện bắt mắt như chuỗi ngọc trai, lắc tay… và kiểu tóc bới đi kèm.
Tinh thần retro trong Cô Ba Sài Gòn hiện rõ trong nội dung lẫn hình thức. Về tạo hình nhân vật, những kiểu dáng áo dài thời xưa đã có cơ hội tỏa sáng trên màn ảnh, khiến người xem không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp kiều diễm, thanh lịch của chúng. Hay âm thanh, bộ phim chỉ “điểm” một vài giai điệu kinh điển nhưng đủ làm khán giả thổn thức: 60 năm cuộc đời, Mộng chiều xuân v.v.
Tháng năm rực rỡ – Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Tiếp nối “làn sóng” phim chiếu rạp retro, Tháng năm rực rỡ được chuyển thể từ bộ phim Sunny (2011) rất ăn khách của Hàn Quốc. Bản Việt kể câu chuyện xoay quanh một nhóm bạn thân, với mạch thời gian diễn ra song song ở 2 giai đoạn: thời nữ sinh (năm 1970) và thời phụ nữ trung niên (năm 2000).
Nhóm “Ngựa hoang” trong phim gồm 6 cô gái: Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi-Hồng Ánh), Mỹ Dung (Hoàng Oanh-Thanh Hằng), Tuyết Anh (Jun Vũ-Anh Thư), Bảo Châu (Khổng Tú Quỳnh-NSƯT Mỹ Uyên), Thùy Linh (Trịnh Thảo-NSƯT Mỹ Duyên) và Lan Chi (Minh Thảo-Tuyền Mập).
Sau khi hồi tưởng thời thanh xuân tươi đẹp và cuồng nhiệt, các thành viên nhận ra chính mình và những người bạn đã thay đổi đáng kể bởi bao thăng trầm cuộc sống. Có người thậm chí không còn trên đời... Tuy vậy, điều duy nhất không bao giờ thay đổi chính là tình bạn vô giá, được bồi đắp từ những kỷ niệm vui buồn thời nữ sinh.
Ngoài nội dung hay, Tháng năm rực rỡ còn “chiêu đãi” người xem những khung hình rực rỡ, đầy hoài niệm của một Đà Lạt xưa với các biển quảng cáo vẽ tay hay những con dốc “huyền thoại”. Bên cạnh đó, trang phục của dàn diễn viên, từ quần jeans ống loe, áo len sặc sỡ cho đến những đôi tất cao cổ với họa tiết chấm bi nổi bật cũng nêu bật tinh thần retro mà bộ phim hướng đến.
Những thước phim trên có lẽ đã phần nào lý giải xu hướng tìm về những giá trị hoài niệm, trong đó có phong cách retro. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, khán giả còn được khơi gợi những cảm xúc sâu sắc về một thời đã qua. Hơn cả, quá khứ tươi đẹp như là “trạm dừng chân” bình yên những lúc mệt mỏi, trở thành động lực vô hình để kéo ta tiến về phía trước.
>> Xem thêm: Khởi Đăng Tác Khí – Giá trị truyền thống trong những chiếc đèn lồng cổ