share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Triển lãm của Fondation Louis Vuitton tôn vinh giai đoạn hoàng kim của Pop Art


ADVERTISEMENT

Người ta có thể không biết đến một trong những phong trào nghệ thuật có ảnh hưởng sâu sắc nhất của thế kỷ 20, có thể không có một định nghĩa nhất định về Pop Art, nhưng chắc chắn ai cũng đã một lần thấy bức tranh có hình chai Coca-Cola hay chân dung nữ minh tinh Marilyn Monroe trong những sắc màu chói lọi của Andy Warhol. Pop Art tiếp cận người xem theo cách không thể đại chúng hơn, đúng như cái tên của nó. Từ những nhân vật, đồ vật thân thuộc hàng ngày, Pop Art là nỗ lực tái định nghĩa cái gọi là “nghệ thuật", nghệ sĩ, và là đỉnh điểm của chủ nghĩa hiện đại khi tập trung vào những phương tiện truyền thông đại chúng.

Tác phẩm Shot Sage Blue Marilyn (1964) - Andy Warhol

Ra đời tại Anh vào những năm 1950 trong bối cảnh hậu chiến Thế giới thứ 2, xã hội nói chung và người nghệ sĩ nói riêng tìm thấy sự an ủi trong những điều tưởng tầm thường, và cùng với đó là mong mỏi vinh danh chúng lên thành nghệ thuật. Bản thân sự ra đời của Pop Art đã là một nỗ lực phản kháng những giá trị lỗi thời, trong đó, cách con người nhìn nhận và định nghĩa nghệ thuật là trọng tâm. Nếu nghệ thuật từng được coi là thứ gì đó xa vời, không dành cho số đông, Pop Art làm mờ ranh giới của nghệ thuật, loại bỏ thứ bậc trong văn hóa, tách biệt về mặt cảm xúc, và tận dụng hiệu quả chất liệu từ chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa công nghiệp và tư bản, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng để diễn giải (và đôi khi châm biếm) những giá trị mới của xã hội hiện đại.

Dù có xuất phát điểm tại Anh, nhưng những nghệ sĩ người Mỹ như Andy Warhol, Roy Lichtenstein, James Rosenquist, Thomas K. Wesselmann hay David Hockney lại là những tên tuổi đẩy bật Pop Art lên thành một trào lưu đương đại với hàng loạt các tác phẩm đã trở thành kinh điển mới. Đây cũng chính là thông điệp mà triển lãm mới nhất của Fondation Louis Vuitton muốn truyền tải. Diễn ra từ ngày 17/10/2024 đến 24/2/2025, Triển lãm “Pop Forever, Tom Wesselmann &…” là một sự kiện tôn vinh Pop Art, tập trung vào 150 tác phẩm của Tom Wesselmann (1931-2004), cũng là một trong những nghệ sĩ đi đầu của phong trào này. Bên cạnh chuỗi tác phẩm bằng nhiều chất liệu khác nhau của Wesselmann, triển lãm cũng trưng bày hơn 70 tác phẩm của 35 nghệ sĩ ở các thế hệ và quốc tịch khác nhau với biên độ thời gian sáng tác từ 1920 đến nay, và khám phá Pop Art theo trình tự thời gian, không gian, từ nguồn gốc phong trào Dada đến những biểu hiện đương đại của nó.

Không gian tại triển lãm "Pop Forever, Tom Wesselmann &..."

Tác phẩm Self Obliteration (1966 - 1974) - Yayoi Kusama

Danh sách các nghệ sĩ có mặt trong triển lãm là một tóm lược của lịch sử Pop Art, từ Derrick Adams, Ai Weiwei, Njideka Akunyili Crosby, Evelyne Axell, Thomas Bayrle, Frank Bowling, Rosalyn Drexler, Marcel Duchamp, Sylvie Fleury, Lauren Halsey, Richard Hamilton, David Hammons, Jann Haworth, Barkley L. Hendricks, Hannah Höch, Jasper Johns, KAWS, Kiki Kogelnik, Jeff Koons, Yayoi Kusama, Roy Lichtenstein, Marisol, Tomokazu Matsuyama, cho đến Andy Warhol và Tadanori Yokoo…

Người xem triển lãm đặc biệt có cơ hội tiếp cận những tác phẩm dù nổi tiếng trên phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng lại hiếm khi được triển lãm như bức tranh in lụa nổi tiếng “Shot Sage Blue Marilyn” (1964) của Andy Warhol, Bức “Ice Cream" của Evelyne Axell hay bình gốm khảm chai Coca Cola của nghệ sĩ người Trung Quốc Ai Wei Wei, vv.

Han Dynasty Urn with Coca Cola Logo (2015) - Ai Wei Wei

Tác phẩm I'm Feelin Good, 2014 - Mickalene Thomas

Theo giám tuyển khách mời của triển lãm Dieter Buchhart và Anna Karina Hofbauer “Pop Forever, Tom Wesselmann &… không đơn thuần chỉ là một triển lãm hồi tưởng mà còn là sự “bối cảnh hóa tác phẩm của Tom Wesselmann trong lịch sử nghệ thuật và đưa ra những góc nhìn hấp dẫn về Pop Art của quá khứ, hiện tại và thậm chí cả trong tương lai”. Dưới sự tuyển lựa của các giám tuyển uy tín này, triển lãm được thiết kế liên kết liền mạch theo trình tự thời gian với các tác phẩm và chủ đề của Wesselmann. Thông qua không gian và sắp đặt tác phẩm, các tác phẩm của nghệ sĩ chính được đặt trong cuộc đối thoại với những tác phẩm của nghệ sĩ cùng thời như Evelyne Axell, Jasper Johns, Roy Lichtenstein, Marisol, Marjorie Strider, Andy Warhol…, hay so sánh với những tác phẩm đặc biệt được tạo ra riêng cho triển lãm của nghệ sĩ ở giai đoạn sau đó như Derrick Adams, Tomokazu Matsuyama và Mickalene Thomas.

Tác phẩm President Elect (1960 - 1961) - James Rosenquist

Tác phẩm Safety Retrospective (2024) - Tomokazu Matsuyama

Sinh năm 1931, Tom Wesselmann bắt đầu vẽ tranh vào cuối những năm 1950. Mặc dù ngưỡng mộ nghệ thuật trừu tượng Mỹ, ông chọn ngôn ngữ mang tính biểu tượng của thời đại mình đang sống kết hợp quảng cáo, bảng quảng cáo, hình ảnh và đồ vật trong tác phẩm của mình. Tác phẩm của ông được mô tả là sự đan xen của các thể loại hội họa cổ điển (tĩnh vật, khỏa thân, phong cảnh) với tầm nhìn nghệ thuật đương đại cả về chủ đề và kỹ thuật. Các tác phẩm của hoạ sĩ này trải dài từ hội hoạ đến điêu khắc, kết hợp nhiều yếu tố đa phương tiện như ánh sáng, chuyển động, âm thanh hay video, tạo nên một bản sắc riêng biệt và chỗ đứng của Wesselmann trong lịch sử Pop Art, dù tên tuổi của ông không nổi tiếng như Andy Warhol hay Roy Lichtenstein.

Tác phẩm Still Life 34 (1963) - Tom Wesselmann

Không ngoa khi nói rằng Pop Art kể từ thời điểm khởi tạo, đã trở thành trào lưu nghệ thuật có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến thế giới nghệ thuật thế kỷ 20 và 21. Pop Art mang cho ngành công nghiệp văn hoá một bản diện mới, với tính thẩm mỹ đại chúng và khả năng dễ cảm thụ nhưng không thiếu phần sáng tạo. Trước triển lãm này, Fondation Louis Vuitton cũng đã có triển lãm trưng bày các tác phẩm đôi của hai nghệ sĩ Andy Warhol và Jean-Michel Basquiat, đồng thời là triển lãm có số lượt khách xem đông nhất năm của bảo tàng nghệ thuật đương đại này. Giá trị của các tác phẩm Pop Art cũng ngày càng được tôn sùng, với kỷ lục gần đây nhất thuộc về tác phẩm “Untitled” (1984) của hai nghệ sĩ này. Tác phẩm được bán với giá 19,4 triệu USD tại phiên đấu giá Sotheby's New York tháng 5 vừa qua.

>>Xem thêm: Những hình ảnh nổi bật tại hội chợ nghệ thuật Frieze London 2024


ADVERTISEMENT