share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Mường Lát, không biết là điểm đến hay nơi để trở về


ADVERTISEMENT

Năm năm trở đi trở lại Mường Lát, số lần đi chắc đếm ngón tay, đếm cả đốt tay cũng không đủ vậy mà chẳng cứ phải vào mùa, cứ kêu “Kim Anh ơi, em thấy nhớ tụi trẻ, nhớ Mường Lát quá” là lại sẵn lòng dành cho nhau cái hẹn, kể cả cắt phép đi ngày trong tuần.

Tụi nhỏ cứ hồn nhiên như cỏ cây vậy

Nhớ chuyến đầu tiên tìm tới bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa đi đúng nguyên một ngày đường, 280 cây số hết hơn 12 giờ đồng hồ. Đường cứ đoạn lộc cộc đá hộc, đoạn lại đất đỏ rẻo như cháo, đi bộ không nhấc nổi chân, trèo lên xe thì xe cứ quay tròn. Ra khỏi nhà lúc 5h sáng và 6h30 tối đặt chân tới nơi, từ đầu tới chân lấm lem như một con trâu đầm. Thế mà sáng hôm sau vẫn hăm hở đi tiếp 8km lên suối Tung, bản cao nhất của Trung Lý để biết đến con đường mòn quấn quanh núi rộng quãng 1,2 – 1,5m và xe máy chỉ đi được ngày nắng, đất khô. Con đường nguyên sơ nhất lúc đó được biết, trên đầu vẫn còn những cổng tre trúc tự đan vào nhau thành vòm vừa tầm người đi.

Thân trúc ngả rạp thành cổng vòm vừa lối người đi

Những bạn nhỏ người Mông trên suối Tung tới lớp 3 mới hiểu tiếng Việt, trong bản chỉ có đàn ông và tụi nhỏ được đi học mới giao tiếp được còn các chị độ 30 tuổi trở ra thì tiếng Việt không hiểu gì rồi. Nơi đây, không điện, không đường, không trạm, duy chỉ có điểm trường cấp I, các thầy phải ở lại tại nơi đây để huy động tụi nhỏ tới trường mỗi ngày. So với những vùng xa nhất của Lào Cai, Hà Giang thì suối Tung chắc còn xếp hạng cao hơn về mức nghèo và lạc hậu, chắc phải dưới ngưỡng nghèo, tính kỹ ra còn đạt mức đói nếu không có chính sách trồng xoan đổi gạo của nhà nước.

Trường của em be bé, nằm ở giữa đỉnh cao

Rồi những đứa trẻ 14 tuổi làm mẹ, những người bạn 28 tuổi lên bà ngoại… những điều ấy cứ quẩn quanh và thực sự ám ảnh. Miền đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này, nằm phía Tây của Thanh Hóa và là điểm cuối cùng của Tây Bắc, đã xuất hiện trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường Lát hoa về trong đêm hơi” vậy mà 50 năm sau nó vẫn bị lãng quên, ngay cả với các bạn đi phượt cũng là một cung đường ít được biết tới.

Phần vì thích cái vẻ đẹp hoang vắng và nguyên sơ nơi đây, phần cũng vì thương tụi trẻ mà ngay khi trở về đã có ý định sẽ trở lại. Bởi vậy mà những chuyến đi tiếp theo cứ có lý do “chính đáng” để trở về. Cứ chiều đi chạy thẳng Mai Châu – Co Lương – Quan Hóa – Mường Lý, chiều về lại bắt cung bám theo sông Mã dọc đường mòn Hồ Chí Minh. Tới độ nhớ cả từng hướng rẽ, từng đoạn nào đường đang làm, từng sự thay đổi nơi đây mỗi năm và chứng kiến cả quá trình làm thủy điện Trung Sơn, từng đi con đường dưới đáy hồ, từng thấy cây cầu cao vút được dựng lên như thế nào cho tới bây giờ nhà máy đã hoạt động, cả một vùng mênh mông bị nước tràn về thành hồ lớn, thay vì đi con đường dưới đáy hồ xưa kia giờ đã đi vòng lên đỉnh núi.

Đi dưới đáy cầu Trung Thắng trước kia, nay đã là cả một hồ nước thủy điện mênh mông

Khám phá cả con đường lên Sài Khao theo lối đi rừng của người bản địa, đi tiếp vài nữa là đặt chân tới Mộc Châu, Sơn La. Đi mới biết, khó như suối Tung cũng chưa là gì, đường Chà Lan này chỉ một người một xe, hai chị em đành để xế leo dốc mà trekking bất đắc dĩ, đi bộ quãng 5km đường đất và dốc. Cảm giác đời như nở hoa, những bước đi cùng cực lê lết đã được bù đắp, cả một triền hoa tím mênh mông xuất hiện, thực là một vẻ đẹp “xa xỉ” giữa miền đất khô cằn sỏi đá này.

Triền hoa tím lối lên Sài Khao qua đường Chà Lan, đẹp hơn mộng tưởng

Lên tới Sài Khao, đi thêm 3km nữa còn được biết thêm một đỉnh Trung Thắng nằm song song kế bên ở độ cao 1700m, Sài Khao là một địa danh lịch sử vậy nên vẫn nhận được nhiều sự quan tâm hơn, nhưng Trung Thắng thì như một “ẩn danh”, chưa đi thì chắc sẽ chẳng bao giờ biết tới. Chắc vì bị “thiệt thòi” mà lại thấy yêu Trung Thắng hơn, yêu những người dân đồng bào nơi đây, chất phác mà hồn hậu, yêu cả những tụi nhỏ cứ quấn lấy chân mỗi lần lên để được phát kẹo. Đi mãi, leo mãi, sau cỡ 10 chuyến cũng được đãi cả một biển mây lúc mặt trời rạng, thực thỏa thuê lắm mà.

Đỉnh Trung Thắng giữa biển mây

Chắc vì một mối nhân duyên nào đó mà “phải lòng” Mường Lát tới vậy, mảnh đất nghèo tới cùng cực nhưng đẹp theo cách riêng của nó, đẹp ở thiên nhiên, đẹp cả ở những tấm lòng luôn rộng mở và nhân hậu vô cùng.


ADVERTISEMENT