share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Environmental Movement Cuộc “cách mạng xanh” của đồng hồ xa xỉ


ADVERTISEMENT

Thị trường đồng hồ xa xỉ trong năm 2024 ước tính đạt 49,8 tỷ USD (theo Deloitte), một minh chứng cho thấy mối quan tâm của người tiêu dùng với những chiếc đồng hồ từ các thương hiệu danh tiếng truyền thống như Cartier, Rolex hay Patek Philippe. 

Khác với trang phục, đồng hồ xa xỉ không chỉ là món đồ thời trang, một phụ kiện nâng tầm đẳng cấp, mà còn có giá trị đầu tư. Một thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây, giá trị của những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng tăng vọt, thậm chí vượt xa các khoản đầu tư truyền thống khác như xe hơi hay bất động sản. Khảo sát năm 2023 của Deloitte chỉ ra số người quan tâm tới đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng tăng tới 39%, và chủ yếu tập trung vào những thương hiệu lâu đời gắn với tính di sản, kỹ thuật chế tác thủ công và danh tiếng thương hiệu. 

Breitling

Bản thân ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ đã chứng minh tính tuần hoàn - một trong những chìa khóa cốt lõi của phát triển bền vững. Nhưng với số lượng đồng hồ được chế tác hàng năm vẫn ở mức cao do nhu cầu và sức mua ngày càng tăng, thực tế này mang đến những nghịch lý mới về tính bền vững cho việc chế tác và tiêu thụ đồng hồ hạng sang. 

Theo Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thuỵ Sĩ, chỉ trong vòng bảy năm từ 2015 đến 2021, ngành công nghiệp đồng hồ của “đế quốc đồng hồ” Thuỵ Sĩ đã xuất khẩu 155,728 triệu đồng hồ đeo tay và 31,236 triệu bộ máy, cơ học và điện tử, đòi hỏi số lượng nguyên liệu thô lớn để sản xuất vỏ, mặt số hay tinh thể sapphire. Bên cạnh đó, những linh kiện tinh vi của đồng hồ cũng phải trải qua các phương pháp xử lý điện hoá gây hại tới môi trường. 

Chopard 

Chính vì những thực tế này, Tổ chức WWF đã công bố báo cáo vào năm 2018 về tính bền vững trong ngành đồng hồ xa xỉ, nhấn mạnh vào nhu cầu quá lớn từ nguyên liệu thô và quá trình khai thác gây hại trực tiếp tới hệ sinh thái. Hàng năm, ngành công nghiệp đồng hồ và trang sức xa xỉ sử dụng hơn 50% sản lượng vàng khai thác hàng năm, hầu hết không rõ nguồn gốc. Đây cũng là một phần lý do WWF đưa ra giải pháp bằng việc khuyến khích các công ty trong lĩnh vực này tăng cường tính minh bạch và tìm kiếm các phương pháp tiếp cận bền vững. 

TAG - Heuer

Khuyến nghị của WWF cộng hưởng với nhận sức ngày càng gia tăng của người mua về tính bền vững đòi hỏi các thương hiệu buộc phải suy nghĩ và tìm ra các giải pháp công nghệ. Giá trị của những chiếc đồng hồ xa xỉ giờ đây không chỉ gói gọn trong tính thủ công hay những vật liệu quý hiếm đắt đỏ, mà còn nằm ở những mục đích và tư duy chế tác của chính các thương hiệu sản xuất ra chúng. Dù đối mặt với những tác động xấu tới môi trường trong nhiều năm, cuộc cách mạng chỉ thực sự lan toả khi sự kiện Watches and Wonders 2022 chính thức công bố chủ đề thảo luận về tính bền vững với ngành chế tác đồng hồ. 

Hàng trăm gương mặt đại diện ngành chế tạo đồng hồ toàn cầu hướng về Thuỵ Sĩ với những câu hỏi để ngỏ về việc làm thế nào để “xanh hóa” ngành công nghiệp đặc thù này. Từ tính minh bạch, phương pháp tuần hoàn, cho đến nguồn cung ứng có trách nhiệm… tất cả các chủ đề này đều trở thành từ khóa cho những giải pháp cụ thể của từng thương hiệu trong hành trình hướng đến sự bền vững. 

Oris

Từ đó, thuật ngữ “Eco-Luxury” trong ngành chế tác đồng hồ chính thức trở thành trọng tâm chiến lược khi thực hành bền vững của những “ông lớn” như Rolex, Chopard, Richard Mille hay Patek Philippe… Những chiếc “đồng hồ sinh thái” đồng loạt ra mắt công chúng, một đại diện mới của sự sang trọng khi kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật chế tác và những giải pháp bền vững chủ yếu từ việc sử dụng (hay sáng tạo) vật liệu thân thiện với môi trường, giảm tải năng lượng trong sản xuất và đảm bảo nguồn cung ứng có trách nhiệm. 

Tuy không thể loại bỏ hoàn toàn nguồn nguyên liệu thô để có thể hoàn thiện một chiếc đồng hồ phức tạp, các thành phần này giờ đây đến từ nhiều nguồn cung cứng vật liệu bền vững theo các tiêu chuẩn khắt khe. Rolex - một trong những thương hiệu tiên phong về cam kết bền vững tuyên bố trên các phương tiện truyền thông của mình về nguồn gốc các kim loại và đá quý được sử dụng đều được khai thác dựa trên sự tôn trọng với môi trường và quyền lợi của người lao động. Patek Philippe cũng nhấn mạnh những nguyên tắc tương tự. 

Rolex

Trong khi Richard Mille đầu tư vào triển khai kỹ thuật để đảm bảo lãng phí vật liệu ở mức tối thiểu, Chopard nổi tiếng bởi hai chỉ dấu xác định tính bền vững của mình là Fairmined và Fairmined Eco Gold, nhấn mạnh vào các hoạt động khai thác quy mô nhỏ, cải thiện điều kiện làm việc của nhân công và áp dụng các quy định nghiêm ngặt khi sử dụng hóa chất trong hoạt động khai thác. 

Nhiều nguồn vật liệu bền vững cũng đang được sử dụng nhằm thay thế cho vật liệu quý hiếm. Đây thậm chí trở thành giải pháp phổ biến góp phần nâng cao sức cạnh tranh giữa các thương hiệu nhằm mang lại những sáng kiến độc đáo nhất, tối ưu nhất trên thị trường. Vật liệu tái chế thường xuyên được giới thiệu trong nhiều bộ sưu tập, điển hình như Millenary của Audemars. Breitling giới thiệu sợi Econyl làm từ nhựa thu gom ở đại dương vào quy trình chế tác, Alpina cũng hợp tác với thương hiệu Gyre Watch để chế tạo vỏ đồng hồ từ nhựa đại dương và sợi thuỷ tinh, trong khi Zenith tập trung vào sáng kiến DEFY Extreme E để sử dụng lốp xe đua tái chế để làm dây đeo cao su. 

Oris

Một trong những chiếc đồng hồ được đánh giá là gần như tái chế hoàn toàn mang tên Panerai Submersible e-LAB-ID, được sản xuất từ 98,6% vật liệu tái chế bao gồm tinh thể sapphire và vật liệu phát sáng. Đây có lẽ đã là “đỉnh cao” của công nghệ chế tác xanh, tuy nhiên, với đòi hỏi về kỹ thuật, những chiếc đồng hồ như vậy vẫn chỉ được sản xuất ở phiên bản giới hạn. 

Áp dụng phiên bản giới hạn cũng là một cách tiếp cận được nhiều thương hiệu nhiệt liệt áp dụng, với Richard Mille là ví dụ điển hình. Bằng các thiết kế những mẫu đồng hồ phiên bản giới hạn như RM 50-03 McLaren F1 hay RM 11-03, Richard Mille nêu bật tầm quan trọng của tính bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời đảm bảo quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ để giảm thiểu chất thải dư thừa và sản xuất quá mức. Oris mới đây cũng vừa giới thiệu mẫu đồng hồ Aquis Date Upcycle, phiên bản đồng hồ lặn hiệu suất cao từ nhựa PET tái chế thông qua việc hợp tác với tổ chức Everwave. Với vật liệu độc đáo này, không có hai mặt đồng hồ nào giống nhau, đồng nghĩa với việc mỗi sản phẩm đều chỉ có một và gần như trở thành tác phẩm nghệ thuật chế tác đồng hồ xa xỉ. 

Richard Mille

Chiến lược phổ biến khác được rất nhiều thương hiệu áp dụng là thúc đẩy các dự án nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Audemars Piguet nổi bật với Quỹ Audemars Piguet nhằm hỗ trợ các dự án tái trồng rừng, giáo dục về đa dạng sinh học và tính bền vững. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hợp tác như Blancpain và Ocean Commitment, Seiko với Save the Ocean, Oris với hơn mười sáng kiến ​​và nhà nghiên cứu, Carl F. Bucherer với Manta Trust, Breguet với Race for Water… cũng chứng tỏ nỗ lực từng ngày của ngành đồng hồ xa xỉ với chặng đua bền vững dài hơi. 

Theo đuổi bền vững trong ngành chế tác đồng hồng hồ xa xỉ đòi hỏi những sáng kiến độc đáo, từ việc tìm ra các nguồn nguyên liệu thay thế cho đến thiết kế tối ưu để có thể biến một chiếc đồng hồ triệu đô trở thành biểu tượng đan xen giữa sự xa xỉ và lập trường “xanh” của người đeo đồng hồ. Những nỗ lực này một phần không nhỏ đến từ chính nhận thức của thế hệ tiêu thụ mới, những người sẽ là lực đẩy để ngành công nghiệp này trở nên thực sự thân thiện với môi trường. 


ADVERTISEMENT