Explore Lạc bước tới chốn “Đạo có Tình”
Một ngày cuối ở Huế trong chuyến trở lại lần này, chúng tôi lại dành trọn thời gian đi thăm chùa. Chùa ở Huế mang nét trầm mặc của đất cố đô, không chỉ ở lối kiến trúc mà bởi không khí, mang lại cảm giác tĩnh và lặng đặc biệt. Và theo nghĩa thực, chúng tôi, những người lữ khách đã lạc bước tới chùa Huyền Không Sơn Thượng, tôi xem như một mối duyên lành được biết tới chốn “Đạo có Tình” này, theo như cách các thầy giới thiệu hình ảnh và kể chuyện về ngôi chùa trên Facebook.
Toàn cảnh chùa Huyền Không Sơn Thượng nhìn từ trên cao
Huế ngày tháng 10 vẫn nắng khá gắt, chạy xe theo hướng qua chùa Thiên Mụ quãng 10km để tìm chùa Huyền Không theo thông tin tìm kiếm trước đó trên Internet. Theo chỉ dẫn của người dân ven đường thì phải đi thẳng, băng qua đường quốc lộ bên kia sẽ gặp chùa, nhưng chẳng hiểu nguyên do nào, quẹo rẽ qua một cánh đồng, chúng tôi thấy biển chùa Huyền Không Sơn Thượng và cứ vậy mải miết đi tới lưng chừng núi, hun hút như theo lối mòn vào rừng.
Ngày thường nên chùa tĩnh mịch như nơi vốn là, chúng tôi không quên hỏi lại bác trông giữ xe một lần nữa, hóa ra lạc lại chỉ là cái cớ, có hai chùa là Huyền Không ở phía dưới làng và chùa Huyền Không Sơn Thượng trên này. Và trước kia, vị sư phụ có bút hiệu là Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã từng trụ trì chùa Huyền Không, thầy rời khỏi chùa dưới chân núi, lên trên trồng 50 ha rừng và khai dựng rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng trong suốt 20 năm qua.
Rừng thiền ngự giữa vùng núi non rộng lớn
Phần vì chùa là cả vùng núi non quá rộng lớn, phần nữa từ chỗ ngỡ ngàng cho tới bị hút chẳng muốn rời chân đi, chúng tôi đã dành nguyên ngày nơi đây, vậy mà chỉ như một khoảnh lặng yên ngắn ngủi giữa chốn thiêng. Với những người trẻ, tóc còn xanh, đây là lần đầu tiên chúng tôi được biết đến một kiến trúc chùa khác so với những gì đã được đi, được nhìn ở các chùa vùng Bắc Bộ, Nam Bộ. Chùa ở Huế nổi tiếng với lối kiến trúc cung đình, bao xung quanh là miệt vườn xanh muớt. Nhưng ở Huyền Không Sơn Thượng này thì hoàn toàn khác, chùa không sơn son thiếp vàng, không trưng những câu đối chữ Hán, chùa theo dòng Nam Tông, được kiến tạo bởi sư thầy bậc nhất về kiến trúc và thư pháp bằng tiếng Việt, theo lối thuần Việt, giữ nguyên hồn Việt và nét Huế rất riêng.
Cảnh sắc sơn thủy của không gian không sơn thiền uyển
Tìm lối lên chánh điện, chúng tôi lại một lần nữa lạc trước vẻ đẹp của không gian không sơn thiền uyển, không biết đâu là lối chính và lối nào cũng muốn qua bởi non nước hữu tình quá đỗi mê hoặc. Chắc cái tên “Đạo có Tình” là do vậy, cả rừng thiền vô cùng rộng lớn này đều là nghệ thuật sắp đặt thuận theo tự nhiên, mọi cảnh vật, cỏ cây, tấm đá đều được đặt tên . Không sơn thiền uyển có ngũ hồ được nối với nhau bằng các cây cầu đưa lên các đảo nhỏ mang cấu trúc giản dị, được dựng từ các cột gỗ và mái ngói vảy cá, mỗi đảo là một miền không gian riêng, có tên riêng chứa đầy dụng ý. Đặc biệt khu Thư pháp đình, cụm nhà thủy tạ năm mái, khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, những câu thơ thư pháp được sư thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh và các học trò thủ bút.
Ngũ hồ được nối với nhau bằng các cây cầu đưa lên các đảo nhỏ mang cấu trúc giản dị
Phàm không thể ghi nhớ hết các tên, cũng chẳng thể nào đọc hết mà hiểu tứ thơ trong bức thư pháp, nhưng tôi thiết nghĩ đây là hồ tịnh tâm như để tâm trí được tĩnh và nhuốm nét huyền hoặc của không gian trước khi bước vào khu chánh điện. Tới đây, chúng tôi mới gặp các tăng sư đang lao tác, các thầy làm tất cả mọi việc, từ việc dọn dẹp, sinh hoạt hàng ngày cho tới trồng rừng, kéo đá từ trên núi về để trang trí và hoàn thiện ngôi chùa, công việc xây chùa và gây rừng đã suốt 20 năm qua.
Cổng chính dẫn vào khu chánh điện với lối kiến trúc bằng đá
Dừng chân bên một chòi nghỉ, chúng tôi rón rén xin sư thầy miếng nước bởi mải mê suốt buổi sáng rong ruổi giữa chốn này. Thầy nhẹ nhàng gập lại trang sách đang đọc mà cho mỗi đứa một chai nước, ban đầu thầy hỏi chuyện và cho một chiếc bánh chưng, sau thầy còn bảo chắc giờ này đói lắm rồi, thầy lại dúi tay cho mỗi đứa một gói xôi ngô, tất cả đều là quà các thầy khất thực buổi hôm qua. “Một bữa no” này cứ ấn tượng mãi trong tôi, no bởi tấm quà quý, no cả bởi cái đạo, cái tình mà thầy chia sẻ.
Chiều buông, chân bước về mà những hình ảnh về cảnh sắc, về không gian, về những vị tăng sư của ngôi chùa cứ cuộn lại như một thước phim đẹp trong tâm trí. Phần vì chốn tôn nghiêm, tôi không dám ghi lại hình ảnh khu chánh điện, phần vì muốn giữ nơi đây như những gì vốn là. Cứ ngỡ như ngôi chùa đã tồn tại hàng trăm năm mà vẫn giữ được nét nguyên sơ, ẩn mình giữa rừng thiền.