Cuisine Ngắm xuân, hạ, thu, đông qua từng chiếc bánh ngọt Wagashi
Trong ẩm thực Nhật Bản, từng chiếc bánh wagashi không chỉ là món bánh ngọt truyền thống thông thường mà còn là cả một nghệ thuật tinh tế, quý phái và đẳng cấp của người tạo nên chúng.
Cái tên Wagashi theo tiếng Nhật nghĩa “Hòa Quả Tự” đã thể hiện sự trân trọng cũng như lời cảm thán đối với phước lành mà thiên nhiên bốn mùa trao ban. Đôi khi, Wagashi là một bông hoa đào nở rộ báo hiệu cho mùa xuân tới hay những hạt mưa đầu mùa rơi xuống từng cánh hoa cẩm tú cầu, cũng có khi làm con người ta bồi hồi mường tượng ra mùi hương của những trái Yuzu giữa cánh rừng phủ đầy tuyết trắng.
Xuân sang, trăm hoa đua nở
Khi đất trời còn phủ một màn tuyết trắng, những cơn gió lạnh thổi buốt người, thì những bông hoa sơn trà đỏ rực như những đốm lửa đang dần hé nở báo hiệu cho mùa xuân đang về. Chiếc bánh wagashi Kantsubaki ra đời nhằm đặc tả vẻ đẹp của loài hoa này. Vỏ bánh dẻo giống như bánh dày nhưng mềm mịn hơn do nhào từ bột gạo, chính giữa là nhân đậu đỏ thơm ngọt. Vỏ bánh thường được thêm chút màu hồng phấn hoặc màu đỏ tươi, sau đó nhồi đậu bên trong nặn thành hình từng cánh hoa sơn trà, cuối cùng trang trí bằng một chút nhụy vàng.
Ảnh: Simply Oishii Wagashi School
Điểm qua mùa xuân tại xứ sở Mặt trời mọc thì không thể thiếu được quốc hoa của đất nước này: loài hoa anh đào. Tháng 4 hàng năm chính là thời điểm những bông hoa anh đào khoe sắc rực rỡ nhất. Vì thế mà những chiếc bánh Sakura Mochi cũng được ra lò đều đặn trong khoảng thời gian này.
Sakura Mochi có hai kiểu đặc trưng là Sakura Mochi kiểu Kansai và Sakura Mochi kiểu Kanto. Bánh ở vùng Kanto có hình dạng một chiếc pancake với lớp vỏ hình bán nguyệt làm từ bột mì cuộn nhân koshian. Phủ bên ngoài lớp vỏ mochi mềm mịn là một lá anh đào ngâm muối, để khi cắn vào sẽ cảm nhận như đang đặt từng cánh hoa ngọt ngào mùi hương trên đầu lưỡi.
Trái với hình dáng phong cách Kanto, Sakura Mochi kiểu Kansai thường được làm được bột gạo thô hoặc gạo nếp hấp lên, trước khi cuộn nhân anko rồi sau đó vo tròn. Vì thế, người ăn sẽ cảm thấy Sakura Mochi kiểu Kansai có độ dai giòn sần sật hơn kiểu Kanto.
Hạ tới, mang theo những cơn mưa rào
Dưới cái nóng oi bức gay gắt của mùa hè, liệu có cách nào giải khát tuyệt hơn việc thưởng thức những viên thạch mát lạnh. Là loại thạch xuất phát từ truyền thống ngắm những chú cá vàng bơi mỗi dịp hè tới, Kingyoku Kan được tạo ra bằng cách luộc kanten và đường cùng nhau, sau đó để nguội cho đông đặc lại. Vì kanten có nguồn gốc thực vật nên có tính mát, màu sắc trong hoặc đục, giúp nghệ nhân wagashi thỏa sức tái hiện lại hình ảnh những chú cá tung tăng bơi lội.
Ảnh: Flickr
Khi những cơn mưa nặng hạt vơi dần cũng là lúc những bông hoa cẩm tú cầu tượng trưng cho tháng 6 bắt đầu nở rộ. Đúng như tên gọi, Ajisai thường được nặn thành bánh tròn (làm từ bột rễ sắn dây rừng) đính xung quanh một lớp thạch cắt nhuyễn long lanh sắc tím hoặc xanh biển. Phía dưới bánh lót thêm một chiếc lá xanh bắt mắt làm quên đi thời tiết ảm đạm.
Thu qua, mùi hạt dẻ thơm ngào ngạt
Những chiếc lá chuyển sang màu vàng rồi ngả sắc đỏ báo hiệu một mùa thu đang đến, cũng là lúc hạt dẻ rụng chạm nền cỏ xanh. Trong vô vàn cách chế biến hạt dẻ, Kuri no Shibukawani nổi bật như một món kẹo thượng hạng của mùa thu, vốn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Để tạo ra một mẻ Kuri no Shibukawani có lớp vỏ óng ánh, nghệ nhân cần phải lặp lại công đoạn đun sôi nhiều lần nhằm tách lớp vỏ nhẵn mà không làm mất đi lớp vỏ bên trong. Cứ thế đun nóng và làm nguội liên tục hạt dẻ trong xi-rô để vị ngọt thấm sâu vào lớp nhân. Thành phẩm cho ra sẽ là một loại kẹo hảo hạng, với nhân ngọt dịu bùi bùi, với lớp bọc ngoài hơi se se do ngâm trong xi-rô thơm ngon.
Ảnh: Mirukashi Salon
Ngoài ra, vào tháng 10 hàng năm, người dân xứ sở Phù Tang sẽ truyền tay nhau thưởng thức loại bánh có “tiểu sử” thú vị không kém: bánh Inokomochi hay còn được gọi là bánh nếp lợn rừng.
Loại bánh này xuất phát từ một truyền thống ở Trung Quốc. Theo lịch cung hoàng đạo, vì tháng 10 là tháng của những chú heo nên nếu người dân ăn bánh này vào đúng 10 giờ tối ngày Hợi tháng Hợi sẽ có một cuộc sống không những tránh khỏi bệnh tật và tai họa mà còn sẽ có con đàn cháu đống.
Đông về, tuyết rơi trắng xóa
Tháng 11 trong lịch âm Nhật Bản được gọi là Shimotsuki, nghĩa là "tháng sương giá". Đúng như tên gọi, đây là thời điểm sương giá xuất hiện nhiều hơn, khiến bầu trời trở nên lạnh se sắt. Trong tháng Shimotsuki này, đặc biệt tại lễ hội Tori no hi, một loại wagashi đặc trưng sẽ được bày bán chính là bánh Kiri Zansho.
Ảnh: Asakusatokyo Blog
Bánh Kiri Zansho là loại mochi wagashi dạng thanh, được làm từ bột gạo tẻ thượng hạng trộn đều cùng đường và hạt tiêu Nhật. Sau đó, hỗn hợp được mang đi hấp rồi để nguội, trước khi cắt thành từng thanh dài, rắc phủ thêm bột mỏng tượng trưng cho lớp sương. Khi thưởng thức, khoang miệng sẽ cảm thấy bất ngờ bởi sự hài hoà giữa hương ngọt ngào cùng vị cay tê nhẹ trên đầu lưỡi. Thỉnh thoảng bánh Kirizansho được bán kèm cào tre Kumade - vật mang lại may mắn, thành công trong thi cử và buôn bán.
Ảnh: Instagram artistic_nippon
Đã nhắc đến mùa đông ở xứ sở Mặt trời mọc thì không thể không nhắc đến hương vị thơm ngào ngạt của những trái Yuzu vàng ươm chín mùa. Yuzu manju là một loại bánh wagashi truyền thống của Nhật Bản được làm từ vỏ trái Yuzu, bột lúa mì, và khoai lang yamato. Bánh thường được hấp chín và có nhân mứt đậu ngọt ngào. Hỗn hợp này sau đó được bọc xung quanh mứt đậu, tạo thành chiếc bánh bao có hình dạng giống như trái Yuzu vậy. Mùi thơm của trái thanh yên yuzu nhẹ nhàng toả ra từ bánh rất hợp với tâm trạng mùa đông.
>>Xem thêm: Bánh Tét cẩm - Hương vị năm mới của người Cần Thơ