The Art Corner Tại sao người Nhật lại bọc sách?
Người Nhật vốn được biết đến là một quốc gia yêu sách. Trên các bộ phim truyền hình Nhật Bản, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người Nhật đọc sách trên những chuyến tàu chen chúc trước giờ đi làm hay lúc xếp hàng ở siêu thị. Và bạn có để ý rằng, ngoại trừ tạp chí trong cửa hàng tiện lợi, hầu như người Nhật nào cũng có thói quen bọc lại những cuốn sách cá nhân của mình?
Văn hóa bọc sách của người Nhật được cho là đã xuất hiện từ hơn 100 năm trước vào thời đại Taisho. Trong quá khứ, người Nhật sử dụng bọc sách miễn phí tại các hiệu bán sách. Những bọc sách này được in tên của hiệu sách và mỗi cửa tiệm có phong cách thiết kế bọc sách khác nhau. Người Nhật từ xưa đã luôn chú trọng việc đọc, họ tranh thủ đọc mọi lúc mọi nơi ở cả nơi công cộng nên những bìa sách có in tên cửa hiệu trở thành một cách quảng bá hiệu quả, một “chiến dịch marketing thú vị” có từ 100 năm trước của chủ các hiệu sách. Vậy tại sao ngay từ xưa người Nhật đã luôn sử dụng bọc sách?
Tôn trọng sự riêng tư
Người Nhật đọc sách, báo ở ga tàu điện ngầm
Trong văn hóa Nhật Bản, người Nhật tôn trọng tất thảy những thứ thuộc về phạm vi cá nhân. Một ví dụ điển hình là các dòng điện thoại được sản xuất tại Nhật, kể cả iPhone đều có trang bị chức năng phát ra âm thanh khi chụp ảnh và không thể tắt được âm thanh này để đề phòng trường hợp chụp lén, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của người khác mà chưa có sự cho phép. Người Nhật tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân kể cả khi họ đang ở nơi công cộng. Vì thế, đây cũng là một trong những lý do người Nhật chuộng việc bọc sách. Thói quen đưa ra những lời bình phẩm, phán xét về cuộc sống, sở thích cá nhân của người khác là vô cùng thiếu lịch sự. Để giảm thiểu số người bình phẩm và bị bình phẩm, việc chủ động tạo ra không gian riêng tư của mình là phương pháp tối ưu nhất.
Nếu như bạn cũng từng ngại việc đọc sách nơi đông người và có cảm giác không thoải mái nếu có ai đó nhìn vào tựa đề cuốn sách của bạn. Hãy bọc chúng lại và thoải mái với sở thích của mình, như cách mà một người Nhật vẫn làm.
Bảo vệ cuốn sách
Sách có bọc giấy
Nếu bạn là một người yêu sách chắc hẳn sẽ hiểu được cảm giác này. Bạn sẽ không bao giờ muốn cuốn sách mình yêu quý bị ố màu bìa, quăng góc hay dính bẩn. Sách là một phần không thể thiếu in sâu trong gốc rễ tiềm thức của người Nhật. Họ yêu kiến thức, yêu con chữ, văn chương và thẩm mỹ nghệ thuật nên họ yêu cả những gì bao xung quanh một cuốn sách. Bọc sách giúp bạn có thể chủ động bảo quản cuốn sách của mình thật tốt.
Làm chủ quyển sách
Bọc sách với nhiều loại giấy bọc đa dạng từ màu sắc đến kiểu dáng và chất liệu cũng là một cách để chủ nhân của cuốn sách có thể tự do thể hiện phong cách cá nhân của mình. Một chiếc bọc sách với gam đỏ nâu Vintage hoài niệm, họa tiết hoa văn nổi bật của phong cách Retro hoặc một vài những thiết kế hiện đại phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của mỗi cá nhân là ý tưởng không tệ cho chiếc bọc sách của bạn. Thật tiện lợi nếu như bạn không thích thiết kế của bìa sách, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những “chiếc áo mới” cho cuốn sách theo sở thích của riêng mình. Ở Nhật người ta không chỉ dùng giấy để bọc sách, mà còn sử dụng bìa lá Clear file và Tenugui (một loại khăn tay mỏng được làm từ vải cotton có in các họa tiết truyền thống của Nhật Bản). Giống như việc trang điểm cho bản thân, trang trí một ngôi nhà, việc bọc sách cũng khiến cho chúng ta thêm yêu quý và trân trọng cuốn sách của mình hơn.
Một số bìa bọc sách
Có họa tiết
Màu trơn
Người Việt Nam có bọc sách không và những góc nhìn từ khía cạnh văn hóa?
Tất nhiên ở Việt Nam cũng có những người có thói quen bọc sách, nhưng họ không chiếm đa số như ở Nhật Bản. Một là vì ở Việt Nam, đây không phải là một nét văn hóa đặc trưng, hai là vì các hiệu sách offline và cả online ở Việt Nam hầu như chưa có dịch vụ bọc sách. Điều này dẫn đến việc những người có thói quen bọc sách đa phần thường phải tự mua giấy về để gói. Như vậy thì khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, tùy vào ý thích của mỗi người, đa số người Việt Nam thích tận hưởng cảm giác chạm vào loại giấy láng mịn hay có bề mặt bóng loáng của bìa sách, thích ngắm nhìn những thiết kế đặc biệt mang dấu ấn của mỗi tác phẩm. Ví dụ như nhìn lướt qua một bìa sách màu đỏ cam với loáng thoáng sa mạc và lạc đà, bạn nhận ra đó là tác phẩm “Nhà giả kim” của Paulo Coelho, điều này thực sự rất thú vị. Trong vấn đề về văn hóa đọc sách, đa phần người trẻ Việt Nam sẽ không đề cao sự riêng tư mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc chia sẻ và lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng. Bạn cũng sẽ không lạ gì nếu một ngày lướt Facebook hay Instagram và bắt gặp những tấm hình chụp một cuốn sách với tựa đề rõ ràng bên cạnh một cốc cà phê của bạn mình. Tôi cũng rất thích xem những dòng trạng thái này của bạn bè, nó giúp tôi có cơ hội biết đến nhiều cuốn sách hơn và tìm được những tâm hồn đồng điệu, có cùng thế giới quan với mình, cùng nhau chia sẻ những góc nhìn mới và tạo ra một cộng đồng yêu sách thông qua sở thích chung. Đa phần người Việt Nam có xu hướng cởi mở hơn và có phần thích thú với việc để người khác biết mình đang đọc gì, có mối quan tâm đến những vấn đề nào. Đây cũng là cơ hội để bạn hiểu hơn về một người nào đó, thông qua cuốn sách mà họ đọc.
Dẫu là với bất kỳ hình thức nào, cứ làm nếu như bạn muốn
Cùng một vấn đề xã hội, ở những nền văn hóa khác nhau sẽ có những giải pháp và cách đối mặt khác nhau tùy vào phương pháp mà họ được nuôi dưỡng. Việc bọc sách phổ biến ở Nhật nhưng lại không được ưa chuộng ở Việt Nam là một ví dụ điển hình. Nhưng nếu bạn là một người Việt Nam hướng nội và ngại việc thể hiện bản thân qua những cuốn sách bạn đọc, hãy cứ bọc chúng lại. Hay nếu bạn là một người Nhật muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ cuốn sách của mình đến với cộng đồng, bạn chẳng cần ngại gì mà phải giấu chúng sau lớp giấy bọc đơn điệu. Bởi vì không có bất cứ nền văn hóa nào là dành cho tất cả mọi người. Chỉ cần bạn cảm thấy tốt thì đó chính là cách phù hợp nhất với bạn, dẫu cho bạn đang ở đâu.