The Art Corner Gợi ý sách: Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều
Cứ như đây là cuốn sách nói về thế giới của mình vậy! Đó chính xác là những gì tôi nghĩ khi đọc Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều. Hơn cả một tiêu đề ấn tượng, thông điệp mà cuốn sách muốn truyền tải lại càng ý nghĩa.
Đây là cuốn sách ghi chép lại những vấn đề tâm lý nhức nhối nhất của người trẻ: như tìm kiếm và chấp nhận bản thân, những rắc rối và các nỗi sợ khác nhau về sự nghiệp cũng như cách phải đối mặt với các mối quan hệ. Những vấn đề này được tác giả trẻ Nguyễn Đoàn Minh Thư chiêm nghiệm dưới góc nhìn của tâm lý học, đồng thời lồng ghép thêm câu chuyện của bản thân. Cô đã viết cuốn sách Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều khi tốt nghiệp đại học. Thời điểm đó, cô chới với mất phương hướng khi phải đối mặt với việc thất nghiệp, chuyển nhà, rời khỏi nhà trường và sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.
Chính vì vậy, cuốn sách không chỉ cung cấp những kiến thức thực tế về tâm lý học mà hơn thế nữa là cảm giác được lắng nghe, được thấu hiểu và được đồng cảm:
“Tôi và bạn là người của cùng một thế giới. Dẫu rằng chúng ta đang gặp bất cứ rắc rối nào trong cuộc sống thì hãy cứ tin là bạn không cô đơn.”
Chấp nhận cái tôi không hoàn hảo
Chúng ta sống trong một xã hội phức tạp và con người áp lên nhau đủ mọi tiêu chuẩn. Từ nhỏ đến lớn, không ít lần bạn bị đánh giá là kém cỏi so với những đứa trẻ “con nhà người ta”. Thói quen so sánh cắm rễ vào tư tưởng của người lớn và cũng dần lây lan sang nhiều thế hệ. Chúng ta so sánh nhau mọi lúc mọi nơi, từ đầu tóc, quần áo đến năng lực, các mối quan hệ, vị trí xã hội, v.v.
Hay sự “hài lòng với cuộc sống hiện tại” được coi là tư tưởng thụt lùi, thiếu ý chí tiến thủ. Cũng vì vậy mà chúng ta luôn cảm thấy ngột ngạt, kiệt sức khi cứ nhắm mắt lao về phía trước nhưng chẳng biết đích đến của riêng mình. Để cải thiện những điều này, cuốn sách có nhắc đến một số nghiên cứu tâm lý học:
- Nghiên cứu của Neff (2003): Những người có lòng tự trắc ẩn cao (người biết đối xử tử tế với bản thân thay vì chỉ trích) thường cảm thấy ít lo âu và trầm cảm hơn.
- Nghiên cứu của Gilbert và cộng sự (2014): Nếu bạn không thể để người khác yêu bạn thì chính là do bạn không thể yêu thương mình và ngược lại. Mặc dù việc chán ghét bản thân đem lại không ít những hậu quả tiêu cực nhưng thực chất thì việc ghét bản thân lại là một phần của quá trình học cách yêu thương chính mình.
“Mỗi lần những kí ức đó ùa về, mình bắt đầu nhắc nhở bản thân rằng đây là hành vi ghét bỏ chính mình, chuyện này đã qua rồi, mình tha thứ cho mình của quá khứ, mình tha thứ cho bản thân, mình chọn cách yêu bản thân… Và nếu như mình lại phải căm ghét bản thân, việc công nhận nó và chấp nhận sự xấu xa của chính mình là bước đầu để chuộc lỗi và học cách tha thứ.”
Trải nghiệm thơ ấu định hình nên phiên bản trưởng thành
“…Tất cả những giá trị xây dựng nên một nhân sinh quan tưởng chừng vô cùng độc lập và mang đậm tính cá nhân, thật ra đều ẩn chứa dư âm của đứa trẻ trong mỗi chúng ta và quan hệ của chúng với cha mẹ ta trong suốt thời thơ ấu.”
Rất nhiều người sau khi thất bại trong mối quan hệ yêu đương gặp phải tình trạng sợ gần gũi, cảm thấy bản thân không có nhiều giá trị hay có xu hướng phụ thuộc vào người khác: “Tôi không thể chia tay anh ấy/cô ấy. Nếu thiếu anh ấy/cô ấy, cuộc đời tôi sẽ vô nghĩa”. Điều này có thể được giải thích qua hàng loạt nghiên cứu về tác động của mối quan hệ với cha mẹ đến phiên bản trưởng thành của bạn.
Trong đó, một nghiên cứu của Senese và cộng sự (2020) đã phát hiện ra rằng “những rối loạn tâm lý thường thấy là hệ quả của những mối quan hệ không lành mạnh với cha mẹ trong tuổi thơ… Những người càng có nhiều vấn đề trong việc thể hiện bản thân càng tự cảm thấy họ không có nhiều giá trị, không đáng được giúp đỡ, do đó họ không nên và không cần sự giúp đỡ từ người khác, dẫn đến việc né tránh và sợ thân mật.”
Cuốn sách cũng đề cập đến báo cáo của Rhoner và Lansford (2017). Báo cáo cho rằng bất kể trẻ con hay người lớn đều khao khát nhận được hồi đáp tích cực từ hình tượng gắn kết trong đời mình. Đối với trẻ con, hình tượng gắn kết này là cha mẹ còn với người lớn, đó có thể là cha mẹ hoặc bạn đời.
“Càng không được công nhận, chúng ta càng cố gây ấn tượng để được yêu bởi những hình tượng gắn kết này. Nếu như khi còn là những đứa trẻ, chúng ta khóc lóc và la hét khi bị tách rời khỏi cha mẹ hay bám dính lấy họ khi được gặp lại, những đứa trẻ tổn thương này trong chúng ta sẽ lớn lên thành những người lớn hay ghen tuông hoặc bám dính, lệ thuộc và luôn đòi hỏi lời đảm bảo từ bạn đời.”
Đọc đến đây, trước mắt tôi như hiện lên một cuốn phim tua chậm, quay lại tất cả những bất lực và rắc rối trong các mối quan hệ mình gặp trước đây. Tôi luôn muốn thể hiện những điều tốt đẹp và giấu nhẹm đi những thứ xấu xí để được công nhận và yêu thương... Liên hệ với thực tại, tôi chợt hiểu ra những mối quan hệ nhân quả được giăng mắc phức tạp bên trong.
Thế nhưng, tôi mong rằng bạn sẽ không trở thành nạn nhân trong mối quan hệ với bố mẹ, rằng “vì bố mẹ đối xử như vậy nên mình mới thành ra thế này”. Bởi có một lẽ, những người vô tình gây ra tổn thương cho người khác cũng đang phải chật vật chống chọi với những vết thương của họ. Nếu bố mẹ có làm điều gì khiến bạn tổn thương, vậy phải chăng bên trong họ có một đứa trẻ cũng đang thổn thức?
Chúng ta và bố mẹ chúng ta đều là những con người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ lối giáo dục của gia đình và hoàn cảnh xã hội. Bởi vậy, thấu hiểu và yêu thương chính mình mới là chiếc chìa khóa mở ra cuộc đời tràn đầy ánh sáng hạnh phúc.