Explore Top 8 nhà thờ cổ có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam
Kiến trúc Việt Nam muôn màu muôn sắc, bên cạnh phong cách truyền thống thì còn chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách kiến trúc, văn hóa khác nhau trên thế giới. Theo thời gian, những công trình kiến trúc giờ đây đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là một trong những biểu tượng không thể thiếu tại Việt Nam.
Một trong những công trình kiến trúc phải nhắc đến ấy chính là những ngôi nhà thờ. Mỗi nhà thờ đều được xây dựng theo xu hướng kiến trúc khác nhau, tạo nên vẻ độc đáo, riêng biệt không hòa lẫn. Trong bài viết này, mời bạn đọc cùng WOWWEEKEND khám phá 8 nhà thờ với 8 phong cách kiến trúc khác nhau, xứng tầm cổ kính và đẹp nhất Việt Nam!
Nhà thờ đá Phát Diệm
Ảnh: Ecowaytravel.com
Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) có hơn 120 năm tuổi đời, được xây dựng suốt ròng rã 30 năm. Nơi đây được mệnh danh là ''Kinh đô Công giáo Việt Nam''. Nhà thờ Phát Diệm gồm một nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng đá tự nhiên, được gọi là Nhà thờ đá), Phương Đình (tháp chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo.
Điểm khác biệt độc đáo ở nhà thờ Phát Diệm là kiến trúc nhà thờ được xây dựng theo nét kiến trúc đền, chùa thuộc truyền thống làng quê miền Bắc Việt Nam. Do vậy, nếu chỉ nhìn vào vẻ đẹp bên ngoài, bạn sẽ dễ dàng nhầm lẫn cho đây là một ngôi chùa cổ xưa. Vẻ đẹp cổ kính cùng kiến trúc độc đáo, nhà thờ Phát Diệm tạo cảm giác gần gũi, thân thương đối với người Việt Nam. Đi sâu vào trong, bạn có lẽ sẽ bất ngờ hơn vì sự tỉ mẩn, tinh xảo trong từng chi tiết của bức điêu khắc, chạm trổ. Những bức tường, trụ cột xung quanh nhà thờ đều được khắc lên hình ảnh đậm chất chân quê, là biểu tượng linh hồn Việt như Tùng, Cúc, Trúc, Mai, Hoa sen…
Địa chỉ: Thị trấn Phát Diệm, Huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình
Nhà thờ Cửa Bắc
Ảnh: Flickr.com
Nhà thờ Cửa Bắc còn có tên gọi là Nhà thờ Đức Mẹ Hà Nội. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp tên Hébrard, theo dáng hình chữ nhật. Nhà thờ chính là sự giao thoa giữa kiến trúc, văn hóa Á - Âu, đem lại cảm giác gần gũi với văn hóa Đông phương.
Được xây dựng trong vòng 5 năm, kéo dài từ năm 1925 đến 1930, nhà thờ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song về hai phía. Không gian được chia làm hai khu vực để đón tiếp và là nơi để mục sư hành lễ. Nội thất được thiết kế và trang hoàn theo kiểu nhà thờ châu Âu. Nhà thờ Cửa Bắc là một trong những công trình về tôn giáo lâu đời, đặc sắc ở Thủ Đô. Nét trang nghiêm và cổ kính của nhà thờ tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh tĩnh, như nốt trầm lặng lẽ giữa chốn ồn ã phố thị.
Địa chỉ: 56 Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
Nhà thờ Tân Định
Ảnh: Flickr.com
Nhà thờ Tân Định hay còn được biết đến với tên gọi ''Nhà thờ màu hồng'' từng tạo nên ''cơn sốt'' đối với khách du lịch ngoại quốc khi lần đầu đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh. Mang phong cách Roma cổ điển với lối kiến trúc độc đáo, nhà thờ Tân Định được xem là một trong những nhà thờ lâu đời bậc nhất Sài Thành. Vật liệu xây dựng nhà thờ chủ yếu bằng cẩm thạch và đá quý có nguồn gốc từ Ý. Từ phía ngoài, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những tòa tháp chính phụ cùng dãy hành lang có mái vòm được thiết kế trang nhã. Đặc biệt, cây thánh giá trên đỉnh tháp được làm bằng đồng, cao 3m chính là điểm ấn tượng của nhà thờ, biểu trưng cho phong cách của đạo Thiên Chúa Giáo. ''Lớp áo'' hồng nổi bật dưới ánh nắng tạo cảm giác lung linh, rực rỡ khắp phố phường. Dù cách xa hàng ngàn mét, bạn vẫn có thể trông thấy đỉnh tháp màu hồng bắt mắt từ phía nhà thờ.
Địa chỉ: 289 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3, TPHCM
Nhà thờ Hạnh Thông Tây
Ảnh: Flickr.com
Mặc dù nằm cách xa trung tâm thành phố, nhưng nhà thờ Hạnh Thông Tây vẫn được nhiều người biết đến nhờ vẻ đẹp độc đáo, hiếm có cùng giai thoại đầy cảm động về quá trình xây dựng nhà thờ. Nhà thờ Hạnh Thông Tây được cho xây dựng bởi Denis Lê Phát An (vốn là cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương), thuộc phong cách Byzantine mô phỏng theo Vương cung thánh đường Vitale ở TP Ravenna nước Ý. Nhờ kiểu kiến trúc khác lạ, nhà thờ Hạnh Thông Tây trở thành nhà thờ có phong cách kiến trúc hiếm có và độc đáo bậc nhất Sài Gòn và ở Việt Nam.
Phong cách Byzantine là lối kiến trúc có thiết kế mái hình vòm, dùng nhiều ô cửa kính để hấp thụ ánh sáng từ mái vòm. Nội thất chủ yếu được sử dụng là tranh ghép từ đá, gạch thay vì chạm trổ điêu khắc thông thường. Đặc biệt, phía sau nhà thờ có mộ và tượng của vợ chồng Denis Lê Phát An. Hình ảnh tượng người chồng được đặt bên mộ vợ và ngược lại đem đến cảm giác rung động mãnh liệt về sự gắn bó, yêu thương của vợ chồng ông Denis.
Địa chỉ: 7B Quang Trung, Phường 11, Quận Gò Vấp, TPHCM
Nhà thờ chính tòa Kito Vua
Ảnh: Flickr.com
Nhà thờ chính tòa Kito Vua hay còn được biết đến với tên gọi thân mật là Nhà thờ Núi Nha Trang. Nhà thờ được xây dựng trên đỉnh núi Bông, trong vòng 6 năm kể từ 1928 đến năm 1933. Thiết kế theo kiến trúc Gothic giúp nhà thờ trở nên đặc biệt, như điểm nhấn giữa đất trời và là niềm tự hào của người Kitô ở Nha Trang.
Toàn bộ nhà thờ được dựng bằng đá, để tạo mặt bằng trên đỉnh núi có độ cao 12m, công nhân thi công phải dùng 500 quả mìn trong quá trình xây dựng nhà thờ. Đỉnh tháp chuông - nơi đặt Thánh giá là điểm cao nhất của nhà thờ với chiều cao 38m. Hai chuông đồng treo trên tháp chuông được chế tạo và vận chuyển từ hãng chuông nổi tiếng nhất nước Pháp, tên Bourdon Carillond. Phía trong Thánh đường trang nghiêm và vô cùng lộng lẫy. Thiết kế độc đáo tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên tạo không gian rực rỡ, sống động và linh thiêng bên trong Thánh đường.
Địa chỉ: Ngã 6 Nguyễn Trãi, TP. Nha Trang
Nhà thờ Lớn
Ảnh: Azlocaltrip.com
Nhà thờ Lớn từ lâu đã trở thành một phần biểu tượng của người dân Thủ Đô, đặc biệt là giới trẻ Hà Thành. Đây được xem là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng cho bất cứ ai khi đặt chân đến Hà Nội. Mặc dù tên gọi chính thức là Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse, nhưng người dân địa phương vẫn sử dụng tên gọi Nhà thờ lớn vì mang đến cảm giác thân thuộc và gần gũi.
Nhà thờ Lớn được xây dựng và thiết kế theo phong cách Gothic Trung cổ Châu Âu với đặc trưng mái vòm, tòa nhà cao, có nhiều cửa sổ. Vật liệu chính để xây dựng nhà thờ là gạch nung và lá bổi. Qua bao thăng trầm lịch sử trải dài suốt ba thế kỷ, nhà thờ Lớn vẫn sừng sững đứng đó, chứng kiến vạn vật thay đổi, nhìn ngắm Hà Nội ''trưởng thành'' và ''lớn lên''.
Địa chỉ: Số 40 Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Vương cung Thánh đường Phú Nhai
Ảnh: Flickr.com
Thánh đường Phú Nhai từng được xem là nhà thờ lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1866, nhà thờ Phú Nhai được khởi dựng bằng gỗ và lợp bồi bởi Chính xứ Emmanuel Rianô. Sau nhiều biến cố, nhà thờ được trùng tu và xây dựng lại theo phong cách kiến trúc Gothic nước Pháp. Nhà thờ cao 30m, được bao bọc bởi hai tháp chuông cao với bốn quả chuông, trong đó có quả nặng đến 2 tấn.
Đứng từ ngọn tháp cao ở nhà thờ, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Xuân Trường. Từ năm 2008, nhà thờ Phú Nhai được nâng lên thành Tiểu vương cung Thánh đường Phú Nhai. Là một trong 4 vương cung thánh đường tại Việt Nam. Thánh đường Phú Nhai là địa điểm du lịch, tham quan về văn hóa, kiến trúc nổi tiếng ở Nam Định. Đồng thời, đây cũng chính là niềm tự hào của người dân địa phương.
Địa chỉ: Xã Xuân Phương, Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định
Nhà thờ Đức Bà
Ảnh: Flickr.com
Niềm tự hào của người Sài Gòn nói riêng cũng như Việt Nam nói chung chính là Nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ Đức Bà tọa lạc tại khu trung tâm sầm uất bậc nhất Sài Gòn, là địa điểm tham quan nổi tiếng dành cho du khách thập phương tựu về.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1877, ba năm sau thì hoàn thành. Ban đầu, nhà thờ có tên gọi Nhà thờ Nhà nước vì do nhà nước Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý. Về sau được đổi tên thành Nhà thờ Đức Bà (1959). Tháng 12 năm 1959, nhà thờ được tôn phong lên hàng tiểu Vương cung thánh đường, lấy tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
Phía trước nhà thờ, tại khuôn viên vườn hoa có tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm địa cầu, trên địa cầu được đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và thế giới được hoà bình.
Hiện tại, mặc dù đang được trùng tu, nhưng mỗi ngày nhà thờ luôn đón lượng lớn khách du lịch viếng thăm và chụp hình.
Địa chỉ: 1 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
Lược dịch từ theculturetrip.com