WOWWEEKEND
Sunday Dec 04, 2022
Tips & Advice Năng suất độc hại là gì và làm thế nào để vượt qua?
ADVERTISEMENT
Hãy tưởng tượng, bạn là nhân viên công sở và nuôi khát khao được thăng quan tiến chức trong sự nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu, bạn dốc sức làm việc, xung phong đảm nhận nhiều dự án cùng lúc, không màng việc ở lại văn phòng đến tối muộn dẫu đã qua giờ hành chính và không cho phép bản thân nghỉ ngơi. Trạng thái làm việc đến điên cuồng như vậy giờ đây là "mẫu số chung" của rất nhiều người trong xã hội hiện đại và được định nghĩa bằng cụm từ năng suất độc hại (toxic productivity).
Thế nào là năng suất độc hại?
(Ảnh: Thought Catalog/Unsplash)
Một người rơi vào trạng thái năng suất độc hại là khi họ cuốn mình vào guồng quay làm việc liên tục, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả thời gian dành cho sở thích cá nhân và khước từ việc vui chơi cùng gia đình, bạn bè cũng như các mối quan hệ khác trong cuộc sống. Người này sẽ cảm thấy bức bối khi trở nên rảnh rỗi và cố tìm mọi cách để lấp đầy lịch trình công việc của mình.
Khái niệm "năng suất độc hại" có sự liên đới đến cụm từ "văn hóa hối hả" (hustle culture, đó là khi ta vận hết tốc lực làm việc không ngừng nghỉ vì không muốn mình thua thiệt bất cứ ai. Tưởng chừng đây là hình mẫu lý tưởng cho sự thành công nhưng thực chất, năng suất độc hại lại có sức tàn phá vô hình đến thể chất lẫn tinh thần của con người.
Những dấu hiệu cho thấy một người mắc phải năng suất độc hại
Sợ rảnh rỗi
(Ảnh: Thought Catalog/Unsplash)
Với những người mắc phải năng suất độc hại, sự chăm chỉ và không cho phép mình gián đoạn công việc là điều đáng hoan nghênh, trái lại, việc dành thì giờ để nghỉ ngơi trong mắt họ là điều vô cùng lãng phí.
Chẳng hạn, có người không dám rời khỏi bàn làm việc nên đã chấp nhận bỏ bữa, có người chỉ ngủ 3-4 tiếng/ngày vì muốn có thêm thời gian giải quyết "núi" công việc chồng chất. Khi không hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ, họ sẽ tự dằn vặt bản thân mình.
Năng suất độc hại là kiểu tư duy định hình giá trị của con người bằng công việc hay những thành tựu mà họ đạt được. Nếu ở trong trạng thái "off", đồng nghĩa với việc bạn sẽ thất bại. Vì vậy, có thể nói với nhiều người, năng suất độc hại là cách để họ che đậy cảm giác thấy mình vô dụng.
Đặt ra kỳ vọng phi thực tế
Chưa biết cách thiết lập ranh giới cho bản thân là tình trạng dễ bắt gặp ở nhiều người trẻ ngày nay. Là thế hệ tiếp xúc nhiều nhất với công nghệ, việc xuất hiện dày đặc các tấm gương thành công điển hình trên mạng xã hội càng khiến họ thấy áp lực. Họ có thể thấy xấu hổ vì những người trẻ đồng trang lứa đã có nhà cao, xe đẹp và sự nghiệp vững vàng, họ cũng có thể coi mình kém cỏi nếu không phấn đấu trở thành những kiểu hình như vậy. Vì vậy, họ càng chìm ngập trong công việc với tham vọng một ngày nào đó bản thân sẽ đứng trên đỉnh vinh quang.
Cần khẳng định rằng áp lực cũng là một điều tốt vì nó khiến người ta không ngừng tìm cách vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu áp lực khiến bạn thấy chưa bao giờ là đủ và dẫn đến tình trạng năng suất độc hại, đã đến lúc bạn cần phải xem năng lực của bản thân có thể đảm đương đến đâu.
Chỉ quan tâm mình làm được bao nhiêu và ít màng tới giá trị nó đem lại
Chẳng hạn, khi mắc kẹt trong trạng thái năng suất độc hại, người đó chỉ thấy thỏa mãn khi mình làm được nhiều việc cùng lúc trong một ngày chứ không để tâm tới đâu là thứ mang lại giá trị đích thực cho mình. Như vậy, họ dễ rơi vào tình trạng hối hả khi xử lý công việc và không thực sự tận hưởng quá trình làm việc đó. Dần dần, họ sẽ không biết đâu mới là công việc phù hợp với mình, đâu là đích đến mà bản thân có thể chinh phục.
Hệ quả của năng suất độc hại
Năng suất độc hại là tác nhân lớn nhất dẫn tới hội chứng burn-out (cháy sạch). Theo đó, người rơi vào hội chứng này dễ bị căng thẳng mãn tính, mất tập trung, không còn thấy hứng thú khi làm việc. Họ cũng dễ gặp thất vọng khi kết quả không như mong muốn và từ đó chọn cách buông xuôi. Làm việc đến kiệt cùng sức lực không những không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ bị suy nhược thần kinh, trí nhớ giảm sút. Thậm chí, về lâu về dài, người đó còn có thể bị trầm cảm. Như vậy, năng suất độc hại để lại hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần và còn khiến người mắc phải dễ đứt kết nối với các mối quan hệ xung quanh.
Làm thế nào để vượt qua?
Phân bổ thời gian hợp lý giữa làm việc và cuộc sống cá nhân
Work-life balance (dung hòa công việc với đời sống cá nhân) là điều bất cứ ai cũng cần đến để có lối sống lành mạnh và hạnh phúc. Thay vì vắt kiệt sức lực vào công việc, bạn hãy hoạch định cụ thể thời gian, phân chia đâu là giờ để làm việc, đâu là giờ để nghỉ ngơi. Khi đã lên kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ đi đúng đường hướng đã vạch ra và không để công việc ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong cuộc sống. Chúng ta không thể làm việc liên tục 7 ngày trong tuần, càng không thể để công việc xen vào những buổi trò chuyện với gia đình hay đi chơi với bạn bè.
Biết cách sắp xếp thứ tự công việc
(Ảnh: Andrew Neel/Unsplash)
Để tách bạch hiệu quả giữa công việc quan trọng với công việc cấp thiết, bạn có thể tham khảo ma trận Eisenhower như sau:
- Cấp thiết và quan trọng
- Không cấp thiết nhưng quan trọng
- Cấp thiết nhưng không quan trọng
- Không cấp thiết cũng không quan trọng
Theo đó, vị trí số một đương nhiên nên là ưu tiên hàng đầu của bạn. Sau đó, bạn có thể sắp xếp thời gian hợp lý cho đầu việc số hai. Và cũng theo ma trận này, những công việc không quan trọng được xem là "râu ria" bạn cần phải cân nhắc để "cắt bỏ". Như vậy, bạn có thể toàn tâm vào công việc mình bắt buộc phải làm, từ đó hiệu suất công việc cũng sẽ hiệu quả hơn.
Lên lịch để nghỉ ngơi
(Ảnh: Clay Banks/Unsplash)
Đi xem phim, nghe nhạc hay đơn giản chỉ là tản bộ trong công viên và ngắm thiên nhiên cây cỏ… Những hoạt động không có mục đích lại là cách hữu hiệu giúp bạn thư giãn đầu óc. Chỉ khi có những khoảng nghĩ như thế, bạn mới có thể sạc đầy năng lượng và từ đó làm việc hiệu quả, sáng tạo hơn.
Chăm sóc bản thân
Sức khỏe là điều quan trọng nhất ai cũng cần có. Hãy ngủ ít nhất 6-7 tiếng, ăn đủ 3 bữa/ngày và quan trọng nhất là không tự đặt gánh nặng lên bản thân. Để "tưới tắm" cho tinh thần, bạn có thể học thiền, học Yoga hoặc dành ít nhất 30 phút/ngày cho việc đọc sách. Như vậy, bạn sẽ vừa có sức khỏe ổn định, vừa có trạng thái tinh thần minh mẫn. Khi đó, năng suất độc hại sẽ biến mất và cuộc sống bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
ADVERTISEMENT