Tips & Advice Hôm nay bạn có thấy trống rỗng…
Sẽ có một giai đoạn nào đó, có thể ngắn hoặc dài, bản thân chúng ta luôn cảm thấy trống rỗng, hụt hẫng không rõ lí do, chán nản không muốn làm bất cứ việc gì. Đó thật sự là một trạng thái tiêu cực mà chúng ta không ai mong muốn. Nếu đôi lúc thứ cảm giác lưng chừng này cứ xuất hiện trong bạn, hãy tiếp tục đọc bài viết nhé.
Bỗng nhiên chợt đến, rồi cũng bất chợt rời đi
Không nhất thiết phải có một khoảng thời gian cụ thể nào báo hiệu rằng thứ cảm xúc khó hiểu này sẽ đến. Bạn có thể vẫn đang trong trạng thái bình thường, tận hưởng cuộc sống. Rồi bỗng nhiên một khoảnh khắc nào đó bạn lại thấy trống rỗng, khó chịu, không rõ bản thân đang muốn làm gì, nghĩ gì. Chỉ đơn giản ngồi im một chỗ cùng mớ suy nghĩ không mấy khá khẩm hơn. Cảm giác trống rỗng này giống như một đứa trẻ ba tuổi, nửa thích món đồ chơi này, nửa muốn sở hữu món đồ chơi kia, cái gì cũng muốn, nhưng có rồi lại chẳng thấy vui. Nhiều khi còn tự trách mình sao bản thân nó ngồ ngộ nhiều thứ, như một câu hỏi tu từ không có câu trả lời. Muốn dứt khỏi nó cũng không biết làm sao...rồi cũng rất bất chợt, thứ cảm xúc này lại biến mất lúc nào bản thân chúng ta cũng không hay biết.
Sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa bỗng nhiên trống rỗng…
Thế nhưng, nếu bản thân bạn vẫn đang vướng vào một mớ bòng bong của sự trống rỗng thì phải làm sao. Dẫu biết rằng thứ cảm xúc này có thể chợt đến rồi chợt đi, nhưng lại chẳng ai đảm bảo rằng khi nào nó sẽ biến mất. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là để bản thân kiểm soát được cảm xúc của chính mình, hãy để đầu óc tỉnh táo, suy xét và phân tích vì sao cảm xúc tiêu cực này lại đến. Có thể cơ thể bạn đang thực sự cần được nghỉ ngơi sau một thời gian dài nỗ lực làm việc, hay bạn có thể đang không thực sự tận hưởng cuộc sống mà bạn đang duy trì,....hãy cố tìm ra nguyên nhân, để rồi từ đó chúng ta mới có thể đưa ra được những giải pháp tốt nhất.
“Khó ở” là tâm trạng không của riêng ai.
Hãy lắng nghe tiếng nói của bản thân
Thứ cảm xúc mông lung này có thể là một dấu hiệu để bạn biết cơ thể chúng ta đang thực sự cần một điều gì đó. Thực tế chúng ta không thể hiểu hết bản thân, hiểu con tim mình muốn gì. Vì vậy, nếu cơ thể bạn đang muốn nghỉ ngơi, hãy nghỉ ngơi, nếu lý trí bạn bộc lộ ra cảm xúc hay thái độ không thích làm một việc gì đó, hãy hiểu và tập trung vào những điều mình muốn làm. Đáp ứng nhu cầu của bản thân một cách hợp lí là cách mà chúng ta yêu thương chính mình. Đừng cố gượng ép vào những điều không thực sự phù hợp, cứng nhắc, chúng chỉ tạo thêm nhiều cảm giác căng thẳng, mệt mỏi và áp lực hơn mà thôi.
Hãy lắng nghe tiếng lòng mình, đừng quá cứng nhắc với bản thân.
Đừng cố gắng loại bỏ, hãy thư giãn
Nghe có vẻ mâu thuẫn song khi bạn cố loại bỏ chúng ra khỏi đầu, chúng sẽ không thực sự biến mất mà vẫn quanh quẩn trong tâm trí của bạn, điều này cũng giống với việc bạn cố loại bỏ cơn lười bằng cách giải quyết dồn dập nhiều công việc, cho bản thân thật nhiều áp lực nhưng lại không thể tận hưởng những việc bản thân đang làm, và vẫn tiếp tục...lười. Đừng kiên quyết phủ nhận cảm xúc tiêu cực này, thay vào đó hãy thư giãn, cho bản thân một cơ hội để nghỉ ngơi. Hãy sắp xếp lại danh sách các công việc cần làm, hãy nghe một nhạc thật chill, những video clip giúp khơi gợi nguồn cảm hứng cũng như tô điểm đa dạng một số màu sắc tươi trẻ vào cuộc sống bằng những hoạt động mới mẻ để bạn có thể gợi lại những cảm xúc tích cực hơn, vui vẻ, năng động hơn, có như vậy, cảm xúc trống rỗng, chênh vênh sẽ dần dần tự biến mất khỏi tâm trí bạn.
Càng suy nghĩ nhiều...lại càng trống rỗng nhiều, vì vậy hãy thư giãn.
Cảm xúc trống rỗng là một thứ cảm xúc rất khó lí giải mà ai trong chúng ta cũng đều phải trải qua. Tuy biết đây chỉ là cảm xúc thoáng qua, chợt đến rồi cũng chợt đi, nhưng chúng ta vẫn cần phải xem xét, nhìn nhận lại để biết được cảm xúc này là gì, vì mỗi cảm xúc khác nhau sẽ cho ta những dấu hiệu khác nhau. Và trống rỗng là thứ cảm xúc mà bản thân phát tín hiệu nhằm để chúng ta chậm lại và cho mình cơ hội để thư giãn, tìm lại nguồn cảm hứng mới sau một thời gian làm việc hết năng suất. Vì vậy hãy lắng nghe tiếng lòng mình, đáp ứng những điều mà bản thân mong muốn, có như thế, thứ cảm xúc lưng chừng này mới có thể hạn chế tiếp diễn xảy ra trong tâm trí của chúng ta.