share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Inspiration Journey Tây Tạng: Những ngày sống chậm lại giữa cao nguyên


ADVERTISEMENT

Tây Tạng - vùng đất nằm giữa dãy Himalaya, vẫn giữ được vẻ hoang sơ và ít bị tác động bởi du lịch đại chúng. Với những đỉnh núi tuyết phủ, những tu viện cổ kính và không gian yên tĩnh, đây là nơi mà sự tĩnh lặng và vẻ đẹp thiên nhiên giao hòa. Tuy là điểm đến đầy hấp dẫn nhưng không phải ai cũng dễ dàng đặt chân đến. Cùng WOWWEEKEND khám phá chuyến hành trình Tây Tạng của chị Bích Ngọc để hiểu hơn về vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

Đầu tiên, điều gì đã thôi thúc bạn lựa chọn khám phá Tây Tạng?

Không rõ từ bao giờ, trong tôi đã nhen nhóm mong muốn được đặt chân đến Tây Tạng. Có thể là do hình ảnh những tu viện, cảnh núi non trùng điệp, hoặc những dòng chữ về Phật pháp, lịch sử bí ẩn, về xe cộ, quân sự, sinh vật, địa lý, thiên văn, lịch sử, tôn giáo, du lịch, y học... Tất cả những điều ấy dần ngấm vào tâm trí, và khi cơ hội đến, mình đã đến Tây Tạng.

Được biết là bạn sinh sống tại Hà Nội. Vậy bạn có thể chia sẻ thêm về lộ trình của mình để đến với vùng đất Tây Tạng xa xôi này?

Hành trình của tôi chủ yếu là đường bộ. Từ Hà Nội, mình đến Lạng Sơn, rồi qua cửa khẩu Bằng Tường. Từ đó, tôi đi tàu từ Nam Ninh đến Thành Đô, tiếp tục chuyển tàu từ Thành Đô đến Thanh Hải, và cuối cùng là chuyến tàu từ Thanh Hải tới Tây Tạng. 

Khi về, tôi chọn cách bay từ Lhasa về lại Hà Nội. Dù có thể bay thẳng từ Hà Nội đến Lhasa, tôi muốn trải nghiệm hành trình đường bộ và đặc biệt là chuyến tàu huyền thoại Thanh Hải - Tây Tạng, một trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến đi này.

Trong chuyến đi này, bạn cảm thấy khí hậu và điều kiện tự nhiên nơi đây như thế nào mà độc giả nên biết khi đến Tây Tạng?

Một điều tôi từng lầm tưởng là ở độ cao như vậy sẽ luôn lạnh, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Tại Lhasa, thời tiết rất khô và nắng gắt, nhưng ở các vùng khác thì nhiệt độ có thể thay đổi rất nhiều, tùy vào độ cao và thời điểm. Vì vậy, tôi phải thường xuyên xem dự báo thời tiết từng nơi sắp đến để chuẩn bị trang phục và các vật dụng phù hợp.

Với độ cao trung bình trên 4000m, nguy cơ bị sốc độ cao là khá cao. Trước chuyến đi, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc chống sốc độ cao để bảo vệ sức khỏe. Thuốc này có thể mua tại Tây Tạng nhưng việc chuẩn bị sẵn từ nhà sẽ tiện lợi và yên tâm hơn.

Bạn đã khám phá những địa điểm nào và bạn cảm nhận như thế nào về khung cảnh hay kiến trúc nơi đây?

Lịch trình của tôi bắt đầu từ thủ phủ Lhasa, đi qua các điểm đến nổi bật như hồ Yamdrotso, Gyantse (5030m), Shigatse (3600m), Everest Base Camp (5200m) và Dingyal (4300m).

Ở Lhasa, tôi đã tham quan Tu viện Drepung, Tu viện Sera để xem các nhà sư tranh biện, và Cung điện Potala. Cũng tại đây, tôi có dịp khám phá Chùa Đại Chiêu Tự, dạo quanh phố Barkor và thưởng trà tại quán trà ngọt, trải nghiệm văn hóa địa phương. Hành trình tiếp tục từ Lhasa về phía tây đến Gyantse, qua hồ Yamdrok Yumco, thăm nhà dân địa phương và thưởng thức bữa trưa truyền thống. Tôi còn ghé qua sông băng Karola, vùng nông nghiệp Gyantse Bally, và ngắm cảnh tuyệt đẹp của Everest từ điểm quan sát Dingri và Gawula, cũng như tu viện Rongbuk. Trở về qua Dingyal và Sakya, tôi đã chiêm ngưỡng Núi Everest và Núi Lhotse từ điểm quan sát Xilin, và kết thúc bằng chuyến thăm Tu viện Tashilhunpo lớn nhất phía tây Tây Tạng.

Các tu viện Tây Tạng vừa đồ sộ, đẹp đến từng chi tiết, lại rất quy củ nên dễ tham quan. Mỗi tu viện có nét độc đáo riêng, không hề nhàm chán. Đường xá ở Tây Tạng rất tốt, giúp tôi dễ dàng chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ: những dãy núi tuyết trắng, hồ nước xanh ngắt, và những cung đường uốn lượn đầy ấn tượng.

Tây Tạng có những nét văn hóa và lối sống đặc trưng nào mà bạn cảm thấy độc giả sẽ thấy thú vị hoặc cần biết trước khi đến đây?

Văn hóa Tây Tạng nổi bật với vẻ đẹp hùng vĩ của dãy Himalaya và những truyền thống tôn giáo đặc sắc. Người dân nơi đây sống thanh tịnh, đề cao tinh thần cầu nguyện và hướng thiện, khiến Tây Tạng trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự an yên và giá trị linh thiêng trong Phật giáo.

Một phong tục đặc biệt là Thiên Táng, còn gọi là Điểu Táng. Thay vì chôn cất, người Tây Tạng đưa thi thể lên núi để làm mồi cho kền kền, một nghi lễ đã tồn tại qua bao thế hệ.

Trang phục truyền thống Tây Tạng cũng mang đậm bản sắc văn hóa. Không chỉ để che thân, trang phục còn biểu thị địa vị xã hội và niềm tin tôn giáo. Tôi đã thử mặc bộ trang phục này và chụp ảnh, chi phí cho thuê đồ và trang điểm vào khoảng 1 triệu đồng. Từ trang phục đến ẩm thực, từ nghệ thuật đến tín ngưỡng, mỗi khía cạnh của đời sống người Tây Tạng đều phản ánh sự đa dạng và phong phú của văn hóa này.

Về mặt ẩm thực, có nét độc đáo nào mà bạn đã khám phá ở Tây Tạng mà độc giả không thể bỏ qua khi đến đây? Có lưu ý gì về việc thưởng thức món ăn ở đây?

Ẩm thực Tây Tạng mang dấu ấn đậm nét của vùng cao nguyên khắc nghiệt. Một món ăn nổi bật là Tsampa – bột lúa mạch rang trộn với trà bơ và đôi khi là phô mai Yak, cung cấp năng lượng cần thiết cho cuộc sống nơi khí hậu khắc nghiệt.

Trà bơ Tây Tạng cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực nơi đây. Loại trà này được pha từ trà đen, bơ Yak, và muối, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên. Người Tây Tạng tin rằng trà bơ giúp giữ ấm và tăng cường sức khỏe trong khí hậu lạnh giá.

Thịt Yak cũng là nguyên liệu quan trọng, được chế biến thành các món như thịt khô, súp, hoặc nấu cùng rau củ. Mì từ bột lúa mì là món ăn phổ biến, thường ăn cùng nước dùng thịt và rau. Thịt Yak khô cũng có thể mua về làm quà, nhưng cá nhân mình thấy hơi béo và không mềm như thịt bò ta.

Theo bạn, những điều độc giả cần biết khi du lịch Tây Tạng về phương tiện di chuyển, các dịch vụ du lịch hoặc những lưu ý thực tế khác?

Khi du lịch Tây Tạng, có ba cách di chuyển phổ biến để đến đây: ô tô, tàu hỏa và máy bay. Tuy nhiên, du khách không thể tự túc hoàn toàn mà phải tham gia tour. Bạn có thể chọn tour của các công ty du lịch Việt Nam hoặc liên hệ trực tiếp với công ty du lịch tại Tây Tạng. Nếu muốn tự đặt tour ở Tây Tạng, hãy tìm hiểu kỹ về công ty để tránh trường hợp lừa đảo, đặc biệt là tình trạng nhận đặt cọc rồi “biến mất” không hiếm gặp.

Ngoài ra, chi phí du lịch cũng sẽ là một điều đáng quan tâm. Vậy bạn có thể chia sẻ thêm về chi phí trải nghiệm Tây Tạng như chỗ dừng chân lưu trú, các hàng quán,... có điểm gì đặc biệt mà độc giả cần biết để chuẩn bị trước chuyến đi?

Chi phí cho chuyến đi Tây Tạng sẽ bao gồm các dịch vụ như di chuyển, ăn uống, lưu trú và vé tham quan. Ở Lhasa, bạn sẽ tìm thấy nhiều quán ăn ngon với phong cách ẩm thực đa dạng, đặc biệt là những quán có kiến trúc rất đẹp, mang đến không gian thưởng thức đặc biệt. Tuy nhiên, trên đường đi, các hàng quán thường khá đơn sơ. Vì vậy, nếu bạn không quen với đồ ăn địa phương, nên chuẩn bị sẵn một số đồ ăn dự phòng để đảm bảo sức khỏe trong suốt hành trình.

Sau trải nghiệm của mình, bạn có lời khuyên nào cho những ai có ý định đi Tây Tạng theo hành trình tương tự?

Khi chuẩn bị cho chuyến đi Tây Tạng, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng. Trước hết, giấy phép nhập cảnh Tây Tạng là bắt buộc, và sẽ được kiểm tra tại sân bay khi nhận thẻ lên máy bay và khi qua các cửa an ninh. Đừng quên mang theo hộ chiếu, thị thực Trung Quốc và giấy phép này suốt chuyến đi, vì bạn sẽ cần nó khi di chuyển trong khu vực. 

Ngoài ra, các món ăn ở Tây Tạng khá cay và nhiều dầu mỡ, nên nếu không quen, bạn có thể mang theo đồ ăn dự phòng nhưng nhớ đóng gói cẩn thận. Trang phục nên thoải mái, phù hợp với khí hậu lạnh vào ban đêm, và đừng quên mang giày đi bộ tốt vì nhiều điểm tham quan yêu cầu bạn phải di chuyển bộ. Kính mát, kem chống nắng và các vật dụng bảo vệ cơ thể khỏi nắng là điều không thể thiếu, đặc biệt khi bạn lên cao và ánh nắng mạnh hơn. 

Cuối cùng, khi đến Tây Tạng, hãy nhớ chuẩn bị cho mình sự linh hoạt về thời gian và sức khỏe, bởi sự thay đổi đột ngột về độ cao và khí hậu có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn.

Cảm ơn Bích Ngọc đã chia sẻ cùng WOWWEEKEND!

>>Xem thêm: Mông Cổ: Cuộc hành trình qua những thảo nguyên hoang dã và di sản du mục


ADVERTISEMENT