Hospitality Business News Du lịch khám phá phục hồi mạnh ở châu Á và Thái Bình Dương
Hiệp hội Thương mại Du lịch Khám phá (ATTA) mới đây vừa công bố Báo cáo Tổng quan về Ngành du lịch khám phá 2024, với những tín hiệu tích cực về ngành này, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo dựa trên khảo sát thu thập từ cộng đồng của Hiệp hội Du lịch khám phá từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2024, cho thấy xu hướng tăng trưởng rõ rệt ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á so với Nam Á hay Châu Đại Dương với phân khúc du lịch này. Theo đó, các công ty lữ hành có trụ sở tại châu Á đạt trung bình 2.636 khách vào năm 2023, gần bằng mức trước đại dịch là 3.263 vào năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy chuyến đi ở khu vực này cũng đạt 62% vào năm 2023, gần với mức trung bình toàn cầu là 65%.
Báo cáo này cũng nêu bật những xu hướng tăng trưởng đáng kể trong ngành, từ đối tượng khách du lịch cho đến thị trường và điểm đến mới nổi. Nếu như trước đại dịch, những người du lịch một mình thường chiếm đa số, sau đại dịch, có sự chuyển biến lớn trong cơ cấu khách hàng của các công ty lữ hành du lịch khám phá khi các gia đình đi du lịch khám phá cùng nhau tăng từ 17% đến 26% và các cặp đôi tăng từ 20% lên đến 33%.
Về mặt thị trường, hai năm vừa qua chứng kiến Ấn Độ nổi lên như cái tên nổi bật của thị trường du lịch khám phá, đến từ tệp khách hàng lớn của quốc gia này. Nhật Bản cũng vươn lên vị trí thứ tư trong số các thị trường du lịch toàn cầu và đóng góp khoản đáng kể cho nền kinh tế nước này chỉ nhờ vào dịch vụ du lịch khám phá. Các tour du lịch đạp xe và đi bộ đường dài thường rất phổ biến với khách du lịch đến Nhật Bản, đặc biệt có xu hướng nhu cầu đang vượt xa nguồn cung. Indonesia cũng bắt đầu thu hút sự chú ý trở lại trong phân khúc này với việc là điểm đến đi bộ đường dài và leo núi kết hợp cắm trại. Mức tăng trưởng ở Indonesia đã đạt ngưỡng 100%, cho thấy đây sẽ còn là điểm đến hấp dẫn với các du khách du lịch khám phá trong năm 2024 và 2025 tới đây.
Các điểm đến phổ biến ở châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á khi tăng từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 7, trong khi đó, Nam Á và Châu Đại Dương lại giảm mức độ phổ biến. Một trong những lý do nằm ở việc các công ty lữ hành châu Á đang ngày càng tập trung vào yếu tố bền vững và theo đuổi chứng nhận bền vững, so với 51% ở các khu vực khác. Các hoạt động du lịch bền vững như đi bộ đường dài, leo núi, đạp xe, hoạt động khám phá văn hoá vốn đã bắt đầu tăng trưởng từ 2021, những con số thống kê mới đây khẳng định đây tiếp tục sẽ là xu hướng thịnh hành ở thị trường du lịch châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh những xu hướng mới như cắm trại hay leo núi.
Theo Hannah Pearson, giám đốc khu vực APAC tại ATTA: "Trong năm 2025, các hoạt động đi bộ đường dài và văn hóa vẫn nằm trong top 5 hoạt động phiêu lưu phổ biến nhất tại khu vực này.”
>>Xem thêm: Nhịp độ mới của thế giới tác động thế nào đến dịch vụ khách sạn?