share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Inspiration Journey Trung Á - Bản giao hưởng của thiên nhiên và văn hoá thời Trung cổ


ADVERTISEMENT

Có những người lựa chọn rong ruổi đây đó như một cách giải thoát khỏi thực tại, với Minh Đức, du lịch là một cơ hội để thách thức những niềm tin phổ biến về một số quốc gia trên thế giới.

Trong quan niệm của một số du khách, các quốc gia ở Trung Á “không có gì để khám phá, nghèo và nguy hiểm”, thậm chí nhiều người còn không thể liệt kê nước nào thuộc Trung Á. Ngoài mục đích trải nghiệm, Minh Đức chọn đến Trung Á để hiện thực hóa ý nghĩ có thể kể một câu chuyện khác về vùng đất xinh đẹp này.

Vị khách lữ hành trẻ tuổi thường mong muốn các chuyến du lịch sẽ khiến bản thân phải thốt lên rằng “à, tôi đã sai rồi”. Là một người khá cởi mở và hay chất vấn những định kiến du lịch, Minh Đức không giữ suy nghĩ gì quá lớn về Trung Á trước đó, chỉ có vài điều nho nhỏ như “không biết tiếng Nga sẽ khó du lịch Trung Á”. Nhưng ba tuần ở đây chứng minh điều này “không đúng lắm” vì bản thân Minh Đức chưa gặp trở ngại nào về ngôn ngữ.

Trung Á với Đức là một vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên và văn hóa. Có lẽ đó là điều Minh Đức kỳ vọng nhất khi tới ba quốc gia Uzbekistan - Kazakhstan - Kyrgyzstan.

Thung lũng Altyn Arashan thơ mộng

Chuyến “roadtrip” Trung Á với đủ cung bậc cảm xúc của Minh Đức kéo dài 21 ngày, bắt đầu vào tháng 7/2024 - thời điểm sau khi anh hoàn thành chương trình học ở nước ngoài. Minh Đức dành 10 ngày khám phá Kazakhstan, Kyrgyzstan và 10 ngày lang thang Uzbekistan. Nhiều người hỏi Minh Đức tại sao lại có sự ưu ái đó trong khi cả 3 điểm đến đều cùng “đuôi -stan” và Kazakhstan cũng nằm trên con đường tơ lụa?

Minh Đức chia sẻ mình và nhóm bạn cũng đã thử nâng lên đặt xuống nhưng không thể bỏ thành phố nào. Uzbekistan có 5 di sản văn hóa phi vật thể thì ba trong số đó là Samarkand, Bukhara, Khiva đều thuộc cấp thành phố, đô thị. Minh Đức và nhóm bạn mình đã không bỏ lỡ bất cứ điểm đến nào.

Tháp tượng niệm Kaltaminor ở Khiva

Mười ngày là con số không dài không ngắn, đủ để Minh Đức sải bước khám phá trọn vẹn thành phố quan trọng trên con đường tơ lụa. Anh ưu ái hơn cho Uzbekistan một phần vì văn hóa (trong khi Kazakhstan và Kyrgyzstan được biết đến nhiều hơn với vẻ đẹp thiên nhiên và cảnh sắc núi rừng hùng vĩ). Từ khi còn nhỏ, Minh Đức đã mơ ước được tới con đường tơ lụa hay nhìn thấy những dấu tích của quá khứ, bởi có lẽ không còn quá nhiều quốc gia vẫn lưu giữ hệ thống công trình kiến trúc, văn hóa nguyên vẹn và ý nghĩa như vậy.

Thiếu Uzbekistan, bức tranh du lịch Trung Á sẽ mất đi một mảng quan trọng. Đối trọng với vẻ đẹp thiên nhiên Trung Á tươi đẹp và di sản văn hóa Liên Xô ở các thành phố lớn như Bishkek, Tashkent, Almaty là những giá trị văn hóa của con đường tơ lụa. 

Công trình Toqi Zargaron mang đậm dấu ấn lịch sử tại Bukhara, Uzbekistan

Kazakhstan, Kyrgyzstan - điểm chạm của thiên nhiên

Du khách Việt Nam đa phần sẽ chọn Kazakhstan, Kyrgyzstan bởi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có, những đồng cỏ mênh mông, những chú ngựa thong dong gặm cỏ, bên cạnh là hồ nước xanh mát hay ngọn núi tuyết lấp ló sau triền đồi hay khu rừng lá kim nên thơ.

Ngay trên máy bay từ Delhi (Ấn Độ) đến Almaty (Kazakhstan), nhìn thấy cảnh vật bên dưới, Minh Đức thầm nghĩ thật sai lầm cho những ai từng mường tượng Kazakhstan là một nơi “chẳng có gì lý thú”.

Quốc gia trung tâm của lục địa Á-Âu có hồ Kaindy nằm trên dãy Tian Shan, cách Almaty 130 km về phía Đông Nam. Điểm đặc biệt của hồ là rừng cây vân sam như đang mọc ngược nhưng thực chất chúng là tàn tích sau trận lở đất hình thành hồ. Hẻm núi Charyn Canyon 12 triệu năm tuổi kiêu hãnh chịu nắng chịu gió, xung quanh là thảo nguyên mênh mông, cũng là địa danh nhất định các vị khách phải đặt chân đến khi ghé thăm Kazakhstan.

Hẻm núi Charyn Canyon xé toạc thảo nguyên

Rời Kazakhstan, đoàn của Minh Đức lên xe chuyên dụng đến Altyn Arashan nằm ở lõi vườn quốc gia Karakol, Kyrgyzstan. Thung lũng đẹp với rừng lá kim bạt ngàn. Song khoảnh khắc Đức nhớ nhất vẫn là đêm ở hồ Song-kol, “viên ngọc” của đất nước.

Con đường tới hồ Song-kol trắc trở, đường đèo quanh co, nhiều đoạn nằm rất sâu trong núi cần phải đổi sang xe “Uoat”. Minh Đức chia sẻ ngày tham quan hôm đó, anh không gặp du khách nào và trời chiều có chút ảm đạm. Thành viên trong đoàn cũng dần xuống tinh thần.

Tuy nhiên, những mệt mỏi đều tiêu tan khi vùng hồ Song-kol hiện ra. Trải dài trước mắt anh là một đồng cỏ mênh mông nằm bên hồ nước ngọt lớn, xa xa là những dãy núi thấp thoáng chút tuyết còn sót lại của mùa đông năm trước.

Hồ Song-kol

Kyrgyzstan là một trong những quốc gia hiếm hoi còn tồn tại cộng đồng du mục lớn. Người dân tập trung đông quanh hồ Song-kol vào mùa hè cùng đàn ngựa, bò, dê, cừu khổng lồ. Chiếc xe Jeep chở cả đoàn đi một đoạn quanh hồ tới căn lều Yurt đã đặt thuê.

Mây mù trước đó tan đi và trời hửng nắng khi sắp hoàng hôn. Việc vắng khách du lịch lại trở thành một đặc ân. Minh Đức chậm rãi hưởng thụ khung cảnh yên bình của vùng hồ. Xung quanh là âm thanh của đồng cỏ, núi, tiếng ngựa hí và mặt hồ yên ả khi chiều tà. Nắng buông màu đỏ ối trên đồng cỏ mênh mông. Anh cùng bạn bè mình ngồi thưởng trà bên lều, hướng mắt nhìn mặt trời dần đi mất. Ở Kazakhstan và Kyrgyzstan mùa hè khá ôn hòa, một số khu vực sâu trong núi còn lạnh khi nhiệt độ xuống 10 độ.

Một chú ngựa thong dong gặm cỏ gần hồ Song-kol

Buổi tối, Đức có cơ hội tận hưởng bầu trời đầy sao, sáng quắc một vùng đồng cỏ. Sớm tinh mơ tỉnh dậy, anh dạo quanh thảo nguyên khi sương còn ướt đầm trên cỏ. Không gian và thời gian như dừng lại trong buổi sớm bình minh - một vẻ đẹp siêu thực như anh từng tưởng tượng khi đọc các tác phẩm văn học Liên Xô cũ. Mỗi người trong đoàn ra khỏi trại chọn đi một hướng khác nhau để không “đánh thức” khoảnh khắc yên tĩnh đáng quý của người khác.

Uzbekistan - vùng đất văn hóa

Gác lại “cơn mộng” thiên nhiên khi tờ mờ sáng, xe đã đến biên giới, đoàn của Đức cùng vài du khách nước ngoài thuê xe tiến thẳng vào thủ đô Uzbekistan. Minh Đức không khám phá Tashkent mà chọn ngồi xe khách khoảng hơn 4 tiếng nữa đến thành phố Samarkand - hành trình khám phá Uzbekistan bắt đầu từ đây, kéo dài trong suốt hai ngày để đi mọi ngóc ngách trong thành phố lớn thứ hai đất nước, từ công trình văn hóa gắn liền với thời kỳ Timurid như quảng trường Registan, khu tổ hợp Shah-i-Zinda, Bibi Khanum Mosque...

Tháp tượng niệm Kaltaminor ở Khiva

Rời Samarkand, đoàn tiếp tục di chuyển tới Khiva - một thành phố nhỏ cách Samarkand khoảng 10 tiếng đi tàu, cách biên giới Turkmenistan không xa. Nheo mắt trước cái nắng và nóng lên tới 40 độ trong mùa hè, Minh Đức phỏng đoán lý do tại sao “nàng công chúa say ngủ” của Uzbekistan lại ít khách du lịch như vậy, dù anh thừa nhận vẫn thích Khiva nhờ sự yên bình và không xô bồ.

Lăng mộ Guri Amir của một nhà chinh phục người Thổ Nhĩ Kỳ tên Timur ở Samarkand, Uzbekistan

Ngồi lên chuyến tàu băng qua hoang mạc khô cằn, Bukhara 2.000 năm tuổi với sự sầm uất, nhộn nhịp, sự bình yên ở Khiva trở thành lạ lẫm với Minh Đức. Nếu muốn hình dung rõ nhất về một đô thị trung cổ tại Trung Á, Bukhara chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua. Thắng cảnh này nổi tiếng với loạt công trình như lăng mộ Ismail Samani từ thế kỷ thứ 10, pháo đài Bukhara, quần thể kiến trúc Pol Kalyan... đan xen là chuỗi cửa hàng thủ công mỹ nghệ, khảm gỗ, dệt thảm, gốm sứ hay khu chợ bán hạt, quả khô. Kết thúc 10 ngày tại đây, dù bạn anh đi về vẫn than thở đáng nhẽ ra không nên dành nhiều ngày như vậy ở Uzbekistan, Minh Đức lại tin rằng 10 ngày đã là đủ với mình.

Một nghệ nhân gặp trong lúc dạo các khu phố

Trung Á là một khu vực chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi du lịch nên đây là cơ hội để những vị khách ưa thích khám phá tìm đến hoà mình vào trải nghiệm như những người dân địa phương. Mỗi buổi chiều ngồi trước quảng trường tại Samarkand, trẻ con tới nói chuyện bằng tiếng Anh với anh rất nhiều. Hoặc có lần đang đứng ở bến xe ở Uzbekistan, cô bán bánh mì bắt chuyện với Minh Đức dù cả hai phần lớn chỉ cười và ra ám hiệu. Khi Đức nói mình là người Việt Nam, cô cười hồ hởi và tặng anh hai chiếc bánh mì lớn...


>>Xem thêm: Istanbul: Trải nghiệm một ngày sống ở cả châu Âu lẫn châu Á


ADVERTISEMENT