Explore Có một nhịp sống thầm lặng bên trong Đường Lâm
Cách Thủ đô Hà Nội chừng 50 km về hướng Tây, có một ngôi làng cổ của người Việt - Đường Lâm. Bên trong dáng vẻ cổ kính, trầm mặc là một nhịp sống thầm lặng của những con người làng quê chân chất. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống, kết tinh của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng từ hàng ngàn năm trước, tận hưởng bức tranh cuộc sống yên bình qua những cảnh vật hiếm có ở mảnh đất Hà thành.
Dấu ấn văn hóa Việt cổ
(Ảnh: Nina May)
Dọc Quốc lộ 32 về Sơn Tây, ẩn mình trong làn sương sớm là hình hài của một ngôi làng cổ Đường Lâm với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình... cùng những ngôi nhà chủ yếu xây bằng đá ong, bên ngoài cổ kính rêu phong như đang bao bọc lấy "viên ngọc" vô giá, nằm san sát theo con đường làng quanh co, uốn lượn. Bước vào không gian trong nhà là một cảm giác bình lặng, tĩnh mịch, những khoảng sân rợp bóng cây xanh. Phía xa là núi Ba Vì và những cánh đồng trải dài tít tắp tới tận chân trời.
(Ảnh: Trung Tran)
Được mệnh danh là "vùng đất hai vua" - nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và vua Ngô Quyền, Đường Lâm cổ trấn được ví như "bảo tàng sống" lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa có niên đại hàng nghìn năm: Từ Đình Phùng Hưng, Đền Ngô Quyền tới đền thờ bà chúa Mía…
Đường Lâm hiện có 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụng Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Với khoảng 956 ngôi nhà cổ, đây là ngôi làng hiếm hoi của cả nước còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ, cũng là ngôi làng đầu tiên vinh dự nhận được danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Về Đường Lâm, tự thấy tâm hồn yên bình đến lạ
(Ảnh: Trung Tran)
Vào những chiều cuối tuần, gác lại mọi âu lo, sống chậm tại Đường Lâm cổ trấn, ta như đang tìm lại chính mình giữa dòng đời hối hả. Bước qua cổng làng Mông Phụ - cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ, làng cổ Đường Lâm hiện lên giữa thời kỳ hiện đại hóa của đất nước như một cổ trấn đầy hoài niệm và yên bình.
Tách biệt hoàn toàn với thủ đô Hà Nội xa hoa, nhộn nhịp, Đường Lâm gợi lên trong ký ức của nhiều người như một cổ trấn bị lãng quên. Thế nhưng, sâu bên trong, vẫn có một nhịp sống thầm lặng suốt bao năm qua, không ồn ào, không bon chen, con người nơi đây cần cù lao động và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng.
(Ảnh: Trung Tran)
Người Đường Lâm sống chủ yếu bằng nghề nông. Tháng 5, 6 hàng năm, khi những cánh đồng lúa vào độ chín rộ, Đường Lâm vào ngày mùa cũng là lúc du khách kéo về đây đông nhất. Những đồng lúa vàng, những ngọn khói ban chiều lan toả… Mùa gặt đã đến. Mùa no ấm đã đến! Khói đốt đồng bay nhè nhẹ, lâng lâng, thấm đượm mùi miền quê dân dã. Trong khói bay có mùi rơm chín, mùi cỏ dại, mùi của đất phù sa đọng lại trong gió chiều. Mùi khói của mùa gặt hái khó quên. Khói toả từ cánh đồng, bay qua hàng cây duối nghìn năm tuổi, qua bờ kênh nước xanh như ngọc... Những con đường ở Đường Lâm trải đầy thóc và rơm khô tạo nên một khung cảnh làng quê ấm no, yên bình, hiếm nơi nào có được.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi họ còn có các nghề phụ truyền thống như làm tương, đậu phụ, hay làm kẹo bột, chè lam, bánh tẻ… Trong không gian mộc mạc, bình lặng của những ngôi nhà cổ, cùng thưởng thức những bữa cơm quê hay nhâm nhi một tách chè nóng, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên cho những ai có dịp đến đây. Khi mặt trời ngả bóng, những làn khói lan ra từ chái bếp, quyện trong mùi khói bếp là mùi muối đậu rang, mùi khoai mì nướng, toàn là hương vị của những thức quà quê khiến ai đi xa đều phải chạnh lòng.
(Ảnh: Nina May)
(Ảnh: Trung Tran)
Giữa cái nhịp sống thầm lặng ấy, vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, làng Đường Lâm bỗng chốc hóa náo nhiệt, người người háo hức để hòa mình trong không khí vui tươi của mùa lễ hội. Trong đó, lễ hội truyền thống làng Mông Phụ diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 10, được xem là lễ linh thiêng nhất của năm. 6 ngày sau, lễ hội của thôn Đông Sàng được tổ chức, cầu cho Quốc thái dân an, mùa màng bội thu với nhiều hoạt động hấp dẫn như múa lân, lễ rước nước, tế lễ…
Thật lạ, khi đời sống đã đầy đủ những tiện nghi hiện đại thì con người ta lại mong được một lần ngửi mùi khói bếp quê nhà. Thèm được trở về với mái bếp đong đầy những thức quà quê, để mặt được lấm lem như những ngày thơ bé, để lặng nhìn làn khói lam chiều nhè nhẹ.
(Ảnh: Nina May)
Một mùa xuân nữa đã tới, hương xuân đang dần tràn ngập trên vẻ yên tĩnh trầm mặc của những ngôi nhà, chùa cổ... Đường Lâm lại bắt đầu khoác lên mình một chiếc áo sắc xuân mới. Giữa cuộc sống xô bồ tấp nập, vẫn có những nơi như Đường Lâm để ta tìm về, để tìm hiểu những giá trị xưa cũ, truyền thống bao đời nay, như một cách để mỗi người con đất Việt cùng Đường Lâm lưu giữ cái hồn của những ngôi làng Việt cổ.