Explore Hành trình đến với Sơn Đoòng - Hang động lớn nhất Thế Giới (P.1)
Sau 1 giờ 30 phút xuyên rừng và lội qua vài con suối nhỏ, chúng tôi tới được bản Đoòng. Cả nhóm dù chưa mệt lắm nhưng đã thấy đói, quần áo lấm bẩn và ướt nhẹp, đôi giày nào cũng lấm lem sình bùn, trừ đôi giày của chị Linh vẫn sạch tinh tươm. Mọi người nhanh chóng tháo giày cho khô chân, kiểm tra và "kết liễu" vài con vắt xấu số len lỏi qua giày nhưng chưa kịp hút máu ai cả, rồi ngồi xuống ăn bữa trưa muộn, ngay trong nhà sàn của trưởng bản Đoòng.
Hang Én là đích đến cho ngày đầu tiên của hành trình, ấy thế mà mới có hơn 3 giờ chiều chúng tôi đã được nhìn thấy nó. Cả bọn chưa kịp mừng thì mấy cậu Oxalis bảo, trông vậy thôi nhưng tới được đó phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, vượt qua gần 20 con suối nữa mới đến được cửa hang. Chúng tôi phải vượt qua hết con suối này tới con suối khác, không hề có bóng cây che, nếu phải hôm trời nắng thì ắt là mệt lắm vì nóng ẩm và mất nước. Đi qua vài đoạn suối nhỏ nữa, chúng tôi gặp con suối dữ đầu tiên. Suối không quá rộng, chỉ chừng hơn chục mét, nhưng chảy rất xiết, đục ngầu, nước cao đến ngang ngực.
Chúng tôi phải bỏ lại ba lô, chỉ đi người không, mặc áo phao từ từ lội qua suối, sau đó các bạn Oxalis sẽ quay lại vác hết ba lô qua cho mọi người và đi tiếp. Cứ như vậy chúng tôi vượt qua hết con suối dữ này tới khúc sông sâu khác, gần 20 cái như vậy, tới tận cửa hang Én. Cửa hang Én ngày càng gần hơn, trông ngày càng to hơn, đã thấy rõ vô số chim én màu đen bay lao xao ngoài cửa, vì lúc này mặt trời đang lặn dần, chắc đã tới giờ chúng về tổ.
Sau 2 khúc sông sâu ngay trước cửa hang, cuối cùng chúng tôi cũng tới được đích trước khi trời kịp đổ mưa. Lối vào hang Én không phải là cái cửa hang lớn nhìn thấy từ xa, mà lại là một cửa hang thấp phía bên phải, nơi dòng sông Rào Thương chảy thẳng vào. Lúc này lũ đã rút hẳn, để lại một dòng nước xiết ngay cửa hang, phía dưới bãi đá cuội lớn. Chúng tôi tập trung tại đây, bắt đầu lấy mũ bảo hiểm và gắn đèn soi đường bởi từ đây trở đi hang tối om, phải lần mò theo ánh sáng từ headlamp. Trần hang cao dần, không khí nồng nồng mùi chim và hơi ẩm. Lá cây mục, gió thổi mát rượi, thỉnh thoảng lại có nước trên trần rỏ xuống cổ. Trong lòng hang Én, chúng tôi vẫn phải vượt qua thêm 2 khúc suối sâu, nước xiết nữa, trước khi tới được điểm cắm trại đêm đó.
Sáng hôm sau là hành trình đi xuyên Hang Én để đi qua bản Đoòng, rồi từ đây chúng tôi lại đi dọc sông để đến cửa hang Sơn Đoòng. Sau quãng đu dây dài hơn 80m để tới điểm tập kết trong lòng hang, chúng tôi tiếp tục đi bộ qua một đoạn vừa dốc vừa trơn chừng 300m để tới được khúc sông ngầm đầu tiên.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới! Xung quanh là những khối thạch nhũ khổng lồ dày đặc trên tường và trần hang, tuy nhiên chỉ có thể nhìn được mờ mờ dù đã bật đèn đến mức sáng nhất có thể. Sau mỗi bước chân trong hang tối, chúng tôi dần dần hình dung ra sự vĩ đại của hang động này, nó thậm chí còn vĩ đại hơn nhiều lần so với tưởng tượng của tôi lúc ở nhà! Nơi đây bóng tối đã ngự trị hơn 5 triệu năm rồi, cảm giác choáng ngợp như thể không khí xung quanh đông đặc lại, phải mất một lúc mới làm quen được.
Qua khúc sông ngầm đầu tiên, chúng tôi tiếp tục len lỏi trong bóng tối dày đặc giữa những khối đá lớn mà phần nhiều trong số chúng là những tảng thạch nhũ lớn rơi từ trần hang xuống sau hàng triệu năm kiến tạo địa chất, hay là những tảng đá vôi bị nước xói mòn, gãy vỡ nằm ngổn ngang khắp lòng hang.
Từ khúc sông ngầm này đến chỗ cắm trại còn gần cả 1km nữa, sau này chúng tôi mới biết các bạn porters phải ra tận đây lấy nước vào các thùng và khênh về trại để nấu ăn. 1km này phải đi hơn 1 giờ mới tới nơi, đủ thấy mang được nước về trại gian khổ như thế nào. Đi thêm chừng vài trăm mét nữa, khoảng chúng tôi dừng chân nghỉ trên một khối thạch nhũ lớn dạng vách bồn trũng và nhìn ngắm khối đá Bàn Chân Chó (Hand of Dog) từ xa.
Nghỉ ngơi và chụp ảnh chừng 30 phút xong, chúng tôi tiếp tục nhằm thẳng hướng Bàn Chân Chó và đi tới. Trông gần vậy mà len lỏi gần 1 giờ đồng hồ nữa mới nhìn thấy camp site, trong ánh sáng chan hòa từ hố sụt 1. Mấy anh em đầu bếp với porters đang tấp nập chuẩn bị bữa tối, lều trại đã dựng sẵn sàng chờ chúng tôi đến. Nhìn từ camp site, hố sụt 1 trông cao ngất, chìm trong một quầng mây mỏng nhìn rõ nhiều lớp, ánh chiều tà xuyên qua và bị tán sắc nhẹ, trông rõ màu sắc dù chỉ phơn phớt. Xuyên qua đám mây là những mảng xanh mướt của khối rừng nguyên sinh bên dưới hố sụt. Những người thời tiền sử từng ở trong hang này, giả sử thế, hẳn là phải sợ hãi lắm khi mảng trần hang khổng lồ trên cao tít kia đổ sụp xuống, mở ra một con đường ánh sáng lên tận trời xanh.
(Còn tiếp...)
Tác giả Hoàng Lê Giang:
Được biết tới với vai trò là một phượt thủ nổi tiếng, là người Việt Nam đầu tiên chinh phục được Bắc Cực. Hoàng Lê Giang từng đi qua 30 nước trên thế giới, 7 lần chinh phục dãy Himalaya nằm ở Tây Tạng và từng sống sót sau khi trải qua trận bão tuyết ở Nepal.