The Art Corner Làng tôi (My village), mỗi thanh âm đều tấu lên chất làng quê
Như khi đọc được cuốn truyện đầy xúc cảm, đọc tới đâu chạm tới đấy, cả thước phim đẹp đang hiện hữu trong hình dung. Mà không, phải như nghe được giai điệu hay tới lặng người, mọi ngôn từ đều trở thành thừa thãi. Có vẻ vẫn chưa đủ rồi, 60 phút Làng tôi (My village) có đủ cả nhạc, cả truyện và cả nghệ thuật biểu diễn, là vở diễn nghệ thuật xiếc và múa đương đại mà cũng là câu chuyện làng quê suốt ba miền dọc dài đất nước và là cả bản hòa tấu thanh âm, nghe tưởng không hề có phần nhạc, cứ vẳng đâu đó âm thanh rất đời, rất thường vậy mà à ơi tiếng hát ru là nước mắt lăn tròn không khỏi thổn thức.
Hết thảy mọi thanh âm làng quê được tấu lên từ bộ 20 nhạc cụ dân tộc
Được nghe hết mọi thứ âm thanh mọi miền, thấy quê ở làng, thấy quê ở biển, thấy cả tiếng nước, tiếng gió, tiếng của núi, rồi thấy cả cái hè oi ả trong cái đùa nô nức, thấy ngày mùa ở mấy câu hòa ca, rùng mình nghe hoan ca Tết về trong tiếng thơ văng vẳng. Gần gũi như thấy phần nhà quê của mình trong tiếng hút thuốc lào, gà gáy, người nói ra vào ban sớm tinh mơ hay dưới ánh đèn dầu leo lét buổi khuya rồi xôn xao chợ sáng, bỗng lặng thinh trầm mặc những nỗi buồn thân phận.... Hơn 20 nhạc cụ dân tộc đã tấu nên những khúc ca ấy. Ngồi giữa không gian nhà hát lớn Hà Nội, sân khấu lớn dành cho những tác phẩm thính phòng, nhạc kịch… đã hoàn toàn biến mất, chỉ thấy chất làng quê đậm nét dân gian vọng về.
Lúc mềm mại, khi rắn rỏi, tre là hồn cốt Việt chứ đâu
Chỉ nghe thôi đã quá đã, chạm tới tận phần sâu thẳm nhất nơi mỗi con người Việt Nam, ai cũng nhận thấy phần quê hương của mình trong đó. Mà rộng ra với bạn bè quốc tế ngồi bên dưới chắc hẳn xúc cảm không kém như được đưa đẩy qua mọi miền quê đất Việt, thuần Việt một cách đời thực. Nếu cái chất Việt nằm ở thanh âm thì hồn Việt ở những thân tre hoàn toàn thô sơ, không điêu khắc, không tô vẽ, đạo cụ biểu diễn được sử dụng thuần thục, khéo léo và đầy chất sáng tạo dưới bàn tay linh hoạt của người nghệ sĩ. Tre chiếm lĩnh toàn bộ sân khấu, biến tấu muôn hình, muôn vẻ, khi ở miền ngược trùng trùng điệp điệp, lúc lại mảnh mai như liếp tre, đoạn lại thành vũ khí xông pha trong trận chiến đầy gian nguy.. Lúc mềm mại, khi rắn rỏi, tre là hồn cốt Việt chứ đâu.
Người nghệ sĩ vô cùng điêu luyện & linh hoạt ở mọi vị trí vai diễn
Và sau cuối là những người nghệ sĩ, phần sáng tạo nhất thuộc về họ, tất cả chừng ấy diễn viên mặc áo nâu sòng, cũng chẳng có ai chính ai phụ, ai cũng biết khiêng và biểu diễn cùng thân tre lềnh khềnh trong những màn nghệ thuật nhào lộn, tung hứng, xiếc và múa đương đại một cách điêu luyện mà vẫn toát lên được chất dân gian, gần gũi qua từng ánh mắt môi cười. Mọi động tác biến tấu quá nhanh và chính xác khiến khán giả không khỏi ố á, trên gương mặt người nghệ sĩ luôn tràn ngập cảm xúc, như chính họ đang là một phần của làng quê đang với ra mà nói cười phe phẩy mà tương tác với khán giả.
Và sau cuối, khán giả được giao lưu & chụp hình cùng nghệ sĩ trước sảnh nhà hát
Hẳn ai xem về cũng như thấy quê hương nơi đó, thấy cả một mảnh ký ức xa xưa trở về đến nghẹn ngào.