share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Ngàn mặt trời rực rỡ… và ngọn nến bé lung linh


ADVERTISEMENT

MARIAM

Khi đọc Ngàn mặt trời rực rỡ — một cuốn tiểu thuyết với bao mãnh liệt như chính tựa đề của nó — nhân vật đầu tiên tôi ấn tượng là Mariam.

Cô là biểu hiện tối cao của một đời sống thực vật — tôi tạm gọi vậy. Vì những hoạt động trong đời cô cũng cứng nhắc và được sắp đặt trước như đời sống của một cái cây vậy, mặc dù thế giới cảm xúc mà cô phải trải qua thì có khi còn nhiều và dữ dội hơn cả những mảnh đời lang bạt nhất.

Khi đọc đến khúc Mariam theo về ở với người chồng bạo ngược và phải phục tùng ông, tôi đã rất phẫn nộ, như bao lần chứng kiến cảnh người vợ phải phục tùng những yêu cầu phi lý của cái thứ gọi là chồng đó. Tôi đã nghĩ, nếu tôi là Mariam, tôi nhất định sẽ bỏ đi bằng mọi giá, nhất định không chấp nhận cuộc sống với gã người lai thú đó, càng không đời nào chịu khuất phục những đàn áp man di của gã. Nhưng rồi khi đọc đến cuộc trốn chạy không thành công của cô, tôi mới thấy, không phải lúc nào sự kiên quyết cũng có thể giải quyết được vấn đề. Nếu tôi là Mariam, tôi nhất định sẽ bỏ đi bằng mọi giá. Nhưng tôi không phải là Mariam, nên tôi không hình dung được cái cảnh ông ta có thể dễ dàng tóm lại cô mà không mất tí công sức như thế nào, tôi không thể ngờ được rằng xung quanh ngôi nhà địa ngục trần thế đó trong bán kính mấy nghìn kilomet là cả một xã hội phụng sự cho tầng tầng lớp lớp những địa ngục đó ra sao, rằng trong mấy nghìn cây số đó thì đâu cũng là địa ngục rộng lớn cho những người phụ nữ như cô, tôi đâu thể biết rằng một mình cô là quá bé nhỏ để có thể kháng cự lại cả một đế chế vốn đèp bẹp thân phận người phụ nữ từ hàng trăm đời nay dưới sức ép bạo tàn khổng lồ của nó.

Tôi nhớ lại một câu đọc trong Biên niên ký chim vặn dây cót — lại một tiểu thuyết mãnh liệt nữa, theo cách riêng của nó. "Khi nào cần chờ đợi thì phải chờ đợi". Trong trường hợp của Mariam, khi mọi hành động chống chế trở nên vô nghĩa và hoang phí, thì có lẽ điều tốt nhất cô có thể làm trong lúc đó là chờ đợi — như cô đã thực sự làm. Chờ đợi cho kiếp mình qua đi, chờ đợi trong nhẫn nhịn và cam chịu. Sự chủ động thực thụ trong cuộc đời cô — nếu không tính đoạn cuối — chính là chủ động chờ đợi. Và chờ đợi thực sự đòi hỏi một sự chủ động rất lớn chứ không phải lúc nào cũng là thụ động như người ta nghĩ.

Cô đã có thể kết thúc sự chờ đợi khốn khổ của mình chỉ với một con dao lam. Và cái này thì cô có vô số cơ hội để làm. Nhưng cô không làm vậy, mà thay vào đó là sự đợi chờ một cách bản năng, chờ đợi một luồng sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối của cô để cô biết nếm được hương vị của ánh sáng, mà rất có thể điều này sẽ không bao giờ đến.

Tôi không cho sự chờ đợi này là vô vọng, mặc dù dường như tất cả cảm quan thông thường của con người đều cho thấy thế khi đọc đoạn này. Lại nhớ tiếp một câu trong So Close (Gác Kiếm), một bộ phim mà tôi rất thích: "Trong đời này không gì đau khổ bằng chờ đợi một người mà biết chắc người đó sẽ không bao giờ trở về". Hình như câu đó thốt ra từ cô em đang chôn cất cho người chị thì phải. Ừ, có gì khốn khổ cho bằng chờ đợi một điều mà biết rằng có thể nó sẽ chẳng bao giờ đến.

 

Cái đau khổ của chờ đợi không phải là ở bản thân sự chờ đợi, mà là chờ đợi mà không biết bao giờ điều mình đợi sẽ đến, đau khổ hơn là không biết liệu nó sẽ đến hay không, và đau khổ tận cùng là chờ đợi khi biết rất có thể nó sẽ không đến.

Trong tâm niệm trên thì Mariam là một phụ nữ hết sức can đảm. Tôi vừa thương cảm, vừa khâm phục khả năng chịu đựng của cô, cái năng lực nhẫn nhục đợi chờ một thứ không rõ hình hài trong suốt hơn bốn mươi năm bền bỉ. Phải có một tiềm lực phi thường lắm mới làm được điều này, điều mà chưa chắc một người anh hùng vang danh lịch sử đã làm được. Cô là một nữ hùng vô danh.

Một mặt, cô cứ phải gạt phăng mọi hy vọng hão huyền về một tương lai tươi sáng hơn, thoát khỏi gánh nặng thân phận cuộc đời hàng bao thế kỷ này. Mặt khác, như trong tiềm thức cô vẫn nuôi một niềm hy vọng nhỏ bé, mong manh, nhưng ngời sáng và không dễ tắt. Nếu không, tại sao cô phải bận tâm duy trì sự tồn tại khốn nạn của mình? Nếu không còn bất kỳ hy vọng nào từ sâu thẳm trong lòng mình thì tiếp tục sống để làm gì?

Và ngọn nến hy vọng bé nhỏ trong trái tim cô đã bùng lên thành ngàn mặt trời rực rỡ khi nó thực sự được nếm trải ánh sáng. Nguồn sáng thực sự, đầu tiên, duy nhất, và cuối cùng trong cuộc đời cô. Lúc này, cô như đã thoát xác khỏi đời sống thực vật rũ mục để hóa thân thành một sinh linh tự do. Tù ngục trong thân thế và thân xác, nhưng thực sự tự do vì cuối cùng cô cũng đã làm chủ được đời mình, không phải theo cách hiểu thông thường. Bởi vì, tự do lớn nhất là tự do trong tâm hồn.

Thì ra, trái tim người phụ nữ chưa bao giờ là một khúc cây, cho dù bề ngoài nó có giống thế nào. Nó là một mặt trời bé nhỏ, mong manh, nhưng ngời sáng và bất diệt. Cô đã đạt được đích đến trong cuộc hành trình đời mình, là nếm trải ánh sáng, và khi điều này đã đạt được bằng sự chủ động chờ đợi một cách bản năng trong suốt hơn bốn mươi năm trời thì việc chủ động tiếp theo cô có thể làm là kết thúc sự chờ đợi này một cách tốt đẹp. Và sự thực đó là một kết thúc đẹp. Sự thả trôi hoàn hảo. Không nuối tiếc. Không níu kéo. Một kết thúc tuyệt đẹp.

LAILA & TARIQ. Và Tình Yêu.

Nhân vật thứ nhì tôi ấn tượng, không phải là Laila — một trong hai nhân vật chính.

Tôi biết tại sao nhân vật Laila — bạn gái và sau này là vợ của Tariq — mặc dù được xây dựng với một tính cách dễ làm rung động bất kỳ trái tim nào, nhưng nhiều người lại bảo họ có phần không thấu được cô. Tôi biết, bởi vì họ đang ganh tị với cô. Cô đã có và luôn có Tariq — một người đàn ông quá sức hoàn hảo mà họ không đủ can đảm để tin rằng anh có thực trong thế giới này. Anh hoàn hảo trong tình yêu của mình dành cho cô, trong nghĩa vụ và bổn phận đối với gia đình mình, trong cách đối xử không chút dấu vết tính toan với đứa con của ‘kẻ thù’ mình. Song điều khó tin nhất — và cũng là điều khiến tất cả những điều này đẹp đến vô ngần — là anh không hề thay đổi sau ngần ấy năm cuộc đời, từ một cậu bé chín tuổi đến một người đàn ông trung niên hai con.

Nhưng chao ôi, họ có thể kết tội anh ta là giả tạo, họ có thể nguyền rủa tác giả về cách xây dựng nhân vật thiếu thực tế như thế, họ có thể khinh bỉ cái cách ông ta dệt nên câu chuyện cổ tích thời chiến một cách hão huyền này… nhưng tôi biết sâu thẳm trong lòng, rất nhiều người vẫn đang ganh tị với cô Laila ảo đó, và vẫn ước ao có một Tariq thật trong thế giới này. Mối tình của Tariq và Laila đã gợi nên bao nhiêu day dứt, trăn trở cho độc giả với câu hỏi muôn thưở về tình yêu chân thật.

Nhớ hồi đọc "11 minutes" của Paulo Coelho, tôi ấn tượng với câu: "It hurt when I lost each of the various men I fell in love with. Now, though, I’m convinced nobody ever loses anybody, because nobody owns any body". (Tạm dịch: "Thật đau đớn khi tôi bị mất đi mỗi người trong số nhiều người đàn ông khác nhau mà tôi đã yêu. Nhưng giờ thì tôi tin rằng không ai mất ai bao giờ cả, bởi không ai sở hữu ai cả") Hẳn nhiều người trong chúng ta cũng đã từng đau khi tiễn những con người đến và đi qua cuộc đời mình. Có những chia tay chỉ tạm thời. Có những biệt ly là vĩnh viễn. Chúng ta nghĩ mình "mất" họ. Nhưng rồi câu nói làm chúng ta thức tỉnh. Phải rồi, cái "mất" một con người thực chất chỉ là một ảo ảnh, một ảo ảnh về sự sỡ hữu. Làm sao ta có thể mất một ai khi không hề sở hữu họ? Người ta có thể mất điện thoại, mất túi xách, mất xe, mất… nhưng một con người không phải là một cái điện thoại, một cái xe, một cái túi xách hay bất kỳ thứ vô tri khác mà có thể được sở hữu. Một con người là một thực thể độc lập và linh hoạt trong chính bản thể của mình, vì vậy mà không ai bao giờ có thể sở hữu bất kỳ một ai khác. Không ai là một cái bóng của ai khác, họ phải tự sống cuộc sống của riêng họ, họ có thể giúp đỡ nhau hoặc làm mọi thứ cùng nhau, nhưng một người không bao giờ là một vật đặt dưới quyền sử dụng tùy thích của người kia mà không cần xin phép như một món đồ của mình.

Vậy là, nếu muốn thực sự yêu thương ai đó, thì phải tôn trọng họ như một thực thể độc lập với chính ta, chứ không phải xem họ như một nguồn an ủi những khi ta cần và bắt họ phải bất chấp tất cả mà theo ý ta, để rồi khi vì một lý do nào đó mà họ không thể theo thì ta đâm ra đau khổ và cho rằng mình "mất" họ.

Một "tình yêu hoàn hảo" như Tariq và Laila là thứ mà rất nhiều người khao khát. Nhưng nó không tự đến với cả chính Tariq và Laila. Hãy nhìn cách họ hy sinh, đánh đổi, cách họ vật lộn mọi thứ xảy đến mà vẫn không mảy để động đến dù là một mẩu nhỏ tình cảm của chính mình, như một người mẹ hiền cố sức bảo vệ đứa con bé bỏng của mình, cô ôm nó vào lòng và mặc cho mọi sự oanh tạc xung quanh, mặc cho thân thể cô có bị tàn phá thế nào giữa bom rơi đạn lạc thì đứa con yêu dấu mà cô ra sức chở che đó vẫn vô sự. Đối với họ, không có sự đòi hỏi đèo bòng, không có cả đến những màn ‘trình diễn’ màu mè tô vẽ mà các cặp đôi thường trải qua. Tất cả chỉ là sự giản dị ngay thẳng và với nhiều người là có thể đơn điệu đến trơ trọi. Trong tâm thức của họ,chỉ đơn giản là họ không có mảy may khái niệm để bất cứ gì xảy đến với đứa con tình yêu mà họ đã dưỡng nuôi cưu mang hàng mấy chục năm trời. Mọi thứ còn lại đều là những bày vẽ xa xỉ mà đơn thuần là thời cuộc không cho phép. Một cách bản năng, đối với họ cách tốt nhất để có một tình yêu hoàn hảo là có một người yêu hoàn hảo. Cách tốt nhất để tìm một người yêu hoàn hảo là bản thân mình hãy trở thành một người yêu hoàn hảo. Và cách tốt nhất để trở nên một người yêu hoàn hảo là hãy yêu một cách hoàn hảo. Nhưng thế nào là "yêu một cách hoàn hảo?" Có lẽ, giống như Tariq và Laila, mỗi chúng ta phải tự tìm câu trả lời trong chính mình.

Xuyên suốt hơn 500 trang sách là khúc tráng ca bi đát mà can trường về nỗi ám ảnh dai dẳng thấm đẫm niềm hy vọng mong manh, nhỏ mọn, mỏi mòn, nhưng tha thiết và bền bỉ đến mức không thể nào dập tắt — niềm hy vọng của những tâm hồn chan chứa ước vọng sống và thương yêu bị vùi dập trong thân phận những kẻ nhỏ nhoi trước tiếng quát tháo dữ tợn vô cảm của quyền lực và trận càn quét man di tàn khốc của thời thế. Ngọn lửa bất diệt ấy dù bị vùi chôn đến đâu cũng chẳng thể lụi tàn, mà chỉ âm ỉ chờ ngày đủ duyên để bùng lên thành ngàn mặt trời rực rỡ chiếu sáng cả một vùng từng chìm trong tăm tối. Và có lẽ điều đọng lại tuyệt đẹp mà cuốn tiểu thuyết để lại trong lòng người đọc cũng chính là lời gợi nhớ về ngọn nến nhỏ bé lung linh trong mỗi người mà chúng ta đã vô tình để vùi lấp trong quên lãng, hãy tìm lại và thắp lên ngọn nến ấy, dù đêm có tối tăm đến đâu, hãy giữ ngọn nến nhỏ được cháy sáng, vì ‘tất cả bóng tối trên đời cũng không thể nào dập tắt ánh sáng từ một ngọn nến’, và biết đâu, khi đủ duyên, nó sẽ lại hóa thân ngời sáng thêm một mặt trời rực rỡ thì sao?

 


ADVERTISEMENT