Fashion Triển lãm Cartier lớn nhất tại London 2025: Hành trình của những kiệt tác
Bảo tàng Victoria and Albert (V&A) tại London sẽ tổ chức triển lãm lớn nhất về Cartier tại Anh sau gần 30 năm, diễn ra từ 12/04/2025 đến 16/11/2025 tại The Sainsbury Gallery. Với hơn 350 hiện vật, triển lãm tái hiện hành trình phát triển của Cartier từ một thương hiệu gia đình thành đế chế trang sức toàn cầu.
Vương miện, Cartier London, 1937. Chất liệu bạch kim đính kim cương cắt tròn cổ điển, đá aquamarine hình bầu dục. Họa tiết trung tâm có thể tháo rời khỏi vương miện và đeo như trâm cài, hướng xuống dưới. Ban đầu chỉ có một hàng đá aquamarine, sau đó 5 tháng, khách hàng đã yêu cầu làm thêm hàng đá thứ hai. Năm 1937, Cartier London đã nhận ít nhất 27 đơn đặt hàng. © Cartier
Những kiệt tác huyền thoại được trưng bày
Được mệnh danh là “thợ kim hoàn của các vị vua và vị vua của thợ kim hoàn”, Cartier sở hữu một danh sách khách hàng đáng ghen tị, là những cái tên thuộc dòng dõi hoàng gia cùng quý tộc và các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn.
Cũng chính vì vậy, triển lãm hành trình phát triển của Cartier sẽ mang đến một BST độc đáo. Khách thưởng lãm sẽ có cơ hội ngắm nhìn các kiệt tác trang sức quý hiếm, những mẫu đồng hồ mang tính biểu tượng, cảm nhận quá trình chế tác qua các bản vẽ thiết kế chưa từng được công bố và cả những viên đá quý huyền thoại.
Băng đô phong cách Tutti Frutti, do English Art Works chế tác cho Cartier London, năm 1928. Chất liệu: Ngọc lục bảo, hồng ngọc, sapphire, kim cương và bạch kim. © Victoria and Albert Museum, London
Nổi bật trong số đó vẫn phải nhắc đến trâm cài Williamson Diamond với viên kim cương hồng 23.6 carat – món quà cưới từng thuộc về Nữ hoàng Elizabeth II, Scroll Tiara – chiếc vương miện kim cương từng xuất hiện trong lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II và trên bìa W Magazine cùng nữ nghệ sĩ Rihanna, nhẫn đính hôn của Grace Kelly, và dây chuyền rắn huyền thoại của María Félix…
Như một lẽ hiển nhiên, bên cạnh những món trang sức quý hiếm, các mẫu thiết kế tiêu biểu mang tính di sản như BST Panthère, đồng hồ Crash (1967) và loạt thiết kế art deco độc đáo cũng sẽ được trưng bày tại triển lãm, khẳng định khả năng sáng tạo và tầm ảnh hưởng của thương hiệu đối với ngành kim hoàn thế giới.
Trâm cài áo thời kỳ cuối Art Deco. Cartier London, 1940. Chất liệu: Kim cương và bạch kim © Victoria and Albert Museum, London
Triển lãm chia thành ba phần chính
Phần đầu tiên của triển lãm sẽ tập trung vào nguồn cảm hứng và quá trình hình thành nên phong cách Cartier. Phần này giới thiệu về Louis, Pierre và Jacques Cartier, những thành viên trong gia đình đã làm nên sự nghiệp huy hoàng, thành lập một doanh nghiệp nổi tiếng toàn cầu. Đồng thời sẽ cho thấy quá trình phát triển theo thời đại của Cartier, từ phong cách Garland cổ điển đến các thiết kế lấy cảm hứng từ nghệ thuật Ấn Độ, Hồi giáo và Art Deco.
Đặc biệt, những nguồn cảm hứng và sức mạnh của mối quan hệ với tệp khách hàng quan trọng cũng được nhắc đến. Những màn hợp tác ấn tượng, những cú bắt tay lịch sử đã tạo nên một số kiệt tác đáng chú ý nhất của hãng.
Trâm cài, Cartier London, 1933. Chế tác từ bạch kim, đính kim cương cắt tròn cổ điển, sapphire cắt giác và cắt calibré, viên thạch anh tím hình chữ nhật. Thiết kế dựa trên ý tưởng của Jacques Cartier: Viên thạch anh tím tượng trưng cho vợ ông, Nelly Harjes, bốn họa tiết hình vuông đại diện cho bốn người con, và viền sapphire cắt calibré tượng trưng cho chính Jacques Cartier. Nguồn: Gia đình Jacques Cartier.
Phần tiếp theo hướng về những nhà xưởng của Cartier, tập trung vào khả năng tiếp cận đặc biệt với các loại đá quý quan trọng và tay nghề thủ công làm nên tên tuổi thương hiệu. Phần này sẽ hé lộ quá trình chế tác tinh xảo để hình thành nên kiệt tác trang sức hoàn chỉnh. Du khách sẽ thấy được công đoạn chú báo Panthère nổi tiếng ra đời, nhìn lại các chuyến đi tìm nguồn cung ứng của Jacques Cartier tại Trung Đông, Ấn Độ và Sri Lanka, cũng như mạng lưới khách hàng và đại lý ưu tú của thương hiệu.
Phần này sẽ có phân đoạn dành riêng cho các vật liệu chất lượng đằng sau các sáng tạo. Mở ra hành trình xưởng thủ công Cartier thử nghiệm, phát minh và đổi mới kỹ thuật, giải phóng trí tưởng tượng, liên tục thách thức giới hạn của kỹ nghệ chế tác trang sức để tạo nên những thiết kế tiên phong.
Ảnh trái: Trâm cài hình hoa hồng, Cartier London, 1938. Bạch kim, đính kim cương cắt baguette, kim cương tròn cắt cổ điển và kim cương cắt đơn; Ảnh phải: Dây chuyền, Cartier Paris, 1928, phục chế từ 1999-2002. Bạch kim, đính kim cương cắt cổ điển và cắt hoa hồng (trên dây chuyền và các mắt nối), 1 viên zirconia vàng hình đệm, 4 viên zirconia trắng, 13 viên topaz trắng, 2 viên ruby tổng hợp, 1 viên thạch anh khói và 1 viên citrine. Khi Cartier mua lại vào năm 1998, các viên đá lớn nhất đã bị thất lạc. Cartier sử dụng zirconia vàng, zirconia trắng, topaz trắng, citrine và thạch anh khói thay thế cho kim cương, trong khi hai viên ruby cũng được thay bằng đá tổng hợp. © Cartier
Phần cuối của triển lãm sẽ cho thấy cách Cartier được công nhận rộng rãi khắp thế giới, ảnh hưởng văn hóa và chiến lược của thương hiệu. Du khách sẽ có cơ hội khám phá cách Cartier xây dựng hình ảnh thông qua các sự kiện quốc tế, từ màn kết hợp với hoàng gia châu Âu đến đồng hành trên thảm đỏ cùng các ngôi sao Hollywood.
Triển lãm sẽ kết thúc với loạt vương miện Cartier chưa từng được công bố. Vương miện được xem là biểu tượng tối thượng của địa vị, vẻ đẹp thanh lịch, sự giàu có, và Cartier đã đồng hành cùng các chuẩn mực quyền lực này suốt hành trình phát triển. Đặc sắc có thể kể đến vương miện Opal được Nữ hầu tước Mary Cavendish xứ Hartington đặt hàng vào năm 1937, cũng được đeo như một chiếc vòng cổ trong lễ đăng quang của Elizabeth II vào năm 1953 và chưa từng được trưng bày trước đó; vương miện phong cách Garland từ năm 1902 được đeo trong lễ đăng quang của Elizabeth II, và được Rihanna đeo trên trang bìa Tạp chí W vào năm 2016 cùng nhiều kiệt tác đã làm nên Cartier suốt hành trình phát triển.
Vương miện Scroll, Cartier Paris, được đặt làm cho Nữ bá tước Essex năm 1902. Chất liệu: Bạc, vàng, kim cương cắt đệm, kim cương tròn cắt cổ điển và kim cương cắt hoa hồng, kỹ thuật đính hạt millegrain. Năm 1990, vương miện này được một người buôn đá quý mua lại với ý định cắt nhỏ lấy đá. Cựu giám đốc Cartier Éric Nussbaum tiếp cận và giữ lại vật phẩm lịch sử này. Đến nay, Cartier vẫn còn giữ lá thư cảm ơn từ cháu gái của quý bà Essex vì nỗ lực bảo tồn này. © Cartier
Vương miện Manchester, Harnichard chế tác cho Cartier Paris, 1903. Chất liệu kim cương, vàng và bạc; chi tiết C-scroll ở hai đầu được đính thủy tinh giả kim cương. © Victoria and Albert Museum, London
Trâm cài Scarab, Cartier London, 1925, với đôi cánh nạm đá quý cắt calibré đầy màu sắc, © Cartier
Vòng cổ ngọc bích, Cartier Paris, 1934, là một tuyệt tác từ bạch kim và vàng, gồm 27 hạt ngọc phỉ thúy với đường kính từ 15,40 đến 19,20 mm, kết hợp cùng kim cương cắt baguette, kim cương cắt đơn và hồng ngọc cắt calibré kiểu buff-top. Với chiều dài 51,50 cm, chiếc dây chuyền này từng thuộc sở hữu của Barbara Hutton – một trong những người phụ nữ giàu có nhất thế giới © Cartier
Đồng hồ đeo tay Crash, do Wright & Davies chế tác cho Cartier London, 1967. Chế tác từ vàng, sapphire, thép xanh và dây da © Cartier
Thông tin thêm
Thiết kế triển lãm được thực hiện bởi Asif Khan MBE, kiến trúc sư nổi tiếng với phong cách kết hợp ánh sáng, âm thanh và không gian, hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm thị giác đặc biệt, đưa khán giả bước vào thế giới của Cartier.
Tên triển lãm: Cartier Địa điểm: Bảo tàng V&A, South Kensington, London – The Sainsbury Gallery Thời gian: 12/04/2025 – 16/11/2025 Vé hiện đã mở bán tại: vam.ac.uk/exhibitions/cartierXem thêm: >> Sàn diễn, xu hướng và những BST đáng chú ý tại Paris Fashion Week 2025 (P.1) >> Những thiết kế túi xách định hình xu hướng xuân hè 2025