W Coffee Talk Kiến trúc xanh & bền vững: Câu chuyện từ kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn
Sinh ra và lớn lên tại Khánh Hòa, kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn có gần 15 năm gắn bó và sáng tạo không ngừng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Anh và các cộng sự tại Pham Huu Son Architects theo đuổi phong cách tối giản, hiện đại và đặc biệt là kiến trúc xanh, bền vững.
Các công trình của Pham Huu Son Architects thời gian gần đây đã nhận được sự quan tâm lớn từ truyền thông cũng như đánh giá cao từ các tạp chí thiết kế trên thế giới. Không ít trong số đó đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế danh tiếng, được tôn vinh tại các cuộc thi về thiết kế và kiến trúc quy mô toàn cầu như Architecture MasterPrize, LIV Hospitality Design Awards, Loop Design Awards, giải thưởng 4 Future Awards Canada hay Giải thưởng cộng đồng kiến trúc Thế giới World Architecture Community Awards.
"Kiến trúc xanh đâu chỉ là trồng cây trong nhà"
Đối với kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn, việc trồng cây trong nhà chỉ là một phần nhỏ của quá trình khởi tạo kiến trúc xanh và bền vững. Các phương án tích hợp không gian mở, sân vườn và hệ cảnh quan để cải thiện chất lượng môi trường sống cho người thụ hưởng luôn được kiến trúc sư cân nhắc kỹ lưỡng.
Office for Trees - bước tiến về tạo lập môi trường làm việc bền vững
Để đánh giá một công trình kiến trúc xanh, anh cho rằng kiến trúc sư cần xem xét tổng thể các phương diện từ năng lượng, vật liệu cho đến không gian xanh. Việc tích hợp những yếu tố này sẽ đóng góp vào một môi trường sống bền vững và thân thiện.
Với tâm thế đó, anh cùng các cộng sự tại Pham Huu Son Architects luôn không ngừng tìm kiếm cách tích hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng như tối ưu hệ thống cách nhiệt, ứng dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương cũng được ưu tiên nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của quá trình vận chuyển và khí nhà kính.
Dấu ấn trên hành trình khẳng định phong cách riêng
Một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo xanh trong công trình của kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn và các cộng sự là SkyGarden House - Ngôi nhà phố vừa hoàn thiện tại thành phố Nha Trang. Công trình sở hữu lối kiến trúc xanh ấn tượng với khả năng “tự nhiên hóa không gian sống” độc đáo, thu hút sự quan tâm lớn từ truyền thông trong nước và quốc tế.
Nhiều giải pháp kiến trúc xanh được áp dụng trong thiết kế Bi House Nha Trang.
Trong khi đó, Office for Trees đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc xanh mát và bền vững. Bằng việc sử dụng gạch không nung, thiết kế mái cây xanh, điện năng lượng mặt trời và hệ thống thu gom nước mưa tích hợp thông minh, đội ngũ Pham Huu Son Architects không chỉ tạo ra một không gian làm việc thoải mái mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên.
Một công trình khác của KTS Phạm Hữu Sơn là Bi House Nha Trang cũng đã xuất sắc giành chiến thắng hạng mục Architectural Design Eco Friendly tại giải thưởng LIV Hospitality Design Awards 2022. Tại giải thưởng quốc tế LOOP Design Awards 2022, công trình cũng đã giành vị trí cao nhất tại Hạng mục dành cho công trình kiến trúc xanh và bền vững - Architecture | Sustainable & Green.
Với dự án có hướng chính Tây “không mấy thuận lợi’’ này, kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn vẫn nhận thấy tiềm năng sáng tạo trong việc tận dụng vị trí của hồ bơi để làm mát không gian và tối ưu nguồn ánh sáng tự nhiên. Cây xanh được sử dụng để che nắng và chống gió bụi, hài hòa với thiết kế chủ đạo về đối lưu không khí tự nhiên trong nhà. “Nhờ những biện pháp này, chúng tôi không chỉ xây dựng một ngôi nhà thân thiện với môi trường mà còn giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng vận hành”, kiến trúc sư chia sẻ với WOWWEEKEND.
Từ thách thức của thiên nhiên...
Khả năng thích ứng với điều kiện địa lý, khí hậu và nguồn tài nguyên ở địa phương, vùng miền nơi thực hiện công trình cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với người làm kiến trúc xanh khi phải linh hoạt đáp ứng những yêu cầu cụ thể.
Gạch không nung sản xuất tại địa phương được sử dụng để hoàn thiện iSea Boutique Resort.
Tiêu biểu như dự án Bồ Câu House nép mình trên triền núi giữa rừng thông ở Đà Lạt. Ngoài việc đáp ứng yếu tố thời tiết đặc trưng của xứ sở mù sương, đội ngũ Pham Huu Son Architects cũng chú trọng các phương pháp xây dựng an toàn, tránh ảnh hưởng đến rừng thông xung quanh khuôn viên.
Kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn chia sẻ, để phát triển thành công các dự án ở vùng biển, người làm kiến trúc phải tính toán áp dụng các giải pháp tái sử dụng nước mưa và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió, năng lượng mặt trời. Trong khi đó, các dự án ở trung tâm đô thị như Nha Trang hay TP. HCM lại đòi hỏi áp dụng giải pháp giảm ô nhiễm không khí và tăng cường không gian xanh.
Giàn lam cỡ lớn & mái kính mang ánh sáng tự nhiên vào công trình SkyGarden House
Một biến số khác cũng ảnh hưởng đáng kể đến kiến trúc xanh là biến đổi khí hậu. Những thay đổi bất thường của thời tiết và môi trường đòi hỏi sự điều chỉnh hoặc thậm chí thay đổi trong thiết kế xanh để đảm bảo tính bền vững. Thách thức là vậy nhưng theo Phạm Hữu Sơn “điều đó cũng mở ra cơ hội sáng tạo cho các kiến trúc sư trong việc ứng dụng công nghệ mới để thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ cho công trình xanh duy trì được thẩm mỹ và bền vững theo thời gian”.
"Với nhiều rào cản cả chủ quan lẫn khách quan, Pham Huu Son Architects hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ vẫn chưa được như mong muốn trong việc áp dụng các giải pháp xanh vào các công trình." - Kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn
...đến bài toán văn hóa Á Đông
Ngoài yếu tố tự nhiên, những yêu cầu đặc biệt từ phía gia chủ cũng làm quá trình hiện thực hóa kiến trúc xanh trở nên phức tạp hơn. Phong thủy, ngũ hành và nhiều yếu tố văn hóa Á Đông đóng một vai trò quan trọng trong yêu cầu thiết kế của nhiều chủ nhà Việt. Phong thủy không chỉ là một phần của văn hóa mà còn là yếu tố quyết định sự hài hòa và cân bằng trong không gian sống. Ngoài ra nhiều công trình khi áp dụng kiến trúc xanh cũng gặp phải khó khăn về khoảng cách giữa quan điểm văn hóa truyền thống và xu hướng hiện đại.
Kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn (bên trái) và thiết kế hồ bơi trung tâm làm mát các không gian trong kiến trúc của biệt thự Santo by the Sea.
Đối với kiến trúc sư, ngoài những yếu tố phong thuỷ cơ bản, việc hiểu rõ sự quan tâm của gia chủ để tích hợp vào quá trình thiết kế giúp giải quyết hiệu quả các thách thức trong việc tạo ra những không gian sống xanh mà vẫn đáp ứng nhu cầu khắt khe. “Tôi luôn đặt mình vào vị trí của gia chủ để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Điều này đòi hỏi sự tận tâm, kỹ năng giao tiếp và khả năng truyền đạt ý tưởng,” anh chia sẻ.
>>Xem thêm: MIA Design Studio và sứ mệnh kết nối con người với thiên nhiên