The Art Corner Những hé lộ về Bảo tàng nghệ thuật AI đầu tiên trên thế giới DATALAND
Nghệ sĩ tiên phong về nghệ thuật AI nổi tiếng thế giới Refik Anadol mới đây vừa công bố về kế hoạch mở cửa bảo tàng nghệ thuật trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Được đặt tên DATALAND, bảo tàng này dù chưa ra mắt đã thu hút sự chú ý từ giới nghệ thuật và cộng động nghệ sĩ AI ở khắp nơi trên thế giới.
Bảo tàng nghệ thuật AI DATALAND được mô tả như hệ sinh thái kỹ thuật số dành riêng cho trực quan hoá dữ liệu và sáng tạo dựa trên AI, tập hợp những nhân tố tiên phong trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu AI… với chính Refik Anadol Studio điều hành nghệ thuật. Theo Refik Anadol, dự án bảo tàng này hướng đến mục tiêu định hình lại cách chúng ta tương tác với nghệ thuật, công nghệ và thiên nhiên nhằm tạo ra ranh giới mới trong việc biểu đạt nghệ thuật.
Với tham vọng phản ánh tiếng nói của những tác phẩm sáng tạo sử dụng trí tuệ nhân tạo và nghệ sĩ AI, DATALAND hướng đến việc mang nghệ thuật AI đến gần hơn tới công chúng thông qua những trải nghiệm độc đáo, kết hợp nhiều giác quan và ở quy mô chưa từng có. Bảo tàng này sẽ kết hợp các nền tảng học tập và truy cập trực tuyến, hoạt động như một kho lưu trữ công cộng cho bộ sưu tập nghệ thuật AI toàn diện. Không dừng lại ở trải nghiệm thị giác, nghệ thuật và những bước tiến của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy sáng tạo cũng được thể hiện thông qua những tương tác giác quan khác nhau. DATALAND khẳng định điều này bằng việc sử dụng AI để tạo nên mùi hương cho các phòng trưng bày. Nghệ sĩ Anadol hợp tác cùng công ty sản xuất mùi hương trên một mô hình đào tạo nhận diện 500,000 mùi hương, nhằm tạo ra thứ mùi thơm “của tất cả các loài hoa trên thế giới" cho căn phòng triển lãm. Nghệ sĩ này cũng nhấn mạnh người ghé thăm triển lãm có thể “ngửi thấy những giấc mơ AI".
Giấc mơ AI của Anadol và nhóm nghệ sĩ làm việc cùng anh cho dự án bảo tàng chính là tuyên ngôn cho kỷ nguyên mới của trí tuệ nhân tạo. Trong khi vai trò của trí tuệ nhân tạo vẫn là câu hỏi để ngỏ và những ranh giới mơ hồ giữa công dụng hay sự tàn phá của trí tuệ nhân tạo tới đời sống sáng tạo của con người, sự ra đời của DATALAND là một nỗ lực lớn nhằm nêu bật các tác phẩm sáng tạo của nghệ sĩ kỹ thuật số, cũng là những người thường bị hoài nghi về danh tính nghệ sĩ của họ. Theo các nhà sáng lập, bảo tàng này cũng sẽ cung cấp không gian cho việc nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhằm tái định hình bản chất của AI không đơn thuần dừng lại ở công cụ, mà là lực đẩy thôi thúc sự sáng tạo đến những giới hạn mới.
Để trả lời cho câu hỏi về tính đạo đức của nghệ thuật và công nghệ AI, Anadol cũng nhấn mạnh việc bảo tàng của mình sẽ chỉ có các tập dữ liệu được thu thập một cách có đạo đức, được chia sẻ bởi những việc bảo tàng và tổ chức nổi tiếng, cũng như minh bạch hóa nguồn năng lượng mà bảo tàng này sử dụng để duy trì. Trong bối cảnh ngành công nghiệp AI không chỉ gặp thách thức bởi câu hỏi về tính nhân văn mà còn ở mức năng lượng khổng lồ ngành công nghệ này cần, với tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu có những diễn biến phức tạp, vai trò của DATALAND sẽ không chỉ giống những bảo tàng nghệ thuật thông thường để trưng bày tác phẩm. Anadol tiếp cận yếu tố này bằng việc hợp tác với Google để tìm ra công viên năng lượng bền vững nhằm cung cấp năng lượng cho các công cụ AI sử dụng trong các tác phẩm của cá nhân nghệ sĩ này và cả cho bảo tàng.
Việc đưa DATALAND vào tòa nhà The Grand LA do kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry thiết kế tại trung tâm thành phố Los Angeles cho thấy tham vọng của Refik Anadol trong việc đưa nghệ thuật AI vào tầm ngắm của nền nghệ thuật sôi động nói chung. Toà nhà The Grand LA là điểm đến văn hoá của người dân thành phố này với sự có mặt của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles, và đối diện nhà hoà nhạc Walt Disney Concert Hall. Tính biểu tượng về văn hoá nghệ thuật của The Grand LA chắc chắn sẽ là đòn bẩy tích cực cho DATALAND khi mở cửa vào cuối năm 2025.
Nghệ thuật AI mới chỉ bắt đầu hiện hữu vào phát triển trong vài năm trở lại đây. Loại hình nghệ thuật mới mẻ này mang đến những cơ hội và tiềm năng lớn cho quá trình vận động của nghệ thuật đương đại nói chung. Với tư cách là nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật AI, Refik Anadol đã gặt hái nhiều thành công, như việc bán tác phẩm kỹ thuật số có tên "Unsupervised" gồm 200 năm hình ảnh từ bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York (MoMa) cho chính MoMa. Đây cũng là tác phẩm AI đầu tiên trong bộ sưu tập cố định của bảo tàng danh tiếng này. Anh cũng có các tác phẩm trưng bày ở Intuit Dome (LA), Sphere ở Las Vegas và trụ sở Liên hợp quốc ở New York.
>>Xem thêm: Những sự kiện triển lãm nghệ thuật đặc sắc của tháng 10