The Art Corner Gen X dẫn đầu về đầu tư vào nghệ thuật trong năm 2024 theo Art Basel và UBS
Báo cáo của Art Basel và UBS về hoạt động sưu tầm nghệ thuật toàn cầu trong năm 2024 mang đến bức tranh tổng thể về thị trường đầy biến động này, tập trung vào năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Báo cáo được thực hiện bởi Tiến sĩ Clare McAndrew, người sáng lập Arts Economics vừa ra mắt vào ngày 24 tháng 10 vừa qua được coi là phiên bản lớn nhất từ trước đến nay với 3600 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (hơn 1 triệu USD) từ 14 khu vực chính với 3 bổ xung mới là Thuỵ Sĩ, Mexico và Indonesia.
Thế giới đang trải qua nhiều bất ổn về địa chính trị như xung đột ở Trung Đông hay giữa Nga và Ukraine, nhóm nhà sưu tầm nghệ thuật trong phạm vi khảo sát hầu hết vẫn đặt niềm tin vào tiềm năng phát triển của thị trường nghệ thuật và tiếp tục xây dựng bộ sưu tập của mình. Không chỉ dựa trên niềm tin đơn thuần, báo cáo cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi của ngành thương mại nghệ thuật, dù với tốc độ khá chậm. Nhập khẩu nghệ thuật và đồ cổ toàn cầu tăng chỉ 6%, chủ yếu đến từ nhu cầu ổn định của thị trường Hồng Kông, tuy nhiên, xuất khẩu nghệ thuật và đồ cổ tại nhiều trung tâm nghệ thuật danh tiếng trên thế giới như New York hay London lại giảm 1%. Doanh số bán hàng của các nhà đấu giá lớn nhất thế giới như Christie's, Sotheby’s, Phillips hay Bonhams chứng kiến mức giảm doanh số đến 26% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024. Đây cũng là động lực để hầu hết các nhà đấu giá này tập trung mở rộng thị trường tại châu Á trong năm 2024, với việc ra mắt các trung tâm nghệ thuật quy mô lớn ở Hồng Kông.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ nữ, nghệ sĩ mới và đang nổi là nhóm nghệ sĩ được sưu tập nhiều hơn cả trong giai đoạn 2023 và nửa đầu 2024. Nhóm nhà sưu tập được khảo sát đang ngày càng tập trung vào việc khám phá tiềm năng của những nghệ sĩ mới, thay vì các nghệ sĩ lớn trên thế giới. So với cuộc khảo sát trước đó với 44% nhà sưu tập mua tác phẩm của các nghệ sĩ mới, khảo sát mới nhất này chứng kiến hơn 50% nhóm nhà sưu tập chọn tác phẩm của nghệ sĩ chưa có tên tuổi để đưa vào bộ sưu tập của mình. Tỷ lệ tác phẩm của các nghệ sĩ nữ cũng tăng lên tới mức 44% (tử 33% vào năm 2018). Đặc biệt hơn cả, các nhà sưu tập có tài sản ròng cao sẵn sàng chi nhiều tiền hơn vào các tác phẩm của nghệ sĩ nữ, với giá trị trung bình lên tới 10 triệu USD.
Trong khi nhóm người trẻ tuổi như Gen Z hay Millennial từng nắm giữ thị trường nghệ thuật cho đến trước năm 2022 với mức chi tiêu trung bình cao, nhóm nhà sưu tập thuộc thế hệ X (nhóm sinh ra từ đầu thập niên 1960 đến đầu thập niên 1980) ngày càng chú trọng đến việc đầu tư vào nghệ thuật và không ngần ngại chi trả số tiền khổng lồ cho bộ sưu tập của mình. Mức chi tiêu trung bình của nhóm này có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới 3%, cao nhất trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, nguyên nhân của sự đảo chiều trong nhóm chi tiêu rất có thể đến từ tình hình suy thoái kinh tế. Với Giám đốc điều hành của Art Basel, Noah Horowitz, xu hướng này lại đến cùng những quan sát thú vị về thị trường. Trong khi người mua trẻ tuổi thường coi tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm đầu cơ, thế hệ người sưu tập Gen X lại tập trung vào giá trị tác phẩm nhiều hơn. Vì thế, đây không nhất thiết là tin xấu của thị trường nghệ thuật.
Với những xu hướng mới nổi như giá trị tác phẩm của nghệ sĩ mới và nghệ sĩ nữ, cũng như việc người mua chú ý đến tác phẩm thay vì chỉ tập trung vào chuyện đầu cơ, đây có thể sẽ là khởi đầu cho việc tái định nghĩa thế giới nghệ thuật trong tương lai gần.
>>Xem thêm: Triển lãm của Fondation Louis Vuitton tôn vinh giai đoạn hoàng kim của Pop Art