Explore Một ngày ngao du đảo Phú Quý ở Bình Thuận
Đến Bình Thuận vào dịp cuối đông đầu xuân, lắm khi ta sẽ cảm nhận được cái nắng bỏng rát da thịt, ấy vậy mà ai nấy cũng mê đắm xứ sở này đến lạ lùng. Bình Thuận vừa mênh mang trong đại dương xanh biếc, vừa giàu đẹp vì nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng rừng thanh long bốn mùa tốt tươi. Nơi đây càng trở nên đặc biệt hơn khi có vẻ đẹp tưởng chừng không thực của đảo Phú Quý.
Đảo Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120 km và diện tích áng chừng chỉ hơn 16 km2. Đảo Phú Quý còn được lưu danh trong sử sách với những tên gọi như Cổ Long, Cù Lao Khoai Xứ hay Cù Lao Thu. Cho đến nay, nơi đây vẫn chưa trải qua quá trình bê tông hóa nhiều lần nên vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, thuần nguyên; lại càng lôi cuốn hơn với hệ thống sinh thái biển đa dạng. Không những sở hữu những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, đảo Phú Quý còn là nơi lưu giữ trầm tích văn hóa từ ngàn xưa.
Bức tranh đan dệt từ thiên nhiên
Một khi đã dừng chân tại đảo Phú Quý, người ta kỳ thực phải khám phá cho bằng được đảo Hòn Tranh. Cách đảo Phú Quý 800 m về phía Đông Nam, Hòn Tranh là đảo có diện tích lớn nhất trong số các hòn đảo xung quanh đảo Phú Quý. Như một viên ngọc không chút tì vết, Hòn Tranh khiến lữ khách bâng khuâng bởi vẻ đẹp huyền diệu của nó. Tại nơi đây, ta có thể tung tẩy trong làn nước xanh biếc đủ sức soi thấu tận đáy hay nằm soài người trên bờ cát trắng phau đậm nét hoang sơ và ngắm nhìn vạt nắng vàng ruộm đổ màu lên biển.
Bao bọc Hòn Tranh là dãy núi đá đứng sừng sững như những binh lính kiêu hùng đang trấn giữ đất trời bao la, vì thế nơi đây quanh năm đều yên ả. Ta chỉ có thể lắng nghe thanh âm rì rào của sóng biển, tiếng xào xạc của rừng phong ba, rừng dương và hàng cây dứa dại. Thiên nhiên đẹp mỡ màng, vẫn dày dạn dù tồn tại trong gió sương. Đến Hòn Tranh, ta còn có dịp chiêm ngưỡng nhiều loài cá biển xen lẫn với tảo biển và những rạn san hô đa sắc, càng không thể bỏ qua Hang Cò Nước, Hang Cò Khô đầy huyền bí với dải màu chàm hòa cùng nâu đỏ. Đặc biệt, Hòn Tranh còn dẫn dụ du khách bằng những giai thoại kỳ thú.
Cách trung tâm huyện đảo Phú Quý khoảng 10 cây số là Bãi Nhỏ - Gành Hang, nơi được ví là "nàng công chúa ngủ quên". Gành Hang sinh thành từ những vách đá uy nghi, đêm ngày có sóng biển đập vào tung bọt trắng xóa. Bãi Nhỏ gây lãng đãng nhớ thương vì bãi cát hình lưỡi liềm với những mỏm đá đen nhiều hình thù nhô ra biển, tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Nơi đây lắm lúc như một cô gái Di gan mang nét đẹp khỏe khoắn, man dại nhưng cũng rất đỗi tình tứ, quyến rũ. Sáng, mặt biển nhờ có những tia nắng mà lấp lánh ánh bạc. Về chiều, nơi đây phảng phất trầm buồn vì hoàng hôn nhuộm tím không gian.
Ở khu vực Gành Hang còn có hồ Vô Cực, một đia điểm được xây tạo từ bàn tay của thiên nhiên. Hồ Vô Cực có hình dáng như một bể bơi nằm trong những căn biệt thự hạng sang ở trời Âu. Những cơn sóng biển chính là chất xúc tác làm cho những phiến đá nhỏ nối kết với nhau, trở thành vách ngăn vây bọc lấy hồ. Nhìn ngắm làn nước xanh trong hòa cùng rặng san hô, ta cảm giác chốn tiên cảnh chẳng còn xa xôi. Lại không thể không gợi nhắc đến hồ cá bỏ hoang tại đảo Phú Quý. Được biết đến với tên gọi "ao cá làng Dương", dây từng là nơi ngư dân nuôi cá mực để kiếm kế sinh nhai, về sau khi không còn được sử dụng đã trở thành địa điểm du lịch cực kỳ hút khách. Ao cá làng Dương được tô vẽ bằng màu xanh thẫm của rêu phong, màu xám tro của tường gạch và màu xanh ngọc của nước biển. Tất cả đã họa nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.
Thăm thú đảo Phú Quý, sao có thể bỏ quên ngọn núi Cao Cát tọa lạc ở phía Bắc đảo. Không chỉ gây ấn tượng vì là ngọn núi cao nhất trên đảo, núi Cao Cát còn có những vách đá sở hữu hình thù đặc biệt bởi bị phong hóa theo thời gian, hằn khắc trên đó là những đường vân độc đáo, tạo thành cảnh tượng vô cùng hùng vĩ. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy cảng tàu cá sầm uất, vịnh Triều Dương mênh mông sóng vỗ, những ghềnh đá đen trầm mặc tại mộ Thầy Sài Nại và bờ kè bảy sắc ảo diệu như cổ tích nằm trên đảo.
Hòn đảo kết tinh nhiều giá trị văn hóa
Dòng chảy văn hóa của đảo Phú Quý không ngừng tuôn chảy vì được bồi tụ bởi cộng đồng người Chăm, người Hoa cũng như cộng đồng người Việt nơi đây. Trải qua bao cuộc dâu bể, tầng tầng lớp lớp những thế hệ đã dày công xây đắp nên hệ thống di sản văn hóa cực kỳ phong phú. Miếu Trấn Bắc, đền thờ công chúa Bàn Tranh hay vạn An Thạnh là một trong số đó.
Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân trên đảo nhờ vậy còn được thể hiện qua những lễ hội đặc sắc như lễ hội Cầu Ngư, lễ hội rước sắc Đền thờ Công chúa Bàn Tranh và Dinh Thầy Sài Nại. Người dân hằng năm nô nức tổ chức cũng đều vì muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, bội thu nhiều cá tôm.
Thiên đường hải sản ngút ngàn
Đảo Phú Quý có ngư trường rộng lớn nên hẳn nhiên nguồn hải sản nơi đây cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Bất cứ du khách nào đặt chân đến cũng khoan khoái khi được thưởng thức vị thơm ngọt, béo ngậy, lại còn giàu chất dinh dưỡng có trong thớ thịt săn chắc của cua huỳnh đế, cua mặt trăng. Để nếm cho trọn phong vị biển cả, càng không thể bỏ qua mực cơm, cá mú đỏ hay tôm hùm Phú Quý. Đêm về, thưởng thức nhum nướng mỡ hành, nhấm nháp thêm chút muối tiêu chanh và cảm nhận hương thơm chòng chành qua khe mũi là ta đã có một ngày thỏa thuê.
Người dân trên đảo Phú Quý lại nồng hậu, nghĩa tình, lúc nào cũng đon đả thiết đãi khách du lịch. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ khiến trái tim lữ khách chếnh choáng trong men tình của biển cả. Để rồi khi rời đi, người ta lại bịn rịn chẳng muốn xa rời.
Hy vọng rằng với những thông tin trên, bạn sẽ có được cảm hứng để khám phá địa điểm hoang sơ mới nổi này tại Bình Thuận. Để "bỏ túi" thêm kinh nghiệm du lịch tại nơi này, mời quý độc giả đọc qua bài viết Đảo Phú Quý ngày rực nắng của tác giả Jet Phạm trong ấn phẩm Vol. 6 - Up Mood của WOWWEEKEND.