The Art Corner Soul - bộ phim giành giải Oscar và câu chuyện về thành công
Trong rất nhiều bài học mà ta tìm thấy trong Soul - bom tấn đoạt giải Oscar của nhà Pixar, sẽ không khó để nhận ra những bộ óc thiên tài chắp bút cho kịch bản này muốn nói: Thành công không phải là tất cả trong cuộc sống. Nhân vật chính của bộ phim, Joe xem nhạc Jazz là lẽ sống, xem thành công là khi được đứng trên sân khấu chơi nhạc cùng thần tượng, nhưng khi khát khao thành hiện thực, anh lại thấy trống rỗng.
Khi thành công không phải là tất cả
Soul mở đầu bằng cảnh nhân vật chính của chúng ta - Joe một thầy giáo dạy nhạc, cực kỳ đam mê nhạc Jazz, luôn ấp ủ một khát khao cháy bỏng là sẽ được chơi đàn trên sân khấu như một người nghệ sĩ đích thực. Joe gây thiện cảm trong những phút đầu của bộ phim như thế vì anh đã có cho mình một đam mê, rất nghiêm túc theo đuổi. Joe không thích cuộc sống ổn định của một giáo viên chính thức, có biên chế, bảo hiểm xã hội. Sự quyết tâm, lối suy nghĩ khác biệt ấy khiến chúng ta dễ dàng có thiện cảm với nhân vật này, bởi với người xem trước màn hình, liệu trong chúng ta có ai thực sự có đam mê. Và nếu có, chúng ta có chân thành, nghiêm túc theo đuổi như thế. Hay chúng ta bị chi phối bởi cơm, áo, gạo tiền và rồi dần để những đam mê, ước mơ bị chôn vùi theo năm tháng?
Nhưng khi mạch phim bắt đầu có sự thay đổi, khi Joe trong lúc hoảng loạn lạc chân đến kiếp trước, những ấn tượng ban đầu về nhân vật Joe trong người xem cũng dần thay đổi.
Tại tiền kiếp (great before), các linh hồn đã khuất có nhiệm vụ hướng dẫn các linh hồn mới đi tìm tinh hỏa (trong trường hợp này có thể gọi là lẽ sống, đam mê) trước khi đến với trần gian. Joe nhân vật chính của chúng ta lúc này đã bắt đầu sốt sắng, gấp gáp đi tìm tinh hỏa cho linh hồn thứ 22 - một linh hồn mà trước đó, không biết bao nhiêu người đã thất bại khi đảm nhận trách nhiệm giúp cô, ngay cả mẹ Tesla.
22 là người chán chường với mọi thứ, vì đơn giản linh hồn ấy không thể cảm nhận được những mùi hương, dư vị của vạn vật. Cô càng chán chường bao nhiêu thì Joe càng lo lắng, càng sốt ruột bấy nhiêu. Trong ánh nhìn của Joe lúc này, 22 phải có tinh hỏa thì mình mới có thể trở về, mới được tiếp tục chơi nhạc - đam mê cả đời của anh.
Bên cạnh đó, sự sốt ruột, lo lắng ấy cũng một phần đến từ quan điểm của anh từ trước đến nay: Con người khi sống ai mà chẳng có cho mình những đam mê. Đó là sứ mệnh, là điều tất yếu, giống như việc Joe đam mê nhạc Jazz chẳng hạn. Joe đã sống cuộc đời mình bên cây dương cầm, một nhạc cụ đặc trưng của Jazz. Anh chơi đàn với khát khao được trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp vào một ngày không xa, quên đi việc bản thân đã thất bại vô số lần ở tuổi 37, quên đi những người xung quanh đang thực sự yêu thương và quan tâm đến mình.
Câu nói của Joe với mẹ chính là minh chứng cho niềm đam mê bất tận ấy của anh, khi anh cố thuyết phục mẹ để mình có thể tham gia biểu diễn trong đêm nhạc đầu tiên của cuộc đời.
Joe quả thực đã sống cuộc đời mình bên cây dương cầm, sống vì đam mê và khao khát thành công. Tuy nhiên, để làm được điều đó, Joe dường như đã đánh mất nhiều thứ. Trong bộ dáng của một chú mèo, Joe nói với 22 rằng mình rất thích anh thợ cắt tóc lành nghề Dez. Joe đã nghĩ rằng sự lành nghề ấy của Dez hẳn phải xuất phát từ niềm đam mê, thế nhưng, sự thật thì lại không giống vậy. Khi linh hồn 22 trò chuyện với Dez bằng thân xác của Joe, anh mới biết rằng Dez từng ước mơ trở thành một bác sĩ thú y, nhưng rồi con gái anh ốm nặng, anh đành tạm gác lại ước mơ đó vì ''học làm thợ cắt tóc rẻ hơn làm bác sĩ thú y''.
Cũng chỉ đến khi trong thân xác của một chú mèo, Joe mới thật sự hiểu tại sao mẹ anh lại không ủng hộ con mình theo đuổi lẽ sống là nhạc Jazz. Vì bà sợ sau này, chỉ với đam mê ấy, anh không thể nuôi sống anh. Bố anh có thể theo đuổi jazz vì bên cạnh ông còn có bà và tiệm may nhỏ, còn anh thì không. Đến đây, chúng ta cũng chợt nhận ra chính lẽ sống thành công mà Joe theo đuổi đã khiến anh đánh mất một điều quý giá trong cuộc sống: Sự thực tế cần có ở một con người.
Sau bao nhiêu khó khăn, Joe cuối cùng cũng đã thực hiện được điều mà anh mong mỏi bấy lâu: Chơi nhạc trên sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng khi vừa rời khỏi sân khấu, sau những tràng vỗ tay của khán giả và người thân yêu, anh lại thấy trống rỗng. Đó cũng là lúc anh nhận ra những điều đẹp đẽ trong cuộc đời không phải được tạo nên từ những phút huy hoàng của bản thân.
Vậy, điều nhiệm màu của cuộc sống là gì? Tinh hỏa là gì?
Khác với những lần trước, câu chuyện mà Soul truyền tải lần này không dành cho trẻ con mà chính là dành cho những người lớn đã bước qua những thăng trầm của cuộc đời. Có lẽ khi ngồi trước màn ảnh rộng, trái tim mỗi người đều đã thổn thức, đều thấy một phần con người mình từ chính nhân vật Joe. Có lẽ chỉ những người lớn đã từng bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá nhưng nhỏ bé trong cuộc đời mới thực sự lặng người và xúc động khi nghe nhân vật Dorothea Williams - thần tượng của Joe trong giới nhạc jazz - nói về triết lý ''đại dương - vũng nước''.
Đạo diễn Pete Docter làm phim khi ông đã bước sang tuổi 50, tuổi trung niên với đủ những trải nghiệm cuộc đời để chiêm nghiệm, suy tư. Ra mắt vào dịp cuối năm, sau một năm trải qua quá nhiều biến động, bộ phim như vòng tay sưởi ấm tâm hồn mỗi người, giúp họ nhận ra: Thành công không phải là tất cả, lẽ sống, đam mê quan trọng đấy nhưng đó không phải là điều mà mỗi người phải có trong đời thì mới tạo nên một cuộc đời nhiệm màu.
Joe trở về căn nhà của mình sau khi đã thành công nhưng lại thấy trống rỗng. Anh ngồi bên cây đàn của mình, tạm gác lại bản nhạc quen thuộc, mà thay vào đó là miếng pizza còn ăn dở, cây kẹo mút.. Anh hồi tưởng lại những điều mà ngày hôm đó mình đã trải nghiệm: Câu chuyện của anh cắt tóc, chàng trai say sưa chơi đàn ở bến tàu điện ngầm, những câu nói của mẹ, khoảnh khắc chiếc lá rơi, hình ảnh ngày bé anh đạp xe dưới vòm cây xanh mát. Tất cả những điều bình dị, thường nhất ấy chính là tinh hỏa, là điều nhiệm màu của cuộc sống mà mỗi người cần theo đuổi. Tất cả, đều là lý do để chúng ta thức dậy mỗi ngày.