The Art Corner Rừng Na Uy: Khi cái chết là một phần của sự sống
Mình chưa bao giờ đọc một cuốn sách trong khoảng thời gian lâu đến thế. Mình chưa bao giờ đọc lại cuốn sách lần 2 nhưng vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết, từng nỗi buồn hoang hoải của nhân vật trong đó. Cũng chưa từng có cuốn sách nào khiến mình băn khoăn khi quyết định cầm lên, lật giở từng trang. Mình sợ mình sẽ buồn, sẽ ám ảnh khi đọc Rừng Na Uy. Chưa có một cuốn sách nào khiến cho mình những trải nghiệm đặc biệt như thế. Nó đặc biệt bởi một phần các nhân vật trong đó, đều còn rất trẻ, nhưng cuối cùng lại lần lượt tự mình tìm đến kết thúc cuộc sống. Sau cùng, chỉ còn mình nhân vật chính tiếp tục sống, và thời gian trôi qua những kí ức vẫn cứ chảy trôi trong tâm trí.
Mình sẽ không nói quá nhiều về cốt truyện của Rừng Na Uy nữa bởi hẳn nhiều người đã quá quen với nó. Cái mình muốn nói chính là những suy tư của bản thân về cách kết thúc cuộc sống của các nhân vật. Cái chết cứ lần lượt đến, như chính lời tác giả Murakami: ''Cái chết là một phần của sự sống. Sống, tức là nuôi dưỡng cái chết''.
Đầu tiên là Kizuki, đây có lẽ là nhân vật xuất hiện ít nhất truyện, xuất hiện khi đã không còn tồn tại trên cuộc đời nhưng sự ra đi của cậu lại khiến mình ám ảnh nhất. Đó cũng là sự khởi đầu cho bi kịch của những người ở lại là cậu bạn thân Toru, cô bạn gái dịu dàng Naoko. Mình luôn tự hỏi rốt cuộc tại sao Kizuki lại chọn kết thúc ở tuổi 17 mà không ai biết một lý do. Tại sao cậu lại chọn bơm khí gas độc vào người, lại cố tình bịt kín không gian để không một sự sống nào có thể đột nhập. Cái chết ấy khiến người đọc ai cũng thấy khó hiểu và đáng tiếc. Cái chết ấy khiến những người ở lại phải chìm đắm trong những thắc mắc, tội lỗi trong những tháng năm ngắn ngủi của tuổi trẻ. Toru luôn trăn trở vì lần cuối cậu đi với Kizuki là trước khi bạn thân mình mất. Nhưng lúc ấy Toru lại không biết, không thể làm gì. Naoko đau khổ trong một thời gian dài vì sự thắc mắc, vì nỗi đau mất đi người mình yêu thương. Đó là còn sự mặc cảm, nỗi thất vọng khi phải suy nghĩ: Chẳng nhẽ chính mình không đủ là lý do để Kizuki có thể sống tiếp? Cái chết ấy là khơi mào cho câu chuyện buồn của tất cả.
Rồi Naoko cũng ra đi, sau một khoảng thời gian dài chống chọi với những mất mát từ quá khứ. Naoko đã từng rất cố gắng để bước ra khỏi quá khứ. Cô đến một nơi dành cho những người có cùng hoàn cảnh như mình, tập sống và hướng về phía trước. Cô cũng cố gắng để mở lòng mình với Toru. Nhưng dẫu có nỗ lực thế nào, Naoko mãi vẫn không thể quên được quá khứ. Cô gái ấy mãi vẫn chẳng muốn là người trưởng thành, chấp niệm sống với quá khứ, thu mình lại, tránh xa thế giới. Rốt cuộc Naoko có yêu Toru không, hẳn là có. Nhưng tình yêu ấy không tương thích với những mặc cảm, tội lỗi. Cái chết đến với Naoko nhẹ nhàng như chính tính cách, con người cô vậy. Naoko chọn kết thúc cuộc sống vì thực sự không muốn phải trưởng thành, vì muốn tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn.
Trong những năm tháng tuổi trẻ của mình, Toru chứng kiến ''quá nhiều'' vụ tự sát đến từ những người thân quen của mình. Ngay cả, Tsunami, cô bạn gái của bạn Toru là Nagasawa sau cùng cũng tìm đến cái chết. Tsunami yêu Nagasawa, một kẻ vị kỷ, ngủ gần trăm cô gái. Nhưng Tsunami vẫn yêu anh ta, vẫn yêu ngay cả khi cô chọn cách buông bỏ để kết hôn với một người đàn ông khác. Nhưng 2 năm sau đó, cô lại tự kết liễu cuộc đời mình với trái tim yêu Nagasawa đến sâu sắc. Vừa yêu vừa hận, đó cũng là lý do Tsunami chọn đến cái chết, cô muốn người mình yêu phải hối hận vì sự ích kỷ của anh ta và thẳm sâu cũng muốn giữ trọn tình cảm nơi trái tim mình.
Một nhân vật khác mà Murakami không đề cập đến cụ thể chính là Quốc xã, một người bạn cùng phòng ký túc xá của Toru. Quốc xã vốn là một thanh niên sống kỷ cương, mỗi sáng thức dậy phải tập bài thể dục, phòng ở lúc nào cũng gọn gàng nhưng đến một ngày lại biến mất như một làn sương. Dựa trên nét tính cách của chàng trai này, rất có thể cậu ấy đã tham gia vào phong trào sinh viên những năm tháng ấy. Dù không đề cập bởi một phần do yếu tố chính trị, nhưng người đọc cũng có thể ngầm hiểu Quốc xã có thể thực sự đã ra đi. Và thế là lại thêm một người bước ra khỏi cuộc sống của Toru mãi mãi.
Đôi lúc mình tự hỏi nếu tôi là Toru, dần chứng kiến những người xung quanh mình lần lượt ra đi, mình sẽ như thế nào? Hẳn là rất kinh khủng, rất đau đớn. Nhưng thật may là nam chính trong câu chuyện của Murakami đã không chết, mặc dù sự sống ấy đôi khi thật cô đơn: ''Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào.''
Rừng Na Uy xoay quanh cái chết, nhan đề gợi chúng ta liên tưởng đến khu rừng tự tử. Vậy, nhà văn muốn gửi đến thông điệp gì từ những sự ra đi ấy? Trước hết đó là một sự phản ánh của thời cuộc, của xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thứ 2, nền kinh tế vực dậy, phát triển thần kì, những con người từng có niềm tin tuyệt đối vào Nhật hoàng nay lại bắt đầu hoài nghi khi nhìn thấy thời cuộc. Và trong cái xã hội với nhiều biến động ấy, người trẻ lại càng thêm cô đơn, càng vùng vẫy lại càng bị nhấn chìm. Cái chết trong Rừng Na có thể khiến đọc thấy buồn, nhưng tuyệt nhiên không khiến con người ta cảm thấy tuyệt vọng. Ngược lại, nó làm nổi bật lên khát vọng sống và yêu đương của những người trẻ.
''Cuối cùng, cũng đến lúc chúng ta phải đối diện với cái chết, mọi chuyện sẽ đến nơi chúng phải đến nếu ta để cho chúng đi theo đường của mình. Và dù có cố đến mấy thì người ta vẫn cứ đau khổ khi đã đến lúc họ phải đau khổ''. Sự sống, cái chết âu cũng là những thứ con người ta bắt buộc phải đối diện trong cuộc đời, cái chết trong Rừng Na Uy không phải là sự cố súy cho những suy nghĩ cực đoan của người trẻ mà đơn thuần chỉ là lời nhắn: Hãy sống, hãy khát vọng, hãy yêu và ''cái chết chính là một phần của sự sống''.