Music "Mayhem" - Khi Lady Gaga quay trở lại với những bản sắc âm nhạc của mình
Khi Lady Gaga nhảy trong chiếc hộp cùng dàn vũ công, với âm thanh tổng hợp sôi động, và chiếc váy đỏ cùng kiểu trang điểm đậm… trong video “Abracadabra”, những người yêu âm nhạc của cô đồng loạt thốt lên: Sao giống Lady Gaga quá? Nhưng Lady Gaga mà họ nói đến là sự sáng tạo mang màu sắc đen tối, vượt qua khỏi những quy chuẩn thông thường, thậm chí cả quy chuẩn cho sự nổi loạn. Đó là hình ảnh đã gắn chặt với hình bóng Gaga trong suốt nhiều năm khởi đầu sự nghiệp của cô, với “Bad Romance”, “Poker Face”, “Telephone”,vv. Đó cũng là cách Gaga ghi đậm một dấu ấn về hình ảnh và thẩm mỹ hiếm nghệ sĩ cùng thời nào có thể vượt qua, và mang về cho cô không biết bao giải Grammy cùng hàng loạt tin tức chấn động mỗi lần cô xuất hiện.
Không rõ cột mốc hay sản phẩm nào đã chính thức chia sự nghiệp của Lady Gaga thành hai giai đoạn. Một là cô ca sĩ theo chủ nghĩa tối đa, người luôn ở trong chiếc hộp đóng khung của sự nổi loạn do chính cô tạo ra với trang phục, kiểu tóc hay âm nhạc. Một là một nữ ca sĩ Pop trữ tình sâu lắng và tuyệt vọng với tình yêu kiêm nữ diễn viên tài năng đang lên của Hollywood với hàng loạt các tác phẩm phim ra đời liên tiếp như A Star Was Born, House of Gucci hay Joker: Folie à Deux.
Nhưng với "Mayhem", album phòng thu thứ bảy vừa ra mắt của cô, chẳng có hai phiên bản nào nữa. Chỉ có một Gaga, trọn vẹn với cả sự kì quái và thâm trầm, với tình yêu và thù hận, với âm và dương. Khi đĩa đơn “Abracadabra” ra mắt, người hâm mộ bị đánh lạc hướng. Họ hào hứng bởi Lady Gaga đã quay trở về với nhạc pop dance, kiểu âm thanh sôi nổi pha chút sắc màu gothic mà chỉ có Lady Gaga mới có thể tạo ra. Chỉ tin đó thôi đã đủ vui. "Mayhem" khiến họ sốc, theo cách tuyệt vời nhất có thể. Album này không phải một tái hiện cơ bản về Gaga và âm nhạc của cô, trái lại, nó là vũ trụ Gaga nơi cô phô diễn tất cả những gì thuộc về mình, từ câu chuyện, cảm xúc cho đến chất nhạc. Lý giải về việc sản xuất một album đa dạng nhất về thể loại từ trước đến nay, Gaga nói: “Nếu tôi chỉ đơn giản quyết định sẽ thực hiện một album chỉ có dòng nhạc electro-grunge”, nó sẽ vừa nhàm chán, vừa không phải mục tiêu "Mayhem" hướng tới.”
Mục tiêu đó là gì? Sự chia rẽ có chủ đích giữa cá tính và cuộc đời của Lady Gaga và người nghệ sĩ sinh ra với cái tên Stefani Germanotta? Sự phân tách và lý giải những bản sắc xung đột của hào quang danh vọng với một con người bình thường với những xúc cảm hỉ nộ ái ố bình thường? So với xu hướng phản kháng trong album “Born This Way” hay chữa lành trong album “Chromatica”, Lady Gaga đoạn tuyệt những bộ trang phục và bầu không khí chung để trở lại với phong cách tinh khiết nhất, bản sắc nhất trong album “Mayhem”.
Được thu âm trong năm 2023 và 2024 tại Malibu, California, tại Shangri-La Studios huyền thoại của Rick Rubin, nơi cô cũng đã thực hiện “Joanne” năm 2016 và một số phần của album “Artpop” vào năm 2013. Với “Mayhem”, Lady Gaga làm việc cùng nhà sản xuất điều hành Andrew Watt, nhà sản xuất nhạc điện tử người Pháp Gesaffelstein, ca sĩ người Canada Cirkut và chính vị hôn phu của cô - Michael Polansky với vai trò nhà sản xuất điều hành và đồng sáng tác. Sự xuất hiện của Michael Polansky phản ánh rất nhiều cảm xúc của Lady Gaga về chính mình và cách cô tiếp cận nghệ thuật. Chính Michael Polansky cũng là người đã truyền cảm hứng cho cô quay trở lại với chất nhạc của mình sau album “Harlequin” ra mắt cùng bộ phim Joker 2.
Xuyên suốt “Mayhem”, người nghe sẽ không tìm thấy một thể loại nhạc độc tôn. Các ca khúc biến chuyển từ techno u ám, funk công nghiệp sang disco, grunge rock, pop rồi đến ballad. Có những nét chấm phá của Prince trong tiếng guitar xuyên suốt các bài hát như "Killah" và "LoveDrug", có những âm thanh sôi động của disco thập niên 1980 của ABBA trong "Vanish Into You" hay "Don't Call Tonight"... Cảm hứng của Gaga chủ yếu đến từ sự công nghiệp trong âm thanh, đặc biệt, khoảnh khắc chuyển tiếp trong album từ sôi động đến lắng đọng hơn được cô mô tả bắt nguồn từ âm nhạc của thập niên 1990. “Kỷ nguyên đó trong âm nhạc là phản ứng với âm nhạc trước đó. Và sau đó là nhạc rock của David Bowie, Prince, Radiohead. Tôi được truyền cảm hứng từ rất nhiều âm nhạc,” cô chia sẻ. Ca khúc rock “LoveDrug” có lẽ chính là ca khúc chuyển tiếp giữa hình ảnh u ám bức bối của phần đầu album với những giai điệu nhẹ nhàng hơn ở phần sau.
Dù khác biệt về chất liệu, nhưng chủ ý sắp xếp mạch album là cách Gaga kể câu chuyện của chính mình: từ những hào quang danh vọng của việc nổi tiếng, nỗi đau khổ và khao khát được giải phóng, sự tức giận với chủ nghĩa sùng bái cá nhân trong “ca khúc đầy những âm thanh synth chói tai “Disease”, lên án sự bất công với nữ giới trong ca khúc electropop “Shadow of a Man” cho đến việc tìm kiếm và đạt được hạnh phúc trong tình yêu trong những bản tình ca như “Blade of Grass", “Die with a Smile” (song ca cùng Bruno Mars) hay “The Beast”. Hầu hết các ca khúc đều được xây dựng thông qua phần mở đầu, điệp khúc trước, cú chặn lại để tạo hiệu ứng trước khi đến phần điệp khúc. Đặc điểm âm thanh này đã được thể hiện qua album “Born This Way”, và vẫn hiệu quả với Mayhem.
Sau gần hai thập kỷ ra mắt “The Fame”, “Mayhem” đã chứng minh phong độ và đẳng cấp mãi mãi của nữ nghệ sĩ tài năng này. Ngoài khả năng khôi phục và làm mới những âm thanh đặc trưng của mình, album này vượt khỏi giới hạn âm nhạc để trở thành một thái độ: không chối bỏ quá khứ, tự tin đối diện với chính mình, và sự thành thật hiếm có với âm nhạc. “Mayhem” chứng minh sau gần 20 năm làm nghề, Lady Gaga có thể làm được những gì với âm nhạc của mình. Từ việc hiểu điều gì hiệu quả nhất, mài dũa kỹ năng pop độc đáo, và học hỏi theo cách đầy sáng tạo những nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của cô.
>>Xem thêm: Thông báo concert 2025 của Lady Gaga tại Singapore khiến lượt tìm kiếm khách sạn tăng 300%